undefined

"Làm giáo viên tưởng không khó mà khó không tưởng"

22 September, 2021

Ngày 20/11 đã đến và cũng nhân dịp này, chúng tôi đã được cô Mỹ Linh (giáo viên Humanities) giao cho một bài tập rất thú vị là “hóa thân” thành giáo viên để lên lớp giảng bài. Trải nghiệm đặc biệt này đã hoàn toàn thay đổi cách nghĩ của tôi về một giáo viên giảng hay, dạy tốt. 

Ban đầu tôi nghĩ nghề giáo có vẻ thật đơn giản chỉ cần biến những kiến thức của bản thân và sách giáo khoa để tạo nên một bài giảng rồi truyền đạt những điều ấy cho học sinh trong vòng 45 - 55p, như thế là hoàn thành một tiết học. Nhưng “trăm nghe không bằng một thấy” khi được “đứng lớp” một lần, tôi mới có thể hiểu rằng, giảng bài là một chuyện, nhưng khắc sâu những kiến thức ấy vào tâm trí của học sinh lại là một chuyện khác. 

 

 

Vào tiết Humanities buổi sáng hôm ấy, chúng tôi nhận được tin rằng mình sẽ được “hoá thân” thành chính những thầy, cô giáo để giảng bài cho lớp của mình. Lo lắng có, hồi hộp có, nhưng hơn cả chính là cảm giác háo hức khi được một lần bước ra khỏi vai trò học sinh trong chính lớp học của mình. Cùng toàn bộ những cảm xúc đan xen, chúng tôi bắt đầu đặt tay vào những bước đầu tiên trong công cuộc “đổi nghề” bằng việc soạn giáo án của riêng mình - công việc nghe tưởng chừng đơn giản nhưng hoá ra lại vô cùng khó khăn.

 

 

Một bài giảng hay không chỉ truyền tải kiến thức, mà còn phải chứa đựng cảm xúc và dấu ấn đặc biệt. Phải thú vị và ấn tượng thì bài giảng ấy mới có thể khắc sâu vào tâm trí những người học trò. Bởi vậy, muốn có một tiết học hiệu quả, ngoài tra cứu kiến thức, chúng tôi còn phải dày công lên ý tưởng chuẩn bị cho một phần mở đầu thật vui và ấn tượng, rồi cùng nhau tạo nên những hoạt động thú vị khác để khép lại tiết học. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, kiến thức khô khan không thể được truyền tải nếu học sinh không cảm nhận được mối liên hệ của mình với nó. Vậy phải “biến hoá” làm sao cho bài giảng vừa hay, vừa cô đọng nhiều cảm xúc cũng là một câu hỏi mà chúng tôi phải tự tìm ra câu trả lời trong quá trình soạn giáo án. Dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ, tận tâm của cô Mỹ Linh, chúng tôi đều đã tạo ra được những bài giảng sáng tạo, mang đậm dấu ấn cá nhân dù còn đơn giản nhưng vô cùng đặc sắc.

 

 

Những tưởng rằng soạn giáo án đã là công đoạn cần nhiều sự đầu tư nhất, nhưng hoá ra “đứng lớp” cũng là một công việc khó khăn không kém. Khác với những bài thuyết trình hàng ngày khi chúng tôi chỉ có vai trò là người trình bày, lần này, trong vai trò là giáo viên, nhiệm vụ của chúng tôi trở nên khó khăn hơn hết. Làm sao để học sinh phát biểu và tương tác trong quá trình giảng bài? Làm sao để chắc chắn rằng học sinh của mình đang lắng nghe và ghi chép? Làm sao để vừa bao quát lớp, vừa tập trung để đưa ra được những bài giảng hấp dẫn nhất? Rất nhiều những câu hỏi được đặt ra trong đầu chúng tôi. Để học sinh phát biểu, bài giảng phải đủ hay. Tâm trạng của người giáo viên phải hào hứng, phải trầm bổng theo nhịp bài giảng. Muốn học sinh tập trung ghi chép, người giáo viên phải nắm rõ được điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh: để mắt hơn đến những bạn nghịch ngợm, quan tâm hơn đến những bạn nhiều cảm xúc. Thế rồi với bao sự bỡ ngỡ, “ngại ngùng” và cả sự cố gắng hết sức mình, chúng tôi cũng phần nào hoàn thành những nhiệm vụ ấy dù còn đôi chút vấp váp. 

 

 

Những tiết Humanities luôn mang lại cho chúng tôi không chỉ kiến thức mà còn có nhiều rải nghiệm thú vị khác. Chúng tôi học được cách trân quý những ngành nghề tưởng chừng giản đơn, học cách đặt mình vào vị trí của nhiều nhân vật, nhiều vai trò khác nhau và thêm phần thấu hiểu về cuộc đời, về cảm xúc của họ. Học được thêm về nhiều những nền văn hoá, lắng nghe thêm nhiều những giai điệu đặc trưng, tham gia vào những điệu nhảy cổ truyền... Humanities dạy chúng tôi về cuộc sống, giúp chúng tôi mở rộng cái nhìn về thế giới, sẵn sàng cho hành trang trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai. 

Cre: Bài viết của Phan Lê Thái An - học sinh lớp 10QT

Share:

Related post