undefined

Sân khấu hóa văn chương tại Olympia: Thúc đẩy khả năng ngôn ngữ, khai mở tiềm năng nghệ thuật

23 Tháng 9, 2021

5 năm trở lại đây, các hoạt động sân khấu học diễn ra trong các môn xã hội, đặc biệt là ngữ văn diễn ra mạnh mẽ tại trường PTLC Olympia, đặc biệt với cấp Hai và cấp Một. Đằng sau câu chuyện sân khấu hóa văn học là những mong muốn của các thầy cô để thúc đẩy niềm yêu thích ngôn ngữ và khả năng sáng tạo của học sinh.

Kịch là một trong những phân môn (cùng với thơ và truyện) được giảng dạy trong chương trình ngữ văn tại trường PTLC Olympia. Tuy nhiên, không bị giới hạn bởi số lượng tiết ít ỏi như trong chương trình phổ thông, sân khấu kịch tại Olympia có thời lượng lớn, đa dạng về thể loại, phong phú trong hình thức thể hiện với những mục tiêu cao hơn nhằm thúc đẩy đa trí thông minh ở học sinh. Để hiểu hơn về sân khấu hóa văn chương tại Olympia, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cô Hồng Liên - tổ trưởng tổ ngữ văn Trung học cơ sở Olympia. 

 

 

Đa dạng hóa không gian sân khấu kịch

“Sân khấu kịch ở trường PTLC Olympia có hình thức đa dạng, được sử dụng với nhiều mục đích. Thứ nhất, kịch được sử dụng như báo cáo sản phẩm cuối năm. Thứ hai, kịch được sử dụng trong một phần kiểm tra đánh giá ở trong dự án. Thứ ba, kịch có thể được sử dụng như một phương pháp tổ chức tiết học,” cô Hồng Liên chia sẻ. 

Sân khấu kịch tại Olympia vừa đóng vai trò như một môn học, vừa được sử dụng như một phương pháp giảng dạy nhưng cũng là một cách thức để đánh giá học sinh. Nhìn một cách tổng quát, kịch vừa được sử dụng như biện pháp “đầu vào” trong các giờ giảng dạy, vừa là cách thức để đánh giá những thay đổi “đầu ra’” của mỗi học sinh. Từ quy mô nhỏ ở trong các lớp học, trong vòng 5 năm trở lại đây, sân khấu kịch tại Olympia đã từng bước thay đổi, được đưa lên sân khấu lớn nhà hát với các buổi trình diễn báo cáo sản phẩm thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh và cả phụ huynh. Nhìn nhận về những giá trị của kịch mang lại, cô Hồng Liên chia sẻ.

 

 

“Cách học văn truyền thông dạy học sinh các kỹ năng nghe nói đọc viết rời rạc. Tuy nhiên, kịch cho phép học sinh có thể thao túc đúc tất cả các kỹ năng đã được học một cách rời rạc trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Diễn kịch chỉ là một công cụ - như các công cụ giúp hình thành, phát triển, khai mở của học sinh. Khi diễn kịch, học sinh được tương tác với bạn bè, đứng trước đám đông để thể hiện nhân vật của mình. Học sinh sẽ thấy mình ở một hình ảnh khác so với đời thường. Có thể thấy rằng kịch giúp phát triển đa dạng kỹ năng của học sinh khi để dựng một vở diễn thành công, có nhiều thứ phải làm hơn việc hóa thân vào nhân vật đơn thuần.”

Kịch giúp phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ nhỏ, tăng khả năng ứng biến trong giao tiếp hàng ngày của học sinh. Tuy nhiên, để có thể triển khai kịch thành công không phải điều đơn giản. Dễ dàng có thể thấy được những thuận lợi trong việc giảng dạy kịch khi phát triển đa kỹ năng ở trẻ nhưng để có thể dạy kịch thành công là một thách thức với các giáo viên. Dạy kịch khác với diễn kịch nhưng cần có sự hài hòa giữa dạy và diễn; một giáo viên muốn dạy kịch phải hiểu về diễn kịch nhưng không phải ai cũng có khả năng diễn xuất khi một diễn viên kịch lành nghề phải mất vài chục năm mới có thể thành công. Kỹ năng và kiến thức là một chuyện, đủ tự tin bước lên sân khấu và diễn kịch cũng là một bài toán khó với nhiều giáo viên.

