Học sinh tâm sự với bố mẹ về áp lực của việc học cày cuốc, học chạy đua theo điểm số

PV,
Chia sẻ

Từng có lúc, Trang Linh thấy bản thân giống như một cỗ máy chỉ được lập trình với mục đích "xuất sắc về mặt học thuật".

Mới đây, tại trường Phổ thông liên cấp Olympia (Khu đô thị mới Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo giáo dục với chủ đề: "Cha mẹ bận rộn dạy con lớn khôn - Phụ huynh đô thị và áp lực dẫn dắt trẻ thành công". Trong suốt chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc học thuật trường THPT Olympia và các học sinh thành công của trường đã chia sẻ câu chuyện thực tế về các chủ đề như:

- Những vấn đề thường gặp trong cách phụ huynh đô thị đồng hành cùng con trẻ ngày nay;

- Đối với phụ huynh bận rộn, liệu có những cách tiếp cận hiệu quả nào trong giáo dục con;

- Đâu là các nguyên tắc và giải pháp để giúp con trưởng thành hạnh phúc và thành công. 

Xuất hiện trong buổi hội thảo, em Nguyễn Trang Linh (lớp 11QT) khiến nhiều phụ huynh lặng đi khi chia sẻ câu chuyện của mình. Trước khi theo học ở Olympia, Trang Linh là một học sinh có thành tích học tập xuất sắc và luôn được gia đình tạo điều kiện học tập tốt nhất. 

Tuy nhiên, em thường thấy không thoải mái, bí bách về tâm lý. Trang Linh tự cảm nhận được áp lực nặng nề từ một "cuộc cạnh tranh không lời". Đó là cuộc cạnh tranh để trở thành người giỏi hơn, thành công hơn "đứa trẻ hàng xóm", cạnh tranh để trở thành "con nhà người ta" trong mắt các bậc phụ huynh. 

"Em luôn cảm thấy một khoảng trống, một cảm giác rằng: Mình chưa tìm thấy một sở thích, một lĩnh vực bản thân thật sự đam mê", Trang Linh kể lại. Em ví bản thân lúc đó giống như một cỗ máy chỉ được lập trình với mục đích "xuất sắc về mặt học thuật". 

Học sinh tâm sự với bố mẹ về áp lực của việc học cày cuốc, học chạy đua theo điểm số - Ảnh 1.

Trang Linh chia sẻ câu chuyện của bản thân

May mắn là chương trình học ở Olympia đã giúp Trang Linh có thể tìm ra mình thật sự thích gì. Em được học những gì cần cho thực tế, cuộc sống hiện đại, được trải nghiệm, tìm kiếm đam mê, thử thách bản thân qua việc học từ các case business quốc tế, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tham gia các hoạt động tranh biện, viết luận, diễn nhạc kịch tiếng Anh "Những người khốn khổ" và có cơ hội giao lưu cùng bạn bè quốc tế qua hoạt động cùng đọc sách - "Global Read Aloud"...

"Hơn thế nữa, em và các bạn luôn được thầy cô ủng hộ, giúp đỡ mọi ý tưởng, mong muốn", Trang Linh cho hay. Chính những điều này đã giúp em thoát khỏi lối học "cày cuốc" để học tập một cách toàn diện, sâu hơn và có sự chắc chắn, chất lượng trong kiến thức thay vì chăm chăm vào điểm số.

Tác hại của lối học "cày cuốc"

Nói về chuyện học theo lối "cày cuốc", Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cũng chia sẻ đôi điều. Từng tham gia luyện thi IELTS, TOEFL,... cho học sinh, anh nhận thấy học trò của mình chưa bao giờ học tập vì yêu thích mà chỉ vì điểm số. 

"Khi các em đạt điểm cao, được IELTS tới 8.0, 8.5, phụ huynh mừng nhưng tôi vẫn thấy lo và mơ hồ. Tôi cảm thấy các em luyện thi để đi du học nhưng dường như các em chưa sẵn sàng cho điều đó. Các em vẫn còn thiếu độ trầm, độ sâu sắc, thiếu khả năng tự ra được quyết định. Nếu gặp phải vấn đề trong cuộc sống, liệu các em có thể tự giải quyết?", Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu nhớ lại điều mình từng trăn trở trước đây.

Từ năm 2016, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu không nhận luyện thi nữa mà quyết định quay trở về những thứ nền tảng nhất của giáo dục. 

Học sinh tâm sự với bố mẹ về áp lực của việc học cày cuốc, học chạy đua theo điểm số - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu

Qua quá trình làm việc, anh nhận thấy, nhiều phụ huynh hiện nay đang bị nhầm về công thức tạo nên "thành công" cho một đứa trẻ. Đó là việc cha mẹ cho con học nhiều chương trình càng sớm càng "tốt". Thời gian chơi, vận động, thở, ngủ của những đứa trẻ bị cắt giảm. Giờ học chuyển sang luyện thi với các đề thi triệt tiêu sự sáng tạo và công nghệ đang "đốt não", khiến trẻ mất kiểm soát.

Cái giá phải trả là tỷ lệ thích đi học của trẻ giảm mạnh. Các em bị khủng hoảng về giấc ngủ, tăng rối loạn lo âu, mối quan hệ bố mẹ - con cái bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, trẻ trở nên thiếu kỷ luật, thiếu kiểm soát bản thân và mong manh, dễ vỡ hơn. 

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, thay vì điểm số, cha mẹ cần giúp con tập trung vào những nguyên tắc nền tảng nhất của giáo dục. Đó là: Nhu cầu phát triển tự nhiên của não bộ, niềm vui học tập bền vững, cách quản lý cảm xúc xã hội và cách phát triển các mối quan hệ cá nhân. 

Chia sẻ