undefined

Dạy trẻ tinh thần khai phóng - Thấu hiểu bản thân, tương tác hoà nhập, mưu cầu tự do và tri thức

15 December, 2021

 Trong tọa đàm "Giáo dục khai phóng: Dạy trẻ thành công trong biến động" diễn ra tại trường PTLC Olympia vào ngày 11/12/2021, các khách mời đã khai mở những nội dung mới mẻ trong ứng dụng cách tiếp cận của giáo dục khai phóng tại nhà trường và gia đình.

 

 

Giáo dục khai phóng: nguồn gốc và tinh thần cốt lõi

Giáo dục khai phòng tên tiếng anh là Libral education - Bắt nguồn từ thời Hy Lạp khi các ngành học còn chưa rõ ràng. Đối với con người thời ấy, việc học là sự truy cầu kiến thức qua những môn biện luận như triết học, toán học, khoa học vũ trụ… tiến hoá dần và đến thời trung đại thì bước vào môi trường đại học.

Qua cách mạng công nghiệp và những tác động của đời sống kinh tế xã hội, giáo dục khai phóng có rất nhiều biến chuyển. Có những trường học vẫn giữ được tinh thần của giáo dục khai phóng, phần lớn sẽ biến thành trường dạy nghề, nhưng đâu đó vẫn còn đọng lại tinh thần của giáo dục khai phóng.

Và đến bây giờ giáo dục khai phóng đã có những tác động đến giáo dục phổ thông. Cốt lõi của giáo dục khai phóng, theo Ts. Nguyễn Chí Hiếu, có thể gói trong 4 từ: Sự tự do, đi tìm về thế giới bên trong của mình, tương tác và hoà nhập, luôn đặt câu hỏi.

“Sự tự do” trong giáo dục khai phóng là không bó con người vào một môn học, phạm trù hay ngành nghề nhất định. Học sinh được tự do tìm hiểu những lĩnh vực, kiến thức mà các em yêu thích. Trong một thế giới biến động, có những ngành nghề sẽ biến mất. Nếu chỉ đào tạo các bạn chỉ để làm một ngành nghề nhất định, liệu 10 năm sau ngành nghề đó biến mất thì các bạn sẽ xoay sở ra sao?

“Đi tìm về thế giới bên trong của mình” là để tìm hiểu mình là ai, những cảm xúc, tâm tư, nguyện vọng bên trong của mình. Giáo dục khai phóng không chỉ có những môn học tìm hiểu thế giới bên ngoài mà còn có những môn học và cơ hội giúp học sinh tìm hiểu chính con người của mình để xây dựng bản ngã trước một thế giới biến động với nhiều luồng tư tưởng và nền văn hoá va đập với nhau. Một con người xây dựng được “Tôi là ai” giữa dòng chảy này và biết đứng vững trước những biến động, là điều rất quan trọng.

“Tương tác và hoà nhập” là khi bạn biết cách sống như thế nào giữa các nền văn hoá, bạn hợp tác với mọi người như thế nào trong thế giới mở cả về vật lý và trên mạng xã hội. Làm sao để dùng kiến thức bên ngoài và bên trong để sống trong một thế giới ngày càng đa dạng văn hoá.

“Luôn đặt câu hỏi”: Việc học không chỉ là tiếp nhận tri thức, quan trọng là bạn có đặt câu hỏi cho những kiến thức đó hay không, để liên tục gợi mở, chất vấn quay lại bản chất ban đầu của con người là sinh ra đã tò mò. Tinh thần giáo dục khai phóng không phải là để con người đi tìm những câu trả lời khuôn mẫu mà với bất cứ kiến thức nào chúng ta tiếp nhận, hãy luôn đặt câu hỏi để dẫn dắt tiếp chúng ta đi tìm hiểu.

Ts. Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc học thuật Olympia, Tiến sĩ Kinh tế Stanford.


Học để có nghề, hay học để tìm hiểu bản thân và khám phá thế giới?

