undefined

Thầy Khánh “má đỏ cute” với biệt tài khiến học sinh hết sợ môn Vật lý

19 August, 2022

"Đáng yêu”, “nhiệt tình”, “tận tụy”... đó là những từ mà nhiều học sinh dành để nói về thầy Trần Khánh - Phó Bộ môn Khoa học và Công nghệ trường Olympia - người đã giúp nhiều em vượt qua nỗi sợ môn Vật lý khó nhằn, phức tạp, để tìm thấy sự hứng thú, đam mê khám phá với môn khoa học của cuộc sống này. Với thầy Khánh, việc giúp được học sinh hết sợ môn Vật lý, cũng là động lực và thành tựu to lớn nhất trong sự nghiệp hơn 20 giảng dạy của mình. 

 

Thầy Trần Khánh - Vật lý-01

 

Thạc sĩ đại học La Trobe rời giảng đường về trường phổ thông để truyền đam mê Vật lý cho các học sinh 

 

Trước khi về Olympia, thầy Trần Khánh từng nhiều năm giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, học Thạc sỹ Giáo dục - chuyên ngành Khoa học và Công nghệ tại Đại học La Trobe (Australia). Đứng ở giảng đường đại học nhưng người thầy vẫn “đau đáu” với nỗi sợ môn Vật lý mà nhiều học sinh gặp phải. Mong muốn được giúp các thế hệ học trò vượt qua cảm giác này và tìm thấy hứng thú trong môn khoa học gắn kết chặt chẽ với cuộc sống này, thầy Khánh quyết định rời giảng đường để trở thành giáo viên trường phổ thông. Và Olympia chính là “điểm đến” đầu tiên, cũng là duy nhất từ đó đến giờ của người thầy mang khao khát “được làm giáo dục thực sự và có cơ hội sử dụng tiếng Anh trong hoạt động giảng dạy của mình”. 

 

Để hoàn thành mục tiêu khuyến khích được nhiều học trò không thấy sợ học môn Vật lý, thầy Trần Khánh đã tìm nhiều cách đưa môn học này trở nên gần gũi với đời sống của học sinh. Gắn bài học với những sở thích hàng ngày của các em, chính là một “bí kíp” mà người thầy đã thành công khi áp dụng. Theo đó, với bạn thích âm nhạc, khi dạy về sóng âm, thầy Khánh sẽ lấy ví dụ về cách hoạt động của sóng âm trong âm nhạc, hay hệ thống cách âm trong các phòng thu. Với học sinh thích thể thao, khi lấy ví dụ về chuyển động, thầy mang cả quả bóng lên lớp học để các bạn được quan sát và thực hành thực tế.  

“Thầy Khánh luôn tìm cách tạo cảm hứng cho chúng em trong mỗi giờ học Vật lý. Các nội dung bài học trên lớp đều được thầy mở rộng ra nhiều khía cạnh trong cuộc sống, giúp chúng em dễ hiểu bài hơn”, Nguyễn Minh Quân - học sinh K12 chia sẻ. Quân cho biết, quá trình học đội tuyển thi Olympic cấp cụm Nam - Bắc Từ Liêm năm học 2021-2022, em và các bạn được thầy Khánh hỗ trợ rất nhiều cả về học liệu lẫn thời gian hướng dẫn. Người thầy mà em nhận xét là “nhiệt huyết và tận tâm với tất cả học sinh”, đã truyền cho em cùng nhiều bạn trong lớp niềm yêu thích môn Vật lý, để từ đó các bạn có hứng thú học tập và đạt kết quả kiểm tra tốt hơn.   

