undefined

Kiến tạo "Xã hội hoàn mỹ" trong tiết học trải nghiệm IB-DP

17 Tháng 2, 2023

“Ngay cả sự bao dung hay tự do trong xã hội cũng cần phải được giới hạn. Sẽ là phi thực tế nếu chúng ta cố theo đuổi sự hoàn hảo, hay cố xây dựng một xã hội bao dung tuyệt đối.”

Đây là kết luận được đưa ra bởi một học sinh trong tiết học trải nghiệm chương trình Tú tài Quốc tế cấp THPT (IB-DP) tại Olympia. Tiết học trải nghiệm với môn học Theory of Knowledge (Lý thuyết nhận thức - TOK) được tổ chức dành cho tất cả các bạn học sinh lứa tuổi THPT trên địa bàn Hà Nội muốn khám phá một chương trình có tính học thuật cao nhất thế giới.

Các bạn học sinh cùng nhau khám phá chủ đề lớn của tiết học TOK

Với câu hỏi lớn cần giải quyết của buổi học là “Một xã hội tốt đẹp nên coi trọng những giá trị nào?”, tiết học yêu cầu kiến thức liên môn và năng lực tư duy phản biện, lập luận logic cao. Qua đó, khơi nguồn tư duy về bản chất phức tạp của việc bảo vệ các giá trị xã hội. Sau buổi học này, học sinh sẽ có thể tự hình thành quan điểm riêng của mình về lòng bao dung và các giá trị tốt đẹp khác trong xã hội, đồng thời bắt đầu suy nghĩ về những hành động các bạn có thể làm để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nơi những giá trị đó được đề cao.

Trong buổi học diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Anh, các bạn học sinh đã cùng nhau thảo luận sôi nổi theo nhóm để đưa ra luật lệ, quy tắc giúp xây dựng một “xã hội hoàn mỹ”, sau đó tìm cách giải quyết những tình huống thử thách mà giáo viên đặt ra cho xã hội đó, chẳng hạn như thảo luận về nghịch lý của sự bao dung - liệu ta có thể bao dung cho sự thiếu bao dung?

Chủ đề của tiết học tạo nên nhiều luồng ý kiến đa chiều và không khí tranh luận sôi nổi trong lớp học

Với phương châm “mọi ý kiến đều được tôn trọng” của lớp học, các bạn được khuyến khích nói lên quan điểm của bản thân, đồng thời lắng nghe sâu sắc những ý kiến đa chiều của các bạn học khác. Các bạn cũng tích cực đặt ra câu hỏi phản biện trên tinh thần xây dựng. Buổi học kết thúc bằng câu hỏi phản chiếu, tạo cơ hội cho các bạn nhìn lại những điều mới mình đã học được, và tại sao mình lại rút ra được những kiến thức đó. Điều này giúp các bạn nâng cao ý thức phản biện về bản chất của tri thức, đồng thời hiểu thêm về cách chúng ta tiếp thu kiến thức mới.

Từ lớp trải nghiệm IB-DP này, tư duy của các bạn học sinh được vun đắp khi được tiếp cận với những góc nhìn mới mẻ, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, xã hội; cải thiện kỹ năng giao tiếp và hợp tác; đồng thời rèn luyện năng lực ngoại ngữ. Đặc biệt nhất, các bạn đã được “gieo mầm” động lực tự học, tự nghiên cứu chuyên sâu.

Bạn Nguyễn Phương Anh, hiện đang học lớp 10 tại một trường THPT trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Em rất ấn tượng với cách giáo viên để chúng em tự làm chủ việc học của mình trong tiết học này. Thầy động viên cả lớp tư duy và nói nhiều hơn, thay vì chỉ ngồi nghe và ghi chép như ở lớp học bình thường khác. Thầy cũng lắng nghe khi chúng em chia sẻ quan điểm, rồi đưa ra gợi ý để giúp góc nhìn đó được mở rộng nữa.”

Một học sinh chia sẻ về những kiến thức bạn đã rút ra sau buổi học

TOK là một trong 3 môn học cốt lõi của chương trình IB-DP, rèn luyện cho các bạn kỹ năng liên tục phản biện những kiến thức được học. Trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay, môn học TOK nói riêng và chương trình IB-DP nói chung tại Olympia giúp học sinh nhận thức được vai trò quan trọng của tri thức trong quá trình kiến tạo xã hội. Nhờ đó, mỗi học sinh IB được truyền cảm hứng để không ngừng tư duy, học tập và ứng dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

Không giống như những giờ học truyền thống nơi học sinh chỉ lắng nghe và ghi chép về nội dung buổi học, những lớp học của chương trình Tú tài Quốc tế cấp THPT (IB-DP) sẽ bắt đầu với một câu hỏi lớn. Học sinh sẽ thảo luận sâu hơn về câu hỏi này xuyên suốt buổi học để tự đi tìm lời giải cho riêng mình, giúp các bạn phát triển năng lực tự học. Giáo viên đóng vai trò hỗ trợ và truyền cảm hứng, để học sinh chủ động dẫn dắt buổi học - đây chính là điểm đặc biệt của phương pháp học tập truy vấn (inquiry-based learning) được áp dụng trong chương trình IB.

Share:

Bài liên quan