Học sinh hào hứng “kiếm” điểm từ dự án học tập thay vì bài kiểm tra

GD&TĐ - Thay vì làm bài kiểm tra trên giấy, học sinh Trường Olympia (Hà Nội) được tham gia các dự án học tập và được chấm điểm từ khả năng tiếp nhận, sáng tạo và vận dụng kiến thức.

Học sinh Olympia khối 7 thuyết trình trong dự án "Cất lời".
Học sinh Olympia khối 7 thuyết trình trong dự án "Cất lời".

Học sinh vào vai khởi nghiệp

Đây là dự án học tập độc đáo được thực hiện bởi học sinh khối 6, Trường Olympia. Ở dự án này, từ đa dạng các chủ đề về gia đình, xã hội thực tế, thế giới tự nhiên, công nghệ, cuộc sống đô thị… được học qua các năm ở môn tiếng Anh, học sinh lựa chọn chủ đề, hoặc vấn đề thực tiễn hứng thú nhất để cùng lên ý tưởng cho sản phẩm giải quyết vấn đề đó.

Nguyễn Ngọc Tuệ Minh cho biết mình và các bạn đã phải tìm hiểu rất nhiều kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp, cách gọi vốn, quá trình làm sản phẩm, lợi nhuận thu về của doanh nghiệp… trong quá trình làm dự án.

“So với bài kiểm tra thông thường, cách học và làm báo cáo sản phẩm là thuyết trình gọi vốn theo mô hình Shark Tank khiến em cảm thấy hào hứng, thích thú hơn”. Chia sẻ điều này, Nguyễn Ngọc Tuệ Minh cho biết, sau khi hoàn thành dự án, ngoài phát triển được các năng lực đặc thù trong môn tiếng Anh, bản thân còn biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về xã hội, tài chính, kinh doanh, khởi nghiệp… Đây là điểm khác hẳn và vượt trội mà một bài kiểm tra trên giấy không thể nào có được. 

Học sinh khối 6 thuyết trình gọi vốn theo mô hình Shark Tank.
Học sinh khối 6 thuyết trình gọi vốn theo mô hình Shark Tank.

Trong buổi báo cáo sản phẩm, có nhóm đã chia sẻ dự án chế tạo cây gậy có thể chuyển thành ghế ngồi cho người già; có nhóm muốn thiết kế chiếc ô kèm quạt để khi đi dưới trời hè đô thị, mọi người được mát mẻ hơn. Chia sẻ điều này, giáo viên Dusin Lloyd nhận định: Quá trình làm dự án học tập, học sinh vừa phát triển được vốn từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh, khả năng nói - thuyết trình để thuyết phục giám khảo đầu tư cho ý tưởng nghiên cứu.

Dự án còn giúp các em phát huy được tư duy tổng hợp, sáng tạo; khả năng nghiên cứu và tích hợp kiến thức liên môn vào giải quyết vấn đề của thực tiễn, như sử dụng kiến thức Vật lý, Hóa học để tìm ra hướng chế tạo sản phẩm. Việc báo cáo kết quả làm dự án theo mô hình Shark Tank cũng là cách để học sinh được tăng cường năng lực thuyết trình, hợp tác, làm việc nhóm…

 “Chúng tôi tin rằng, dự án cho học sinh học và báo cáo sản phẩm theo mô hình Shark Thank này là hình thức học tập, kiểm tra đánh giá mang tính thử thách cao; vừa đáp ứng yêu cầu của chương trình môn học, vừa đưa được kiến thức vào thực tiễn và tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Sau này khi rời khỏi trường, sẽ có học sinh trở thành chủ doanh nghiệp hoặc tham gia khởi nghiệp, các em có thể mang ý tưởng, dùng kinh nghiệm trong quá trình làm dự án kêu gọi vốn ngày hôm nay để thuyết phục các nhà đầu tư. Và nếu chúng ta có thể chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng này cho học sinh sớm thì hoàn toàn có thể giúp các em tự tin để đạt được thành công về sau” - giáo viên Dusin Lloyd cho hay. 