Giáo dục khai phóng là một triết lý giáo dục, không phải là một môn học để có một định nghĩa rõ ràng. Cách thiết kế chương trình học giáo dục khai phóng cũng có những thay đổi theo thời gian như một sự thích nghi. Hiện nay có một số trường học áp dụng giáo dục khai phóng cũng lồng ghép thêm: bên cạnh những môn mang tính truyền thống của giáo dục khai phóng như nhân văn, giáo dục, nghệ thuật thì họ còn lồng ghép vào đó kiến thức về khoa học, kỹ thuật để sinh viên thích nghi với cuộc sống đang bị chi phối nhiều bởi công nghệ.

Ths. Lê Thị Quỳnh Trâm, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ:

“Giáo dục khai phóng trong một trường Đại học là nơi học sinh tìm thấy chính mình chứ không phải đi học để được đào tạo một nghề nào đó. Tại đây, các bạn được tự do khám phá, làm mọi điều để phát triển nội tại bên trong của mình. Học sinh tại những trường đại học áp dụng giáo dục khai phóng được tiếp cận nhiều ngành học đa dạng, được tìm tòi khám phá trước khi lựa chọn con đường đi cho cuộc đời của mình. Không phải ai cũng có thể tìm ra đam mê của mình nhưng các bạn có cơ hội được tìm tiếng gọi của một lĩnh vực mà mình thuộc về sau khi được tìm hiểu nhiều ngành nghề khác nhau các bạn có thể tìm thấy hướng đi sâu hơn. Giáo dục khai phóng tại trường đại học chú trọng con đường mà bạn đi tìm tri thức hơn là tìm ra tri thức nên các bạn sẽ được đào tạo nhiều về kỹ năng để học tập suốt đời, để suy nghĩ, phản biện, sáng tạo, đưa ra những câu hỏi để giải quyết vấn đề.”

 

Các diễn giả của talkshow trực tuyến


Cách tiếp cận giáo dục khai phóng không cần thiết phải chờ đợi đến bậc Đại học, mà hoàn toàn có thể chuẩn bị từ sớm từ Tiểu học đến cấp THPT. Ths. Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Tiểu học Olympia, gợi ý phần nào những khía cạnh trong giáo dục khai phóng cũng đã xuất hiện từ con cái của các bậc phụ huynh như việc tò mò của các con với hàng trăm câu hỏi mỗi ngày.

“Tò mò là bản tính sẵn có của các con, giúp con có sự háo hức và nhu cầu khám phá thế giới. Tuy nhiên chúng ta có đang duy trì và phát triển để giúp các con biến sự tò mò thành định hướng của mình sau này hay không. Nếu được định hướng và phát triển đúng cách, các con sẽ có được năng lực giải quyết vấn đề, năng lực thích nghi, tự học, tự nghiên cứu, tự do trong sáng tạo, trong tìm kiếm và tìm hiểu bản ngã của mình. Toàn bộ những năng lực này chính là những năng lực chung và đặc thù mà chúng ta nhắc đến rất nhiều.”



Giáo dục khai phóng và tương lai việc làm

Với những năng lực kể trên từ giáo dục khai phóng, khi bước vào thị trường lao động thì các công ty sẽ đón nhận ra sao, mức độ thích nghi của các bạn như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Là chuyên gia hướng nghiệp, Ths. Phoenix Ho – Đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Doanh nghiệp Xã hội Hướng nghiệp Sông An đã đưa ra bảng báo cáo của Viện nghiên cứu Strata Research chỉ ra rằng các chương trình giáo dục khai phóng đang cung cấp chính những năng lực mà các nhà tuyển dụng đang đòi hỏi. Đồng tình với ý kiến của Ths. Nguyễn Thị Hằng về các kỹ năng của giáo dục khai phóng tích luỹ được như thích nghi, giao tiếp, làm việc nhóm… Ths. Phoenix Ho chia sẻ:

“Đây đều là những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng và các doanh nghiệp đang rất cần. Do đó, cũng là điểm mạnh của những sinh viên, học sinh đến từ những trường học có giáo dục khai phóng. Tuy nhiên, một vài điểm yếu của những sinh viên này là các em chưa biết diễn dịch, chưa biết cách nối những năng lực đó đến thế giới hàng ngày.”

Góc nhìn quốc tế từ ông Aaron Funnell, Giám đốc điều hành Outward Bound Vietnam

 

Giáo dục phổ thông theo tinh thần khai phóng

Vậy làm sao để học sinh sinh viên có thể nối được những điều các bạn đang học đến với những lĩnh vực cụ thể trong các ngành nghề bên ngoài trong thị trường lao động?

