undefined

Hiểu căn tính cá nhân qua bài giảng truyền cảm hứng của Tiến sĩ Nguyễn Nam

25 December, 2021

 

 

Trên hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, việc hiểu được danh tính cá nhân trong sự hài hòa với danh tính dân tộc, hiểu về bản sắc Việt là điều quan trọng với mỗi người trẻ.


 

Tiến sĩ Nguyễn Nam từng là Giảng viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐHKHXH&NV), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1986. Ông cũng từng giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn Đông Á học (1993-1994), và Bộ môn Trung Quốc học (2010-2012) của Trường ĐHKHXH&NV. 


Sau khi nhận bằng Thạc Sĩ chuyên ngành Đông Á học và bằng Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á (EALC) tại trường Đại học Harvard năm 1996 và 2005, ông phụ trách Quản lý Chương trình Tiến sĩ của Viện Harvard-Yenching (HYI) từ năm 2004 đến 2010. 


Ông được mời giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Đông Nam Á, thuộc Viện nghiên cứu Á – Phi, Đại học Hamburg vào mùa hè năm 2013. Ông cũng là giảng viên Chương trình Lưu học của sinh viên Mỹ thuộc Đại học Loyola Chicago ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012. Trọng tâm nghiên cứu của ông bao gồm văn học so sánh (chủ yếu về văn học Đông Á), phiên dịch học, và cải biên học. Ông hiện cũng là Cộng tác viên của Viện Harvard-Yenching.


Hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Nam đang là giảng viên môn Việt Nam học tại đại học Fulbright Việt Nam. 

 

Trong buổi chia sẻ với học sinh khối 10 và khối 12 trường PTLC Olympia về chủ đề “danh tính dân tộc”, Tiến sĩ Nguyễn Nam đã mở đầu bài học bằng thước phim ghi lại câu chuyện của một thai phụ sinh hạ trong đúng giai đoạn cao điểm chống dịch ở Sài Gòn. Mỗi giáo viên, học sinh sau khi xem xong đoạn video đều có cho mình những cảm xúc riêng: Bàng hoàng, xúc động, lặng người đi vì nỗi đau Covid. Lựa chọn đoạn video trên mở đầu cho buổi học, Tiến sĩ Nguyễn Nam muốn dẫn học sinh đi qua những cung bậc cảm xúc mà có thể kết nối con người trước khi dẫn tới một khái niệm mang tên “thời khắc nguy kịch” (critical time). Chúng ta nhìn ra được điều gì về câu chuyện cá nhân, cộng đồng hay nói rộng hơn là tính dân tộc trong thời khắc nguy kịch của đại dịch Covid? 

 

Thời khắc nguy kịch đó cũng là lúc chúng ta nhận ra rằng mình không phải những con người độc lập, chúng ta liên thuộc nhau trong xã hội. Dù bạn là ai đi chăng nữa - một CEO hay một nhân viên bình thường, tính mạng và sức khỏe của bạn khi ấy không nằm trong tay bạn. Nó nằm trong tay của các y bác sĩ, trong tay của những người bạn tiếp xúc, của đồng nghiệp, người thân hay bạn bè. Xã hội là một tập hợp của những kết nối và đó cũng là thời điểm con người nhận ra ý thức về cộng đồng.  Câu chuyện về đại dịch Covid đã không còn gói gọn trong một bệnh viện, một thành phố - Hà Nội hay Sài Gòn, mà đã mở biên tới cấp quốc gia, dân tộc. 

 

“Chúng ta tạo ra một sự kết nối lớn, sự kết nối của những người chúng ta gọi là người Việt Nam,” tiến sĩ Nguyễn Nam nhấn mạnh. Chỉ trong những lúc khó khăn và thử thách, những ý thức về bản thân, về cộng đồng, dân tộc lại càng rõ nét. 

 

Quay lại với những điều thiết thân hơn với học sinh, Tiến sĩ Nguyễn Nam nhắc một đoạn trích trong Sách giáo khoa ngữ văn lớp 12 của Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan với nội dung: “Hãy đừng để một ai có ảo tưởng rằng chúng ta có thể bảo vệ chính mình bằng cách dựng lên những rào ngăn cách giữa chúng ta và họ. Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết.”

 

Thông điệp trong câu chuyện về bệnh AIDS nhưng có nguyên giá trị với mọi tình huống, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Nó vẫn nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người không hề độc lập, sự tồn tại của mỗi cá nhân không thể tách rời với cộng đồng. 