“Chúng tôi vẫn nói với học sinh rằng việc học kịch là một quá trình khai mở với cả học sinh và giáo viên. Bản thân chúng tôi phải đi học rất nhiều, đọc nhiều, thường xuyên xem kịch cũng như mời các nghệ sĩ kịch như Xuân Bắc về để diễn thử, tổng duyệt cho học sinh.”

 

 

Để kịch thoát khỏi cái bóng của môn học

Việc sân khấu hóa văn học tại Olympia được lên chương trình dựa trên những chuẩn đầu ra của Bộ giáo dục với phân môn kịch. Ngoài ra, chương trình kịch của Olympia có sự tư vấn của các chuyên gia từ Đại học Sư Phạm; giáo viên, học sinh cũng được đào tạo bởi các nghệ sĩ tại Nhà hát kịch Việt Nam, đảm bảo tính giáo dục và chuyên nghiệp của loại hình nghệ thuật kịch khi được đưa vào giảng dạy cho nhà trường, phù hợp với học sinh từng cấp học. 

Tuy nhiên, việc giảng dạy kịch ở Olympia không chỉ được tiến hành theo hình thức một phân môn hay mang nặng yếu tố kiểm tra với điểm số đánh giá như các môn học khác. Nếu nhìn sâu vào những giá trị kịch mang lại, các thầy cô mong muốn kịch nghệ có thể chạm tới học sinh với niềm say mê thích thú thực sự, dần thoát khỏi cái bóng của một môn học.

“Bên ngoài sân khấu kịch truyền thống, chúng tôi còn giới thiệu cho học sinh kịch ứng tác. Không bài bản, nhiều lớp lang như kịch truyền thống, kịch ứng tác gần gũi hơn với học sinh, mang đến những câu chuyện trong chính cuộc sống, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng phản ứng trước các tình huống mới, tăng sự tương tác với khán giả, tạo không gian chia sẻ cởi mở. Ở những chiều kích đó, có thể thấy kịch đã trở nên gần gũi hơn một sân khấu kịch truyền thống chuyên nghiệp.”

 

 

Khi được hỏi về phương pháp đánh giá học sinh trên sân khấu kịch, các thầy cô đều thống nhất quan điểm rằng việc đánh giá học sinh không nặng nề về khả năng diễn xuất hay nhập vai mà chủ yếu nằm ở thái độ của học sinh, khả năng ngôn ngữ, sự tương tác với bạn diễn… Các thầy cô từ Tiểu học tới Trung học cơ sở khi dạy kịch, tuy khác nhau về nội dung hay phương pháp, đều đồng nhất quan điểm về mục tiêu cuối cùng của học/dạy kịch nghệ là để làm gì. Nhìn nhận kịch là một phần của văn học, giáo viên mong muốn học sinh có thể trau dồi khả năng ngôn ngữ một cách toàn diện, có thêm tình yêu với văn học, phát triển nhiều kỹ năng cần thiết với cuộc sống. Ở một tầm cao hơn, học kịch cũng giúp khai mở tiềm năng sáng tạo, khả năng nghệ thuật của học sinh Olympia. Tuy đây không phải mục tiêu cao nhất trong việc sân khấu hóa, thông qua các buổi học, báo cáo sản phẩm, nhiều tài năng nghệ thuật cũng được phát hiện.

“Trên sân khấu, chúng tôi rất ngạc nhiên vì khả năng ngôn ngữ cho tới diễn xuất của các bạn học sinh. Nhiều em đã biết cách ứng biến rất tốt khi quên lời, hóa thân vào nhân vật một cách trơn tru, thể hiện trọn vẹn cảm xúc của nhân vật và mang đến một tinh thần mới mẻ cho vở kịch. Sân khấu hóa trong môn ngữ văn đã giúp nhiều tài năng được bộc lộ, khai mở tiềm năng của nhiều học sinh.”

 

 

Với một ngôi trường đề cao mô hình trí thông minh đa dạng cùng mong muốn tái định nghĩa tài năng không dựa trên điểm số hay những quy chuẩn thông thường, lớp học kịch đã thực sự giúp nhiều học sinh khám phá ra khả năng tiềm ẩn của mình. Từ ngôn ngữ cho tới nghệ thuật, các bạn học sinh đã có nhiều cơ hội để hiện bản thân và thử sức với lĩnh vực mới. Sẽ còn quá sớm để những Olympian lớp 6, lớp 7 có thể quyết định cho mình một con đường tương lai liên quan tới văn chương hay nghệ thuật nhưng từ sân khấu kịch tại trường PTLC Olympia, các em đã mở ra thêm một cánh cửa cơ hội nữa để bước vào trong tương lai. 

Share:

Bài liên quan