undefined

Bước từng bước khuyến khích học sinh vượt ra vùng an toàn của bản thân

17 November, 2022

Ra trường 4 năm, từng ấy thời gian tôi dành trọn vẹn cho Olympia và các bạn nhỏ cấp Tiểu học ở đây. Các con còn nhỏ về thể chất, tưởng chừng phải phụ thuộc nhiều vào bố mẹ và thầy cô. Ấy thế mà Olympians Tiểu học nhiều lần khiến tôi ngạc nhiên, hạnh phúc khi làm được những điều ngoài sức tưởng tượng, vượt ra cả vùng an toàn của bản thân các con, trong những dự án học tập hay chương trình ngoại khóa với nhiều thách thức cho cả cô-trò.

Cô Nguyễn Ngân Hà - giáo viên Toán cấp Tiểu học Olympia.

Đó là năm học 2021-2022 quá nửa thời gian các con phải ngồi học sau màn hình máy tính. Nghĩ tới việc phải gác lại những dự án cần có sự giám sát của thầy cô trong quá trình học sinh thực hiện, tôi thấy thật đau lòng. Và với mong muốn mãnh liệt về việc dù dưới hình thức nào cũng mang đến cơ hội học tập trải nghiệm thú vị cho học sinh, cùng sự hỗ trợ nhiệt tình từ đồng nghiệp, dự án “Ngôi nhà mơ ước” - nơi Olympians khối 4 được vận dụng kiến thức các môn học để thiết kế, dựng mô hình 3D và thuyết trình, vẫn diễn ra trong những tháng dịch Covid-19 đang cao điểm.

Trong dự án này, điều khiến tôi ấn tượng tới giờ, đó là việc có những học sinh trầm tính, ít nói mà ngày nay mọi người hay gắn với khái niệm “hướng nội”, đã vượt qua nỗi sợ đám đông, vượt qua nỗi e dè mỗi lần đứng lớp thuyết trình ngày trước. Thời điểm đó, tôi thực sự xúc động và tự hào khi các con tự chuẩn bị slides, viết những lời gửi gắm của mình về ngôi nhà trong mơ ước, thông qua từng chi tiết nhỏ. Đó là ngôi nhà mang phong cách tối giản, có phòng khách nơi mọi người kể cho nhau nghe câu chuyện hôm nay của mình; đó là phòng bếp nơi mẹ hàng ngày nấu những bữa cơm đủ chất dinh dưỡng cho cả gia đình; là góc đọc sách yêu thích của con và những ước mơ “những người thân yêu khi sống trong ngôi nhà này sẽ luôn được hạnh phúc”…

Sau chương trình, tôi đã được nghe các thầy cô giám khảo chia sẻ sự bất ngờ khi 8 học sinh thuyết trình không còn là những cái tên quen thuộc; về việc thầy cô bị thuyết phục như thế nào khi nghe câu chuyện của mỗi bạn; các thầy cô thấy thú vị ra sao với những sáng tạo của học sinh… Cả bố mẹ của các bạn nhỏ cũng thật sự ngạc nhiên khi lần đầu thấy con thuyết trình trước đông đảo khán giả. Dù ngày hôm đó giọng nói của con còn run run, nhưng ánh mắt mỗi bạn đều sáng bừng lên, lúc nói về tác phẩm của chính mình. Tất cả thầy cô, bố mẹ đều cảm nhận rõ sự dũng cảm của Olympians khi bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Và trải nghiệm với dự án “Ngôi nhà mơ ước” đã đặt viên gạch vững chắc cho các bạn học sinh trong hành trình thể hiện bản thân tại các dự án, sự kiện tiếp theo.

Rồi trong những mùa The K.N.O.T - Vượt thử thách, các người giáo viên chúng tôi đã vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến những điều be bé mình gieo mỗi ngày cho các bạn nhỏ giờ đang dần thu được “quả ngọt”. Đó là khi cô học trò nhút nhát nhất lớp đã dám bước lên những bục gỗ cao 1m2, nắm chặt tay cô trong sự cổ vũ nhiệt tình của bạn bè xung quanh; là cậu bé mọt sách, si mê làm toán run lẩy bẩy bám lấy dây leo nhưng cuối cùng với sự động viên, hỗ trợ của cô, con vẫn vắt được người sang nửa kia của bức tường cao 2,5m. Mùa The K.N.O.T thứ ba, các bạn nhỏ hăng say thảo luận để sáng tác được một bài thơ chủ đề “Thiên nhiên” trong 30 phút. Mùa The K.N.O.T thứ tư, có cậu bé đã khóc nấc trên quãng đường dài leo dốc… Thế nhưng, dù kịch bản nào, thì kết thúc câu chuyện vẫn luôn là tiếng vỡ òa của niềm vui và tự hào khi các bạn đã vượt qua giới hạn của bản thân; là những chiếc ôm thật chặt, tiếng cười nói của các bạn học sinh rộn vang cả góc rừng…

Cô Ngân Hà và bạn học sinh đã khóc nấc trên quãng đường leo dốc trong hành trình The K.N.O.T vừa qua.

Và những dự án học tập, những chương trình ngoại khóa chúng tôi mang tới, không chỉ là cơ hội để các bạn học sinh bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, mà chính giáo viên cũng cần vượt qua nhiều thách thức. Như khi tổ chức dự án “Ngôi nhà mơ ước”, tôi đã rất lo trong lần đầu nghe bài thuyết trình của Olympians với rất nhiều giọng nói rụt rè, chẳng nghe rõ được thành câu. Trong giai đoạn chuẩn bị cho buổi thuyết trình cuối, đã có những đắn đo về quy mô tổ chức - nên ở phạm vi lớp học, hay mở rộng ra cả khối; chỉ các thầy cô trong lớp tham gia đánh giá, hay ban giá khảo có cả giáo viên trong toàn trường,… Rồi tôi nghĩ về sự nỗ lực của các học sinh sau mỗi lần tập thuyết trình, hoàn thiện sản phẩm; và tôi quyết định mở rộng quy mô, thách thức chính mình cùng các học trò.

Và nhìn lại những hành trình đồng hành cùng Olympians Tiểu học 4 năm qua, tôi biết rằng không chỉ các con mà chính bản thân mình cũng đã bước ra vùng an toàn của bản thân để lớn lên.

Bài chia sẻ của cô Nguyễn Ngân Hà - Giáo viên Toán Tiểu học Olympia

Đạt danh hiệu Giáo viên đột phá năm học 2021-2022

Share:

Related post