undefined

Tuổi dậy thì: Cách giúp con đương đầu với những thay đổi

16 October, 2022

Nếu dùng một từ để mô tả về giai đoạn dậy thì, bố mẹ sẽ gọi tên là gì?

Là “khủng hoảng”, “bão tố và căng thẳng”, là “tuổi dở dở ương ương”, hay còn điều gì khác…?

Dậy thì là giai đoạn rất đặc biệt khi các bạn trẻ đối diện với nhiều thay đổi lớn, không chỉ về sinh lý, mà cả về tâm lý, xã hội, tình cảm và các mối quan hệ. Không chỉ bố mẹ bối rối, mà bản thân các bạn trẻ cũng gặp không ít khó khăn. Vì thế, hơn bao giờ hết, các bạn rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của bố mẹ, để từng bước “dậy thì thành công”.

Dưới đây là một số gợi ý dành cho các bố mẹ, để chuẩn bị và giúp con đương đầu với những thay đổi của tuổi dậy thì.

 

Thạc sỹ tâm lý Đinh Thị Trinh - Phòng Tâm lý học đường Olympia trao đổi với phụ huynh tại hội thảo
"Cha mẹ thời nhiễu động - Canh giữ sức khỏe tâm thần cho con".
Ảnh minh họa bài viết.

 

Bắt đầu trò chuyện với con về tuổi dậy thì

Những cuộc trò chuyện cởi mở và thoải mái với con, trước khi con có những thay đổi, đặc biệt là thay đổi về thể chất của tuổi dậy thì, sẽ giúp các bạn trẻ cảm thấy yên tâm, tự tin hơn. Đây không hẳn là một cuộc trò chuyện dài, nghiêm túc; bố mẹ có thể tận dụng các khoảnh khắc và không gian để trò chuyện khi con sẵn sàng. Đó là thể là lúc cùng nấu cơm, làm việc nhà, hay khi đang di chuyển, lúc cùng xem phim hay cùng đọc sách về chủ đề này.

Bố mẹ có thể sử dụng quy trình 3 bước để bắt đầu cuộc trò chuyện:

Bước 1: Tìm hiểu về những gì con đã biết thông qua những câu hỏi đơn giản, như: “Con ấn tượng nội dung nào trong cuốn sách về tuổi dậy thì này”?

Bước 2: Nói cho con sự thật và sửa chữa bất kỳ thông tin sai lệch nào con đang có.

Bước 3: Sử dụng cuộc trò chuyện như một cơ hội để trẻ hiểu suy nghĩ của bố mẹ. Chẳng hạn như, bố mẹ có thể tâm sự với con rằng: nếu kinh nguyệt thấm ra giường lúc con ngủ thì cũng không có gì phải xấu hổ cả. Mình chỉ cần giặt ga giường và tìm loại băng vệ sinh phù hợp lúc đi ngủ cho con.

Giúp con hiểu được ý nghĩa của giai đoạn dậy thì

Thật dễ để gán cho tuổi dậy thì những cụm từ như: “khó chịu”, “nổi loạn”… Nhưng đôi khi chúng ta quên đi ý nghĩa thực sự của giai đoạn này, là các bạn trẻ cần được trấn an và có góc nhìn khách quan, tích cực về những năm tháng đó của bản thân. Cho trẻ hiểu rằng, dậy thì là một giai đoạn quan trọng và thú vị của cuộc đời, không có “đúng” hay “sai” về quá trình phát triển giữa mỗi người và không nên so sánh sự phát triển của con với bạn khác. Bằng cách đó, cùng việc giúp con hiểu rằng bố mẹ sẽ luôn ở bên động viên, hỗ trợ khi con cần, chúng ta có thể khiến các bạn trẻ yên tâm hơn để bước qua giai đoạn đầy bối rối này.

Làm hình mẫu cho con trong cách ứng xử tích cực

Cha mẹ có thể là hình mẫu để con học theo cách xây dựng và tương tác tích cực với các mối quan hệ xung quanh, với cách ứng phó tích cực trước những cảm xúc khó chịu hay xung đột. Ví dụ sẽ có lúc bố mẹ cảm thấy bực bội, mệt mỏi với con. Thay vì tiếp tục gây ra cuộc tranh cãi, bố mẹ có thể chia sẻ rằng: “Mẹ đang mệt và mẹ cảm thấy không thể tiếp tục nói chuyện mà không cáu gắt. Mẹ sẽ quay lại với con sau bữa tối”. Khi hai bên đã bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo hơn, cuộc nói chuyện có thể bắt đầu lại, để đi đến một giải pháp hợp lý cho vấn đề gây tranh cãi đó.

Lắng nghe cảm xúc của con và cởi mở về cảm xúc của bố mẹ

Lắng nghe tích cực là một cách hiệu quả để củng cố mối quan hệ của cha mẹ với con trong những năm tháng dậy thì. Vì thế, các bố mẹ hãy lắng nghe chủ động, tập trung và không vội phán xét hay khuyên bảo. Chúng ta cần tôn trọng cảm xúc và ý kiến của con; cố gắng hiểu quan điểm của con, ngay cả khi nó không giống với suy nghĩ của bố mẹ.

Ví dụ: Khi con kể rằng người bạn thân đã không chơi với con nữa mà còn nói xấu con với người khác. Thay vì khuyên bảo con đừng buồn hay không cần chơi với bạn nữa, bố mẹ có thể ghi nhận cảm xúc “buồn và mất niềm tin vào người bạn đó” của con, rồi để con đề xuất giải pháp cho sự việc này.

Bên cạnh lắng nghe chủ động cảm xúc của con, bố mẹ cũng có thể nói cho con biết bố mẹ cảm thấy như thế nào khi con cư xử theo các cách khác nhau. Ví dụ: “Bố/ mẹ cảm thấy rất vui khi thấy con và em nhường nhịn, chia sẻ đồ chơi với nhau”. Bằng cách nói ra cảm xúc của mình như thế, bố mẹ đang giúp các bạn trẻ học cách đọc và phản ứng với cảm xúc một cách tích cực.

Giúp con xây dựng lối sống lành mạnh

Ở tuổi dậy thì, các bạn trẻ có rất nhiều sự thay đổi, đặc biệt là về thể chất. Các bạn trẻ sẽ bắt đầu để ý đến ngoại hình của mình, của người khác và có những so sánh. Vì thế, các bố mẹ hãy quan tâm và giúp con có được hình ảnh cơ thể tích cực nhé. Nếu ăn uống đầy đủ, vận động thể chất, ngủ đủ giấc và chăm sóc vệ sinh cá nhân tốt, thì nhiều khả năng các bạn trẻ sẽ cảm thấy hài lòng về sự thay đổi của cơ thể mình. Bố mẹ cũng nên trở thành tấm gương sinh hoạt lành mạnh, để con noi theo nhé.

Chúc các bố mẹ cùng con vượt qua tuổi dậy thì thành công!

Phòng Tâm lý học đường Olympia 

Share:

Related post