undefined

Vượt qua vùng an toàn của bản thân: Thử thách hay cơ hội?

18 November, 2022

Giống như chú ốc cuộn tròn tìm cách trú ẩn trong chiếc vỏ sâu thẳm để thoát khỏi bao mối hiểm nguy bên ngoài; như chú rùa đang rụt rè không dám đưa đôi chân yếu ớt, chậm chạp ra khỏi tấm mai cứng cáp để tiến ra biển lớn mênh mông ngoài kia; như chú sâu nhỏ đang cựa mình loay hoay tìm cách thoát ra khỏi vòng quấn của kén để có thể trở thành cánh bướm nhỏ cất cánh bay lượn trên bầu trời tự do…, mỗi chúng ta có lẽ luôn cố gắng tìm đến sự bình yên và an toàn cho mình. “Vùng an toàn” vốn là trạng thái tâm lí thoả mãn về mặt cảm xúc khiến bản thân cảm thấy thoải mái, không âu lo, không muốn rời xa môi trường hiện tại. Dù vậy, đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: Điều còn lại cuối cùng là gì? Chúng ta đã thật sự hạnh phúc và phát hiện được hết những khả năng tiềm tàng khác của bản thân chưa? Hai chữ “giá mà” vì thế cũng thật tệ trong khoảnh khắc đó!

Hành trình đến Olympia với tôi là sự tình cờ nhưng cũng là cơ duyên để bản thân được thử thách và trưởng thành mỗi ngày. Tôi vẫn nhớ như in sắc tím của những chiếc ô nhỏ xinh từ khung cửa sổ thư viện nhìn ra sân Khoa học vào thời điểm tôi đang phải thực hiện bài thi tuyển dụng của trường. Tôi nhớ cảm giác ngỡ ngàng, choáng ngợp, thậm chí phải trầm trồ khi đi qua mỗi không gian, bậc thềm của trường; nhớ buổi showcase “Sắc màu cố đô” đầu tiên được dự của K11 (Khoá 2022) mà lòng đầy khâm phục các thầy cô đã dày công chấp bút, vun đắp và xây dựng một buổi báo cáo sản phẩm nhiều cảm xúc đến thế và rồi tự hỏi: “Chẳng biết bao giờ mình mới làm được như các thầy cô? Bao giờ mình mới vượt ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân để có thể khẳng định mình, làm được nhiều hơn những điều lớn lao? Và thật may mắn khi ở đây, chúng tôi luôn được trao cơ hội, được thử, sai và làm lại. Tôi được thực hiện những giờ dạy “free style” theo những gì mà tôi cho rằng đem lại được những bài học, kĩ năng quý giá cho học sinh; được thực hiện những dự án lớn dù bản thân cảm thấy mình chưa đủ sức để làm; được tham gia những buổi Hội thảo, đào tạo với các chuyên gia hàng đầu…Trên tất cả, tôi biết ơn nơi này và hẳn là chỉ ở đây tôi mới “được” nhiều đến thế!

Năm 2022 có lẽ là một năm đáng nhớ, đánh dấu mốc son chính thức bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân tôi, bắt đầu với sự kiện tôi vinh dự trở thành một trong số các diễn giả trong Hội thảo PEN (Pioneering Educators Network) - Mạng lưới các nhà giáo dục tiên phong, được lắng nghe những phương pháp giáo dục hiện đại, mới mẻ nhất đến từ các chuyên gia Quốc tế, Việt Nam; gặp gỡ các thầy cô đến từ hơn bốn mươi tỉnh thành khắp mọi miền đất nước, cùng chia sẻ với họ về Dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?” cho học sinh lớp 10 mà chúng tôi đã và đang làm. Tiếp tục hành trình thoát khỏi “chiếc vỏ ốc”, tôi cùng với đồng nghiệp của mình tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 10. Tôi nhớ đó là những ngày cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19. Dù vậy, cô trò chúng tôi vẫn hẹn nhau biết bao buổi tối cùng nhau ôn tập online đến khuya. Và thành quả không làm chúng tôi thất vọng khi 3/3 học sinh dự thi đều đạt giải. Kết thúc năm học ngọt ngào với vai trò trưởng Dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?” (K10), xây dựng và tổ chức showcase báo cáo sản phẩm cuối năm; tôi nhận ra rằng ranh giới giữa “vùng an toàn” và thành công không quá khắc nghiệt như những gì mình nghĩ.

Ngày đứng trên sân khấu vinh danh của nhà tường, tôi không chỉ tự hào về những gì mình đã làm được cho các con học sinh mà hơn hết, tôi nghĩ hành trình vượt ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội để mỗi chúng ta trưởng thành, vững vàng và kiên định hơn vào những gì mình đã, đang và sẽ làm!

Bài chia sẻ của cô Lê Hồng Hạnh – giáo viên Ngữ văn THPT
 Giáo viên Xuất sắc năm học 2021-2022

Share:

Related post