Nữ sinh Hà Nội đỗ trường top đầu tại Mỹ: Thiết kế trang phục Nam Phương Hoàng hậu đẹp ngỡ ngàng, cùng bài luận cực ngầu

Ứng Hà Chi ,
Chia sẻ

Vượt qua định kiến dư luận xã hội, Quỳnh Trang vẫn quyết định theo đuổi đam mê của mình và em may mắn khi nhận suất học bổng trị giá cao tại xứ sở cờ hoa.

Vừa qua, Đỗ Quỳnh Trang, 18 tuổi, sinh sống tại Hà Nội đã trúng tuyển vào trường Savannah College of Art and Design – top 26 thế giới về ngành Art and Design (theo QS ranking 2022) với giá trị học bổng khoảng 2 tỷ đồng. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, trường Phổ thông Liên cấp Olympia, nữ sinh sẽ sang Mỹ để theo đuổi ước mơ của mình. 

Ước mơ của Quỳnh Trang là phát triển một thương hiệu thời trang riêng và xây dựng trung tâm trao đổi văn hoá thời trang, nhằm đưa văn hoá truyền thống trang phục Việt Nam tới gần hơn bạn bè quốc tế.

Ngoài Savannah College of Art and Design, Quỳnh Trang còn trúng tuyển 5 ngôi trường đại học danh giá tại Mỹ khác, bao gồm: Drexel University (158.000$/4 năm), Marist College (80.000$/4 năm), Columbia College Chicago (42.000/4 năm), Stephen College (60.000$/4 năm). 

Nữ sinh Hà Nội đỗ trường top đầu tại Mỹ: Thiết kế trang phục Nam Phương Hoàng hậu đẹp ngỡ ngàng, viết bài luận cực ngầu về hành trình tìm kiếm bản thân - Ảnh 1.

Chân dung nữ sinh Đỗ Quỳnh Trang.

Thành tích học tập xuất sắc mà nữ sinh Đỗ Quỳnh Trang đạt được:

IELTS 7.0

Học sinh xuất sắc Olympia từ lớp 9 – 12

Top 8 giải tranh biện Hà Nội mở rộng – Pre UADC

Giải Vàng, bảng Piano, Liên hoan Nghệ thuật châu Á Thái Bình Dương (2018)

Trưởng ban hậu cần dự án "Hà Nội trong mắt tôi" (2020-2021)

Phó ban Service Learrning khối 11 (2020-2021)

Trưởng ban truyền thông câu lạc bộ R.A.S Club (2020-2022)

Leader nhóm thiết kế thời trang dự án "Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc" (2019-2020)

Đại sứ văn hóa đọc năm 2019.

Trưởng ban design dự án Anatolie Project

Phó ban design dự án The Meliora Project

Top 8 giải tranh biện Hà Nội mở rộng – Pre UADC

Giải Vàng, bảng Piano, Liên hoan nghệ thuật châu Á Thái Bình Dương năm 2018.

GÂY ẤN TƯỢNG HỘI ĐỒNG TUYỂN SINH BẰNG ART PORTFOLIO CÓ 1-0-2 

Trước đây, Quỳnh Trang chưa bao giờ xác định sẽ theo ngành Mỹ thuật. Tuy nhiên, từ hồi nhỏ em đã được bố mẹ cho tham gia các lớp học năng khiếu vẽ tranh nghệ thuật. Tình yêu với hội họa lớn lên mỗi ngày nhưng Quỳnh Trang chưa đủ tự tin để theo đuổi đam mê. Ngoài hội họa, nữ sinh cũng yêu thích ngành Marketing và Truyền thông.

Đến khi lên lớp 11, Quỳnh Trang mới xác định theo đuổi hội họa một cách nghiêm túc. Khi "apply" vào các trường Đại học bên Mỹ, em chọn chuyên ngành Fashion Marketing and Managemnet (Quản lý và Tiếp thị Thời trang). "Chuyên ngành học phù hợp với em vì em yêu thích cả 2 lĩnh vực này. Em nghĩ được học đúng ngành mình thích sẽ đem lại nhiều lợi ích, giúp em phát triển tối đa năng lực bản thân", Quỳnh Trang chia sẻ. 