“Rất vui là những chương trình giáo dục khai phóng mình biết được bởi những nhà giáo dục tiên phong ở Việt Nam như: Olympia, Fullbright… đang nối được những gì các con đang học với những gì thị trường đang cần.” - Ths. Phoenix Ho.

Các trường học có tinh thần giáo dục khai phóng ở Việt Nam đang làm khá tốt việc kết nối tinh thần và giá trị của giáo dục khai phóng với thực tế. Ts. Nguyễn Chí Hiếu đưa ra ví dụ giáo dục khai phóng là khi thầy cô không chỉ biến học tiếng Anh là luyện thi IELTS hay làm các bài tập ngữ pháp mà tạo cơ hội cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong nhà trường.

“Tại Olympia, qua 4 năm cấp 3, các học sinh có cơ hội được học và trải nghiệm qua các châu lục, các lĩnh vực, từ lịch sử hình thành các châu lục này, ảnh hưởng đến những văn hoá, tôn giáo, tư tưởng và triết lý như thế nào và đẩy đến văn học và vấn đề đương đại mà châu lục đang giải quyết là gì để trả lời cho những câu hỏi gốc rễ: Vì sao có chiến tranh? Tôn giáo và khoa học gặp gỡ nhau ở đâu?”

“Chính những điều này giúp các bạn mơ mộng, đi tìm tri thức đúng với tinh thần của khai phóng. Đồng thời, cũng đặt những dự án thực tế vào cuộc sống, dùng những tư duy, kỹ năng tìm hiểu, nghiên cứu thông tin để giải quyết, phản biện các vấn đề: Làm sao để làm mới thương hiệu của Vinamilk, làm sao để tạp chí thời trang đến với giới trẻ nhiều hơn? Làm sao để đưa chuỗi 7-Eleven ra được Hà Nội?”



Những cha mẹ khai phóng sẽ làm gì?

Quá trình làm cha mẹ không phải ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình. Ở đó, để dạy dỗ con cái, cha mẹ phải đối mặt với những phương pháp giáo dục mới, mô hình trường mới, trào lưu học tập mới xuất hiện… Và kỳ vọng của mỗi bố mẹ lên con cái sẽ có những biến đổi theo từng giai đoạn. Các diễn giả lần lượt đưa ra những lời khuyên cho phụ huynh khi áp dụng tinh thần khai phóng trong gia đình:

“Hãy nhìn vào những giá trị lâu dài. Một hành động ngày hôm nay nhưng chúng ta đang mang đến những giá trị tương lai cho con. Ngày hôm nay chúng ta để con mình, một bạn 5 tuổi tự chuẩn bị quần áo, balô, sách vở để đi học nghĩa là tới đây chúng ta đang cho con khả năng được tự lập và tự chủ khi con bước ra đời.”

“Các bố mẹ hãy không ngừng soi chiếu chính mình và những kỳ vọng mà mình đặt ra cho con và chúng ta có kiên định với những mong đợi đó không để có thể vững bước đi trên con đường làm cha mẹ với rất nhiều ngã rẽ đang chào đón chúng ta hàng ngày”

“Trong gia đình hãy tạo ra sự cân bằng giữa năng lực và nhu cầu mong muốn của con với điều kiện gia đình và kỳ vọng của cha mẹ, bố mẹ hỗ trợ đến đâu và tự thân của các con nữa.”

“Tạo ra không gian tự do, không chỉ cho con mà cho chính cả cha mẹ. Đây là lúc bố mẹ tái tạo, lấy lại năng lượng. Bởi lẽ, bố mẹ cũng có những đam mê, những kỳ vọng riêng cho bản thân mình.”



Bản chất của việc giáo dục không chỉ là truyền đạt những kiến thức có sẵn trong sách vở. Những kiến thức và kỹ năng tích hợp từ giáo dục khai phóng nên đi vào vấn đề thực tế và kết nối với những gì đã học trên ghế nhà trường, từ gia đình để học sinh truy cầu kiến thức ở các lĩnh vực khác, để phản biện tư duy, để đúc kết và để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, các em sẵn sàng hơn trong hành trang bước vào một xã hội với sự thay đổi là điều bất biến duy nhất.



 

Share:

Related post