Học sinh Phan Lan Anh khối 7 thuyết trình về áp lực gia đình.
Học sinh Phan Lan Anh khối 7 thuyết trình về áp lực gia đình.

Học sinh được nêu quan điểm, được thực làm

“Cất lời” là tên dự án môn Ngữ văn của học sinh Olympia khối 7. Cô Mai Thị Khánh Hòa, giáo viên Ngữ văn, cho biết: Dự án yêu cầu học sinh đưa ra một vấn đề thực tiễn trẻ em đang đối mặt để viết luận. Học sinh tự đọc, nghiên cứu, tổng hợp thông tin và trình bày ý kiến, quan điểm của mình về vấn đề đã chọn.

100% học sinh đã có bài trình bày về đa dạng chủ đề như: Đói nghèo, chiến tranh, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, áp lực điểm số, tôi trên mạng xã hội, tôi và game online, ước mơ của tôi, tôi và lựa chọn nghề nghiệp... Trong showcase báo cáo sản phẩm ngày 14/5, các học sinh có bài nói xuất sắc nhất đã đứng trên sân khấu và trình bày trước đông đảo phụ huynh, học sinh toàn khối.

Chọn chủ đề “Áp lực gia đình”, hai học sinh Phan Lan Anh và Mạc Đình Anh có 1 tuần để tìm chủ đề, lên ý tưởng, viết dàn ý và thực hiện bài luận này. Phan Lan Anh cho biết thích hình thức kiểm tra, đánh giá này vì không bị bó cứng trong một bài kiểm tra giấy với giới hạn thời gian 45 phút.

“Em và bạn được tự chọn đề tài mà mình quan tâm nhất, tự tìm kiếm các thông tin liên quan từ đó biết cách chọn nguồn tin, có thêm nhiều hiểu biết xã hội. Với việc đứng thuyết trình trước đông đảo khán giá, em cũng rèn được khả năng nói, hùng biện của mình. Thông qua bài này nói này, em muốn truyền thông điệp là người lớn hãy bớt áp lực cho học sinh vì điều đó chưa chắc có lợi mà ngược lại còn có thể mang đến những tác động tiêu cực” - Phan Lan Anh gửi gắm. 

Trong khi đó, học sinh Olympia khối 8 lại thực hiện dự án bằng xây dựng vở kịch thiếu niên hùng ca - “Chiến tranh và hòa bình”. Vở kịch do học sinh điều phối trong tất cả các khâu: hoàn thiện kịch bản, casting, tập luyện, hậu cần (trang phục, đạo cụ), kĩ thuật (âm thanh, ánh sáng)… Vở kịch là một phần của bài kiểm tra cuối năm học lớp 8 môn Ngữ Văn.

Dù chỉ có 2 tuần để chuẩn bị, nhưng với đam mê, nỗ lực của các thành viên tham gia, buổi kịch đã diễn ra một cách trọn vẹn. 

Là thành viên Ban diễn xuất, Vũ Minh Thư chia sẻ: tham gia casting, diễn tập đối với em là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Dù gặp rất nhiều khó khăn do thời gian làm việc quá ngắn, nhưng vì tất cả mọi người đều rất nỗ lực và phối hợp tốt với nhau nên vở kịch vẫn được diễn ra thành công. Qua dự án này, học sinh khối 8 đã trở nên tự tin hơn, được rèn luyện và phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức hoạt động, kỹ năng tổ chức sân khấu

Vào vai lính Pháp, Đặng Quốc Minh cho biết, nhờ có vở kịch này mà mình được học cách làm việc nhóm, phối hợp với các thành viên khác một cách hiệu quả. Và hơn hết, giờ đây em đã có thể thể hiện bản thân một cách thoải mái trên sân khấu một cách tự tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