Học sinh trường tư ở Hà Nội học tiếng Anh theo cách độc đáo: Mô phỏng Hội nghị Liên hợp quốc, tranh biện những vấn đề thời sự

THANH HƯƠNG,
Chia sẻ

Không chỉ có thêm kiến thức xã hội, các em học sinh còn rèn luyện được loạt kỹ năng học tập hữu ích.

Ngày 15/3 vừa qua, học sinh khối 10 trường Phổ thông liên cấp Olympia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng tham gia một dự án thú vị có tên TOSMUN. Đây là dự án học tập thường niên trong môn Tiếng Anh của học sinh khối 10 nhà trường, được tổ chức theo mô hình hội nghị Liên hợp quốc. 

Tham gia TOSMUN, các học sinh được đóng vai đại diện của một quốc gia và bàn thảo những vấn đề thời sự toàn cầu, nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và tinh thần hợp tác giữa các bên liên quan.

Mục tiêu của dự án là giúp học sinh nâng cao hiểu biết về các vấn đề toàn cầu, phát triển năng lực tiếng Anh, tư duy phản biện, kỹ năng viết luận, đàm phán, làm việc nhóm và lãnh đạo… TOSMUN đồng thời là hoạt động kiểm tra đánh giá lấy điểm hệ số 2 của học sinh khối 10. Với hình thức này, việc kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh sẽ toàn diện hơn, đáp ứng bộ kỹ năng của thế kỷ 21.

Các vấn đề được chọn trong dự án lần này bao gồm: Nạn chảy máu chất xám; Việc sử dụng công nghệ trong chống biến đổi khí hậu; Giải quyết các vấn đề sức khỏe liên quan đến việc tiêu thụ quá mức các trò chơi điện tử; Giải giáp cho các binh sĩ chưa đủ tuổi ở những khu vực dễ xảy ra xung đột,...

Học sinh trường tư ở Hà Nội học tiếng Anh theo cách độc đáo: Mô phỏng Hội nghị Liên hợp quốc, tranh biện những vấn đề thời sự - Ảnh 1.

Học sinh tham gia dự án TOSMUN

Học sinh trường tư ở Hà Nội học tiếng Anh theo cách độc đáo: Mô phỏng Hội nghị Liên hợp quốc, tranh biện những vấn đề thời sự - Ảnh 2.


Gặt hái kiến thức xã hội, tăng cường loạt kỹ năng học tập hữu ích thông qua dự án đặc biệt

Trong vai trò đại diện nước Mỹ, em Hồng Vũ Bảo Khang nói về việc giảm thiểu hậu quả kinh tế xã hội của nạn chảy máu chất xám. Bảo Khang cho biết đây là quốc gia đang được hưởng lợi nhiều nhất từ việc này, bởi Mỹ thường là điểm đến của nguồn nhân lực có trình độ cao.

Trong khi đó, đại diện các quốc gia khác đang chịu tác động nặng nề đưa ra thực trạng vấn nạn này đang làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; Gây thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng như khoa học công nghệ, y tế… Đại diện Mỹ và đại diện các nước đã cùng thảo luận sôi nổi về vấn đề thời sự này, đồng thời đề xuất các giải pháp khả thi cho đặc điểm, điều kiện của từng quốc gia.

Bảo Khang cho biết, trước dự án, em đã nghe qua về vấn đề chảy máu chất xám nhưng chưa có cơ hội tìm hiểu kỹ. Trong suốt 1,5 tháng tham gia TOSMUN, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, Bảo Khang tra cứu thông tin thông qua những trang tin chính thống của Chính phủ các nước, đồng thời đọc nhiều bài nghiên cứu để thu thập số liệu.

Nhờ dự án lần này, Bảo Khang không chỉ có thêm kiến thức xã hội mà còn được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng học tập khác như tra cứu, chọn lọc thông tin, phân tích số liệu, kỹ năng tư duy, phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình,...

Đây là điều mà Bảo Khang khó lòng gặt hái được nếu chỉ học - kiểm tra bộ môn tiếng Anh bằng phương pháp làm bài thi trên giấy truyền thống.

Học sinh trường tư ở Hà Nội học tiếng Anh theo cách độc đáo: Mô phỏng Hội nghị Liên hợp quốc, tranh biện những vấn đề thời sự - Ảnh 3.

Các em học sinh gặt gái được nhiều kiến thức, kỹ năng thông qua dự án học tập

Giống như Bảo Khang, em Lê Phúc Hà Linh - một học sinh lớp 10 khác của trường Olympia cũng đã "bỏ túi" loạt kiến thức, kỹ năng hữu ích sau TOSMUN. Là đại diện của nước Somalia - thành viên của Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế (DISEC), Linh có cơ hội tìm hiểu, trao đổi về chủ đề "Giải giáp cho các binh sĩ chưa đủ tuổi ở những khu vực dễ xảy ra xung đột".

Quá trình tìm hiểu thông tin, viết luận giúp Linh biết được, đây là vấn đề đang nóng hổi ở không chỉ một vài quốc gia mà trên cả toàn cầu.

Chia sẻ thêm về dự án, thầy Leonid Kanev, Phó Chủ nhiệm chương trình tiếng Anh của trường Olympia cho hay, mục đích của TOSMUN là giúp học sinh học tiếng Anh trong một bối cảnh tự nhiên.

"Trong bối cảnh hội nghị, học sinh sẽ cần viết báo cáo và để viết được báo cáo, học sinh cần phải nghiên cứu rất kỹ về vấn đề. Đây chính là một kỹ năng mềm chúng tôi muốn học sinh đạt được, ngoài ra, còn có kỹ năng viết. Viết ở đây là viết trong một bối cảnh trang trọng, yêu cầu văn phong ngoại giao và học thuật. Học sinh cần phải biết tổng hợp thông tin, viết ra tất cả những điểm quan trọng một cách hiệu quả nhất bằng văn phong học thuật, ngoại giao.

Trong hội nghị, như các bạn sẽ thấy, học sinh sẽ được thể hiện khả năng nói trước đám đông, đàm phán, giao tiếp và làm việc nhóm, được thảo luận và đưa ra ý kiến, thậm chí là tranh biện trong một môi trường ngoại giao. Tóm lại, dự án này sẽ giúp cho học sinh phát triển khả năng ngôn ngữ, kỹ năng mềm và bộ kỹ năng dành cho công dân thế kỷ 21", thầy Leonid Kanev chia sẻ.

Đến với phiên hội nghị trù bị, thầy Leonid Kanev quan sát thấy học sinh của mình, kể cả những bạn trước đây hơi tự ti, ít nói, đã trở nên tự tin hơn rất nhiều. So sánh với phương pháp học thi truyền thống, thầy Kanev cho rằng, hoạt động dự án giúp giáo viên đánh giá được học sinh trong 1 quá trình, thấy được các em phát triển và tiến bộ ra sao.

Chia sẻ