 

Với quan điểm Vật lý cũng là một trong những môn học giúp học sinh có nhận thức chung về cuộc sống và có thể áp dụng kiến thức vào giải quyết bài toán của thực tế, trong quá trình giảng dạy, thầy Khánh luôn tạo điều kiện để học trò thực hành, thí nghiệm và tìm ra bản chất của vật lý trong đời sống xung quanh. Tiết học của thầy vì thế không mở đầu bằng những công thức hay lý thuyết có sẵn trong sách giáo khoa. Các Olympians sẽ bắt đầu bài học bằng việc tự quan sát các hiện tượng vật lý trong cuộc sống rồi thực hiện thí nghiệm để chứng minh nhận định của mình về hiện tượng đó là đúng. Khi các thí nghiệm cho ra kết quả chính xác và khớp với lý thuyết-công thức trong sách, thì lúc đó các học sinh sau một hồi hào hứng khám phá, cũng đã hiểu được logic và bản chất của vật lý trong cuộc sống quanh mình.  

 

“Thầy Khánh là một giáo viên đầy năng lượng, đam mê với dạy học. Tiết học nào, thầy cũng bước vào với nụ cười rạng rỡ và một tinh thần sẵn sàng dạy học. Thầy luôn chuẩn bị rất nhiều thí nghiệm, giúp đỡ hết lòng tất cả học sinh và sẵn sàng giảng đi giảng lại nhiều lần cho đến khi chúng em hiểu được bài”, Bạch Nguyên An - Olympian vừa tốt nghiệp THPT năm 2022 nói. Cô học trò theo khối Xã hội này từng thấy “rất khó khăn” khi học môn Vật lý, sau thời gian học tập với thầy giáo “tận tụy, đam mê, kiên nhẫn” này đã thấy Vật lý dễ hiểu và gần gũi hơn.   

 

Và với thầy Trần Khánh, điều tự hào và động lực lớn nhất trong công việc cũng chính là được nhìn thấy khuôn mặt hào hứng của học sinh trong mỗi giờ Vật lý, được nghe các em “thủ thỉ” rằng: “con không còn sợ môn học này”.  

 

Olympia - “ngôi nhà mơ ước” nơi giáo viên được tạo điều kiện để dạy học linh hoạt, sáng tạo 

 

Mong ước “được làm giáo dục thực sự”, “có cơ hội sử dụng tiếng Anh” và “giúp được nhiều học sinh không thấy sợ môn Vật lý”, theo thầy Khánh sẽ khó thực hiện nếu không được tạo điều kiện tại một môi trường giáo dục cởi mở và linh hoạt như Olympia. “Sự khác biệt của ngôi trường này là việc tạo cơ hội cho cả người dạy và người học được thực hành giáo dục thực chất. Các giáo viên có cơ hội “lùi lại phía sau” để quan sát, trao đổi và lắng nghe sở thích của học sinh để tạo cảm hứng cho các em trong quá trình học tập. Mình muốn làm những điều mà mình thấy tốt cho học sinh và Olympia trao cơ hội cho mình được làm điều đó, để các học trò được hưởng thụ một môi trường giáo dục tốt nhất”, Phó Bộ môn Khoa học và Công nghệ trường Olympia chia sẻ. 

 

Việc linh hoạt trong kiểm tra đánh giá học sinh thông qua nhiều hình thức cả bài kiểm tra định kỳ lẫn quá trình thực hiện sản phẩm học tập dự án, theo thầy Khánh cũng cách Olympia tạo điều kiện cho học trò được phát triển đa dạng năng lực, phẩm chất; đồng thời giúp giáo viên linh hoạt và chủ động hỗ trợ từng em.  

 

Nhiều năm gắn bó với những lứa học sinh cả cá biệt, cả xuất sắc nhưng giàu tình cảm, những đồng nghiệp thân thiết như anh em, Olympia đã như “ngôi nhà thứ 2” của thầy giáo rời giảng đường đại học để đến truyền đam mê Vật lý cho các học trò nhỏ. Và ở “ngôi nhà thứ 2” ấy, giờ có cả vợ - con thầy Khánh cũng giảng dạy, học tập, cùng thầy thực hiện ước mơ mang Vật lý đến gần hơn với học sinh.

Share:

Related post