undefined

Olympians khối 11 tìm hiểu nét đẹp văn hóa Hà Nội qua giao lưu với các nghệ sĩ

26 April, 2022

Ngày 25/4, các học sinh khối 11 trường Olympia đã có cuộc giao lưu với 2 diễn giả là dịch giả - họa sĩ Trịnh Lữ - dịch giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như “Cuộc đời của Pi”, “Con nhân mã ở trong vườn”, “Rừng Na Uy”…; ca sĩ Hà Myo - người đã tạo dấu ấn với nhiều tác phẩm âm nhạc kết hợp giữa xẩm truyền thống Việt Nam với Rap, nhạc EDM.

Hoạt tong này nằm trong chuỗi chương trình của dự án học tập liên môn Ngữ Văn - Mỹ thuật - Âm nhạc - “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc”, được tổ chức thường niên, dành riêng cho Olympians khối 10, 11, để tìm hiểu sâu về các chiều cạnh của văn hóa truyền thống Việt Nam; từ đó bồi đắp cho các em tình yêu, niềm tự hào và mong muốn gìn giữ - phát huy nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt. Cuộc giao lưu với 2 diễn giả nói trên, đồng thời là một trong số các sự kiện kết nối học sinh với chuyên gia - GloCal Connect, nhằm cung cấp những hiểu biết thực tế về hoạt động và sự biến động của các lĩnh vực, nghề nghiệp khác nhau cho Olympians.

 


“Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc” dành cho học sinh khối 11 năm nay có nội dung “khu trú” vào nét đặc sắc của văn hóa - con người Hà Nội. Trước buổi giao lưu với diễn giả, các học sinh đã được học và đọc rất nhiều tài liệu, sách báo về kinh đô ngàn năm văn hiến, viết bài luận cá nhân, làm sản phẩm nhóm và có những trải nghiệm tự do về ẩm thực, kiến trúc Hà Nội. Cuộc trao đổi với dịch giả Trịnh Lữ và ca sĩ Hà Myo - 2 người con thuộc 2 thế hệ khác nhau của Hà Nội, “làm giàu” thêm góc nhìn thực tiễn cho Olympians về các giá trị, con người, nét văn hóa, kiến trúc độc đáo của mảnh đất nơi mình được sinh ra và lớn lên. Thông qua những hiểu biết này, cũng như việc nhận thức được mối liên hệ giữa cá nhân với cộng đồng; sự ảnh hưởng của văn hoá nơi mình sinh ra với sự hình thành tính cách của mỗi cá nhân và tập thể sinh sống ở môi trường ấy; các học sinh sẽ định hình được rõ hơn về cái “Tôi” của chính mình.


Chia sẻ với học sinh Olympia, dịch giả Trịnh Lữ cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một gia đình bố mẹ và các anh chị em đều làm nghệ thuật. Căn nhà đổ có tiếng dương cầm được nhắc đến trong bài hát “Em ơi Hà Nội phố” (nhạc Phú Quang - thơ Phan Vũ) chính là nhà của gia đình ông.

 


Hà Nội những năm 1950 trong tuổi thơ và thanh xuân của chàng trai Trịnh Hữu Tuấn (tên thật của dịch giả Trịnh Lữ) nhỏ xinh và mộng mơ như “khu vườn cổ tích”. 20 năm xa quê hương để sang Mỹ làm việc cho Quỹ dân số của Liên Hiệp Quốc và học đại học Cornell; khi trở lại, dịch giả Trịnh Lữ cảm nhận rõ rệt những đổi thay của thủ đô yêu dấu.


“Hà Nội bây giờ không còn là thành phố nhỏ của một xứ thuộc địa nữa, mà là thủ đô của một nước đang hội nhập rất mạnh mẽ. Hà Nội trong ký ức ngày bé của tôi chỉ còn lại rất ít trong hình ảnh của Hà Nội ngày nay. Tuy nhiên, sự đổi thay này, không nên được coi là mất mát của thủ đô; bởi đó là tất yếu - cuộc sống phải thay đổi, tiến hóa lên”, dịch giả Trịnh Lữ nói.


Ông cho biết, Hà Nội đối với ông không nằm một cuốn sách, bài hát hay biểu tượng Nhà hát Lớn, cầu Long Biên; mà ở tình cảm trân quý với những con người từ trong gia đình đến ngoài ngõ xóm, bạn bè, đồng nghiệp. Đó là điều ông lưu luyến và thấy nhớ nhất khi xa quê; cũng là điều khiến ông lựa chọn quay về. “Qua gần 20 ở Mỹ, tôi thấy cuộc sống ở đâu cũng vậy thôi; chúng ta vẫn phải lao động thì mới có miếng ăn; vẫn có từng ấy vấn đề từ tâm lý đến mơ ước, công việc… cần đối mặt. Nên được ở quê hương với những người thân yêu của mình vẫn hay hơn”, dịch giả nói.