 

Mượn thông điệp từ video “Kofi Annan: The World I am working to create”, Tiến sĩ Nguyễn Nam tiếp tục nhấn mạnh tính liên thuộc không chỉ giữa con người với con người mà giữa con người với cả hành tinh. Chúng ta chỉ có thể đóng vai trò tích cực trong xã hội khi chúng ta ý thức được sự trưởng thành của mỗi cá nhân được vun đắp, gây dựng từ cả một hệ thống xã hội, từ cha mẹ, bạn bè cho tới những người xa lạ. 

 

Sự tồn tại của mỗi người là sự phản chiếu từ những người xung quanh. Vậy liệu chúng ta có thể đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”

 

Chúng ta sinh ra đều không có tự tính hay bản tính riêng - bản tính được hình thành qua một quá trình dài sống trong một cộng đồng rộng lớn. Cuộc đời của mỗi người là sự tương tác giữa cá nhân và tập thể. Chính sự tương tác ấy đã kiến tạo nên con người ta gọi là “Tôi” cùng cái tên cha mẹ đặt cho ta, tạo nên danh tính cá nhân mỗi người lựa chọn cho bản thân. Chúng ta là ai tùy thuộc nhiều vào gia đình, cộng đồng và xã hội.

 

Tiếp tục bài giảng, Tiến sĩ Nguyễn Nam quay trở lại câu chuyện căn tính dân tộc với mối tương quan cùng căn tính văn hóa. Dù thế giới đã “phẳng” hơn rất nhiều trong vài thập niên gần đây, sự toàn cầu hóa không thể xóa đi đường biên các quốc gia dân tộc. Càng trong bối cảnh toàn cầu hóa, người ta càng có nhu cầu và ý thức hơn về việc biết mình là ai. Chủ nghĩa dân tộc được đặt trong đối trọng với thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Nam nhận định việc một quốc gia có thể “độc lập” hoàn toàn trong sự toàn cầu hóa như hiện tại là điều bất khả thi khi mỗi quốc gia đều có sự liên thuộc với quốc gia khác. Tuy nhiên, tinh thần độc lập về chủ quyền vẫn còn nguyên vẹn. Các quốc gia hiện đại vừa phải giữ sự toàn vẹn về độc lập chủ quyền nhưng vẫn có sự phụ thuộc vào các quốc gia khác để cùng tồn tại và phát triển. 

 

Căn tính dân tộc của mỗi người được khởi dựng bởi nhiều yếu tố. Chúng ta không sinh ra với một căn tính dân tộc cố định - nó được kiến tạo thông qua một chặng đường chính là “đời người”. Chúng ta liên tục đổ nghĩa, tạo thêm những nét mới hoặc củng cố các giá trị cũ cho căn tính dân tộc. Theo tiến sĩ Nguyễn Nam, những cái gọi là bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa hay là căn tính văn hóa đang chờ đợi chúng ta góp phần vào và xây dựng. Một mặt, chúng ta là người “tiếp nhận” căn tính dân tộc nhưng ở một điểm nhìn khác, chúng ta cũng là người đang “tạo dựng” căn tính dân tộc. 

 

Dẫn lời một câu nói của Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill: “A love of tradition has never weakened a nation, indeed it has strengthened nations in their hour of peril but the new view must come, the world must roll forward.” (Tạm dịch: Việc tiếp nối những truyền thống không làm suy yếu một dân tộc; kỳ thực, nó giúp dân tộc vững vàng hơn trong những giờ phút nguy cấp dù những điều mới sẽ xuất hiện và thế giới sẽ tiếp tục tiến về phía trước), Tiến sĩ Nguyễn Nam nhấn mạnh thông điệp chúng ta sẽ là những người kế tục và kiến tạo truyền thống, không phải cho chúng ta mà cho thế hệ tương lai.

 

----------------------
GloCal Connect là chuỗi các câu chuyện tại Olympia nhằm:
💯 Kết nối học sinh với những chuyên gia Việt Nam và quốc tế ở các lĩnh vực để tìm hiểu về hoạt động và những biến động đang diễn ra trong lĩnh vực đó;
💯 Kết nối việc học ở trường lớp với bức tranh sôi động của thế giới đang biến động từng ngày;
💯 Kết nối kiến thức, quan điểm, tư tưởng, giá trị địa phương và toàn cầu để những công dân toàn cầu vẫn mang trong mình giá trị và phẩm chất của công dân Việt Nam.








 

Share:

Related post