Nữ sinh Hà Nội đỗ trường top đầu tại Mỹ: Thiết kế trang phục Nam Phương Hoàng hậu đẹp ngỡ ngàng, viết bài luận cực ngầu về hành trình tìm kiếm bản thân - Ảnh 3.

Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng Quỳnh Trang vẫn quyết định theo đuổi đam mê của mình.

Trên thế giới có nhiều trường đào tạo về Mỹ thuật, đặc biệt là ở các nước khu vực châu Âu. Nhưng Quỳnh Trang vẫn chọn nước Mỹ vì em yêu thích cả Kinh doanh, chứ không riêng về nghệ thuật. Em nghĩ Mỹ là một thị trường rộng lớn giúp em học hỏi được kiến thức Kinh doanh. Và về nghệ thuật, đất nước này cũng không thua kém gì châu Âu.

Nữ sinh Hà Nội cho biết: "Vào đầu năm học lớp 10, em được học nhiều môn liên quan đến ngành Marketing. Không chỉ học lý thuyết trên lớp, em còn được đi thực tế tại các địa điểm như: Siêu thị, tiệm bánh,… Từ những trải nghiệm này, giúp em hiểu thêm về nghề nghiệp tương lai mình đã chọn. Marketing không đơn giản là ngồi một chỗ mà cần sự nghiên cứu sâu sắc, kỹ lưỡng về nhãn hàng". 

Quỳnh Trang cho biết, bộ hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học bên Mỹ gồm: Bảng thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa, tác phẩm vẽ căn bản (vẽ bằng chì, vẽ bằng chất liệu sơn dầu,…). Quan trọng nhất là Art Portfolio (bộ thiết kế thời trang) giới thiệu những thiết kế.

Trong Art Portfolio, nữ sinh Hà Nội đã sáng tác những thiết kế thời trang sáng tạo, thú vị. Em vẽ và nói về vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam được thể hiện qua phong cách của Nam Phương Hoàng hậu. Bà là người con gái Á Đông nhưng mang nét đẹp kết hợp giữa cả phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại. Từ nhỏ Nam Phương Hoàng hậu đã đi du học tại Pháp. Vì vậy, trong con người bà mang nhiều nét hiện đại của phương Tây thể hiện qua trang phục hàng ngày, lối sống,… Tuy nhiên, trong những sự kiện quan trọng của đất nước, bà vẫn mặc áo nhật bình, áo dài truyền thống để tô đậm nét văn hóa dân tộc.  

Trong quá trình làm hồ sơ du học, Quỳnh Trang gặp nhiều khó khăn. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài là thách thức lớn nhất. Vì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên em không thể đến lớp học năng khiếu. Các tác phẩm Mỹ thuật đều phải làm online dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Em cũng không thi SAT được, điều này từng khiến em lo lắng, mất tinh thần.

Nữ sinh Hà Nội đỗ trường top đầu tại Mỹ: Thiết kế trang phục Nam Phương Hoàng hậu đẹp ngỡ ngàng, viết bài luận cực ngầu về hành trình tìm kiếm bản thân - Ảnh 4.

Một số thiết kế của nữ sinh trong Art Portfolio gửi các trường đại học Mỹ.

BÀI LUẬN ĐI TÌM MÀU SẮC BẢN THÂN, VƯỢT QUA MỌI ĐỊNH KIẾN

Về bài luận chính dài 650 chữ, Quỳnh Trang viết về hành trình tìm kiếm bản thân, định nghĩa về nghệ thuật. Khi bày tỏ nguyện vọng theo đuổi Kinh doanh và Thời trang, mọi người xung quanh không ủng hộ em. Họ cho rằng em không hợp theo đuổi con đường nghệ thuật, không có nét cá tính của bản thân. 