Qua những câu chuyện sâu sắc về đời, về người, về nghề nghiệp của một cử nhân Đại học Mỏ - Địa chất sau trở thành phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam, rồi làm việc cho Liên hợp quốc tại Mỹ, lấy học bổng ngành Truyền thông của Đại học Cornell và đến giờ thành dịch giả kiêm họa sĩ tài ba sinh sống ở Việt Nam, diễn giả 74 tuổi mang đến cho Olympians khối 11 những cái nhìn mới, đa chiều và uyên bác. Đồng thời toát lên trên hết trong các chia sẻ của ông về Hà Nội - quê Hương, đó là tình yêu sâu sắc với những con người và mảnh đất đã “nuôi dưỡng” tâm hồn, trí tuệ và góp phần tạo nên một Trịnh Lữ sâu sắc, trầm lắng, đa tài… như ngày hôm nay.

 

 

Nhẹ nhàng, thực tế và gần hơn với thế hệ Gen Z, ca sĩ 9X Hà Myo mang đến câu chuyện về hành trình khám phá vẻ đẹp của âm nhạc dân gian truyền thống Hà Nội. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, Hà Myo thích sự hiện đại, sôi động của âm nhạc đương đại và khó để ngồi nghe một bài kéo nhị não nề hay một bản ca trù, hát xẩm. Tuy nhiên, cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội 2020" với thử thách biểu diễn âm nhạc dân gian truyền thống, đã làm thay đổi góc nhìn và định hướng nghề nghiệp của cô. Từ chỗ không hứng thú và không hiểu biết gì về ca trù, chầu văn, xẩm…, nữ ca sĩ 9X bắt đầu tìm hiểu sâu, gặp gỡ, trao đổi với những chuyên gia-nghệ sĩ của từng lĩnh vực, và dần dần cảm nhận được giá trị, vẻ đẹp trong các thể loại nhạc mà trước đây mình cảm thấy thật “tẻ nhạt”, xa vời. Tiết mục "Xẩm Hà Nội" - một sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc dân gian truyền thống với rap, nhạc EDM, đã mang về cho Hà Myo giải Nhì chung cuộc và "Giọng hát hay Hà Nội 2020” và giải bình chọn “Bài hát hay nhất” về Hà Nội. MV về ca khúc này sau đó được cô ra mắt và được xem là "hiện tượng" trong làng nhạc Việt.


Khi bản thân mình đã nhận ra những giá trị nhân văn sâu sắc và vẻ đẹp trong âm nhạc truyền thống, Hà Myo muốn mang thứ âm nhạc này đến gần hơn với các bạn trẻ Việt Nam. Cô cho biết tới đây có thể không dừng lại ở xẩm mà Hà Myo còn kết hợp ca trù với nhạc hiện đại. “Lý tưởng của Hà là mang âm nhạc dân gian đến với các bạn trẻ; để các bạn biết rằng âm nhạc Việt Nam có rất nhiều cái hay mà mình có thể lắng nghe, khám phá, chứ không cứ phải bắt trends theo âm nhạc đương đại của thế giới”, nữ ca sĩ nói và nhắn nhủ Olympians khối 11 đừng ngại “đào sâu” hiểu biết về một lĩnh vực mới để tìm ra cái hay, cái đẹp trong đó; đồng thời không dừng bước trên con đường theo đuổi đam mê.

 

 

Buổi trao đổi với 2 diễn giả khép lại với nhiều cảm xúc và những giá trị khác nhau mà mỗi học sinh thu nhận được. Olympians Cao Phương An được truyền cảm hứng về việc biến tình yêu với quê hương, đất nước thành hành động thiết thực để góp phần phát triển quê nhà. Phạm Hoàng Duy từ góc nhìn tiêu cực về sự đô thị hóa của Hà Nội, sự “lãng quên” của người trẻ ngày nay với văn hóa truyền thống, đã có góc nhìn mới toàn diện, khách quan và rộng lượng hơn, khi lắng nghe trao đổi của dịch giả 74 tuổi về sự phát triển tất yếu của cuộc sống.


Với những hiểu biết và giá trị thu nhận được từ buổi trao đổi ý nghĩa này, cũng như quá trình thực hiện dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc”, hi vọng Olympians khối 11 sẽ định hình được rõ hơn về cái “Tôi” của chính mình. Các em đồng thời có thêm nền tảng kiến thức, tình yêu quê hương, đất nước; để sau này dù học tập, sinh sống ở quốc gia nào, mỗi Olympian sẽ mang theo niềm tự hào và mong muốn giữ gìn, phát huy bản sắc Việt.

Share:

Related post