undefined

Học sinh khối 10 mở rộng tư duy về bình đẳng giới khi kết nối trao đổi với chuyên gia

22 March, 2022

Tuần qua, Olympians khối 10, lớp Humanties khối 9 và đại diện R.A.S. club đã có buổi giao lưu cùng thạc sĩ Lê Thị Lan Phương - chuyên gia Chương trình Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women). Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người diễn ra tại Olympia trong tháng 3 này. Buổi trao đổi cũng thuộc khuôn khổ dự án OLMUN (Olympia Leaders’ Model United Nations) và chuỗi sự kiện GloCal Connect kết nối Olympians với chuyên gia ở các lĩnh vực để tìm hiểu về hoạt động của một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc, các cách tiếp cận trong một tổ chức liên chính phủ và những hoạt động điển hình trên thế giới và ngay tại Việt Nam.



Dưới sự dẫn dắt của 2 MC khối 10 là bạn Bảo Linh và Quốc Anh, các học sinh đã cùng kể ra những từ ngữ mà bản thân cho rằng gắn với vấn đề bình đẳng giới. Cũng chính từ đây, thạc sĩ Lan Phương có cơ hội làm rõ hai khái niệm mà chúng ta hay nhầm tưởng là giống nhau, đó là: “đối xử như nhau” và “đối xử công bằng”. Theo cô Phương, “đối xử công bằng” là đối xử với hai giới khác nhau nhưng dựa trên những đặc điểm giới tính, sinh học của họ và dựa trên quyền bình đẳng của con người. Đây là điều chúng ta hướng đến. Khái niệm này hoàn toàn khác “đối xử như nhau”, tức đối xử với 2 giới giống nhau bất chấp đặc điểm giới tính, sinh học.

Sử dụng đan xen các số liệu thực tế về bình đẳng giới ở Việt Nam và quốc tế, thạc sĩ Lê Thị Lan Phương đã giới thiệu với Olympians nhiều kiến thức cụ thể, mới mẻ về lĩnh vực này. Vai trò, lĩnh vực hoạt động của UN Women tại Việt Nam và thế giới, cũng được chuyên gia thông tin cụ thể. Theo đó, UN Women là cơ quan độc lập của Liên Hợp Quốc chuyên về bình đẳng giới, hoạt động vì lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái. Tổ chức này có vai trò: hỗ trợ các cơ quan liên chính phủ; hỗ trợ các thành viên của Liên hợp quốc và dẫn dắt, điều phối các cơ quan của Liên Hợp Quốc để thực hiện trách nhiệm bình đẳng giới. Tại Việt Nam, UN Women đã có nhiều hoạt động để bảo vệ quyền của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người.

 
Buổi chia sẻ không đơn thuần là trao đổi kiến thức mà Olympians còn được truyền cảm hứng từ câu chuyện có thật của thạc sĩ Lan Phương và hành trình theo đuổi con đường bảo vệ giới nữ, hoạt động vì bình đẳng giới. Từ một cô bé 6 tuổi không chấp nhận việc những người phụ nữ thân yêu của mình phải ngồi mâm dưới hay bị phải lo toan tất cả việc nhà; Lê Thị Lan Phương sau đó đã trở thành sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) rồi lấy học bổng học thạc sỹ chuyên sâu về bình đẳng giới ở Đại học Melbourne, Australia. Trải qua nhiều vị trí khác nhau, dù ở tổ chức quốc tế chống đói nghèo ActionAid International hay Ban Thư ký ASEAN tại Indonesia, cô Lan Phương vẫn khao khát được toàn tâm toàn ý vào sự nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới, đã thực sự tâm đắc khi được công tác tại UN Women và chuyên tâm trở thành chuyên gia Chương trình Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ của tổ chức này.

GloCal Connect #11 có sự đồng hành của chị Đoàn Khánh Linh - tân cử nhân của Học viện Ngoại giao và là trợ lý cho Chương trình Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ của UN Women. Truyền cảm hứng thêm cho các bạn trẻ, trợ lý Khánh Linh đã chia sẻ quá trình tham gia các hoạt động tình nguyện, thúc đẩy bình đẳng giới của bản thân từ khi là sinh viên. “Mở rộng cánh tay hỗ trợ những người khác”, chính là điều trợ lý Khánh Linh cùng thạc sĩ Lan Phương nhắn nhủ Olympians hãy thực hiện từ bây giờ.

Một số câu chuyện về quá trình hình thành và thực hiện các sáng kiến nhằm phá bỏ định kiến, thúc đẩy bình đẳng giới của Olympians, cũng được các học sinh sôi nổi chia sẻ. Trong đó, bản rap "Bình đẳng giới vì thế hệ mới” của R.A.S CLUB được vinh dự đồng hành cùng chiến dịch quốc gia về Chấm dứt bạo lực với phụ nữ trong tháng 11-12/2021 là dẫn chứng điển hình cho tinh thần của Olympians trong lan tỏa các thông điệp về bảo vệ quyền được tôn trọng, bình đẳng của con người . Nhân dịp này, chuyên gia UN Women - cô Lan Phương đã biểu dương ý nghĩa và sự hưởng ứng từ công chúng, nhiều tỉnh thành đối với bài hát và tặng certificate ghi nhận sự đóng góp của các thành viên câu lạc bộ.

 
Khép lại GloCal Connect #11, các học sinh đã có cho riêng mình những suy nghĩ, hiểu biết quý báu về các vấn đề toàn cầu, quyền bình đẳng và bình đẳng giới. “Con rất thích câu chuyện cô Lan Phương kể về hành trình bảo vệ quyền bình đẳng cho nữ giới của cô, bắt đầu từ trải nghiệm thực tế khi cô chứng kiến sự đối xử không công bằng với nữ giới trong gia đình và cộng đồng”. Hoàng Ngọc Trâm Anh chia sẻ. “Buổi nói chuyện này đã giúp con rất nhiều trong việc nhận diện và hiểu các vấn đề về phân biệt đối xử với cộng đồng châu Á nói chung và với phụ nữ châu Á nói riêng. Điều này là vô cùng hữu ích cho con khi chủ đề trong OLMUN của con là Bạo lực đối với người châu Á”, Nguyễn Thị Diệp Linh nói.

Các bạn học sinh ngày nay chính là những đại diện cho thế giới mới tương lai, đóng góp vào hành trình thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam và thế giới. Trường Olympia tin tưởng rằng cùng với các chương trình học tập, những buổi chia sẻ từ chuyên gia như thạc sĩ Lan Phương về bình đẳng giới sẽ góp phần tạo dựng cho các bạn sự tự tin về bản thân, hiểu biết các vấn đề toàn cầu và có những hành động góp phần phát triển một cộng đồng tôn trọng, bình đẳng ngay trong trường học, gia đình, xã hội.  

Share:

Related post