"Những câu nói đó đã khiến em buồn rất nhiều. Nhưng sau cùng, em vẫn quyết tâm được sống trọn với đam mê, bỏ ngoài tai những định kiến. May mắn em luôn có bố mẹ luôn ở bên động viên và tôn trọng mọi quyết định của em", nữ sinh Hà Nội tâm sự. 

Vì thời gian đầu, thành tích học thuật không quá xuất sắc nên Quỳnh Trang phải nỗ lực hơn các bạn khác rất nhiều. Em miệt mài ôn luyện các bài thi chuẩn hóa và rèn luyện kỹ năng vẽ để nâng cao năng lực. Trong quá trình tìm kiếm bản thân, nữ sinh nhận ra rằng, người có tố chất nghệ thuật không không nhất thiết phải phô bày cá tính. Mỗi người đều mang một nét nghệ thuật riêng, đó là thứ "chất" riêng chảy trong cơ thể. Dần dần qua thời gian, khi có những trải nghiệm, những va vấp, tố chất mới thể hiện rõ ra ngoài. 

"Nghệ thuật không theo một định nghĩa nào cả", đó là câu nói Quỳnh Trang vô cùng yêu thích. Càng trải nghiệm, em càng tin tưởng vào quyết định của bản thân. Nghệ thuật không có định nghĩa, không tồn tại định kiến và cũng không theo một giới hạn nào cả. 

Nữ sinh Hà Nội đỗ trường top đầu tại Mỹ: Thiết kế trang phục Nam Phương Hoàng hậu đẹp ngỡ ngàng, viết bài luận cực ngầu về hành trình tìm kiếm bản thân - Ảnh 6.

"Nghệ thuật không theo một định nghĩa nào cả", đó là câu nói Quỳnh Trang vô cùng yêu thích. Càng trải nghiệm, em càng tin tưởng vào quyết định của bản thân.

Trong bài luận, Quỳnh Trang cũng chia sẻ về thời trang truyền thống mà em đang hướng đến là áo dài. Nữ sinh muốn kết hợp nét truyền thống và hiện đại trong bộ thiết kế. Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc. Người con gái mặc tấm áo dài ẩn chứa vẻ đẹp đằm thắm, đoan trang, dịu dàng. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, áo dài cần có sự đổi mới để phát huy sự sáng tạo, độc đáo. Đồng thời, giúp phụ nữ di chuyển tiện lợi hơn. 

Bàn về nguồn sáng tạo ý tưởng, Quỳnh Trang hồ hởi chia sẻ: "Chất liệu cuộc sống chính là ý tưởng cho sáng tác nghệ thuật. Em thường quan sát và ghi chép lại những sự vật, hiện tượng diễn ra hằng ngày ra một cuốn sổ. Ngoài ra, em cũng trau dồi sự sáng tạo bằng cách xem nhiều phim ảnh, lướt pinterest,… rồi thảo luận với giáo viên để triển khai. Khi bí ý tưởng, em sẽ ra ngoài khám phá, việc ngồi yên một chỗ không thể nghĩ ra được những điều hay". 

Nữ sinh còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, dự án nghệ thuật trong trường lẫn ngoài trường học. Em là Trưởng ban truyền thông câu lạc bộ R.A.S Club, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đưa ra ý tưởng content (nội dung) và phân công công việc cho các thành viên. Đồng thời, ở những câu lạc bộ khác, Quỳnh Trang trở thành designer (thiết kế) cho các chiến dịch. Việc cùng lúc đảm nhiệm hai vị trí với vai trò khác nhau giúp em nhận ra nhiều điều hữu ích. 

"Em thấy truyền thông và design liên kết chặt chẽ, không thể tách rời. Truyền thông sáng tạo content mới có tư liệu để designer làm việc. Ngược lại, nếu không có design sẽ không truyền đạt trọn vẹn nội dung đến độc giả. Thế nên, hai công việc này bổ trợ cho nhau rất nhiều. Ngoài ra, em còn học thêm được kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp,… làm hành trang giúp bản thân tự tin hơn khi ra nước ngoài du học", nữ sinh Hà Nội chia sẻ.  

Ảnh: NVCC

Chia sẻ