undefined

Cả thế giới nằm gọn trong môn học đặc biệt Humanities của Olympians: Hành trang của những công dân toàn cầu

13 Tháng 10, 2021

 

 

Tôn giáo đóng vai trò ra sao trong sự phát triển kinh tế châu Á? Sự va chạm văn hóa xảy ra tại châu Phi như thế nào? Châu Âu trong tương lai sẽ ra sao dưới làn sóng di cư mãnh liệt? Đó là những câu hỏi lớn để học sinh đào sâu hơn trong những giờ học Humanities tại Olympia.

Có những giờ học đặc biệt tại Olympia đưa học sinh tìm về lịch sử xung đột Israel-Palestine nhưng không phải giờ lịch sử, cùng học tìm hiểu về thời kỳ Phục Hưng nhưng không phải trong môn Mỹ thuật, giúp học sinh khám phá con đường tơ lụa nhưng không phải trong môn Địa lý.

Chúng ta đang muốn nhắc tới giờ học Humanities - nhân học, bộ môn đặc biệt tại trường Olympia chuẩn bị cho học sinh những hành trang quan trọng trên hành trình trở thành công dân toàn cầu. “Đặc biệt” vì những kiến thức và kỹ năng học sinh được trang bị thông qua từng tiết học với đa dạng chủ đề, “đặc biệt” vì không phải ở bất cứ trường phổ thông nào, học sinh cũng được thảo luận về những vấn đề lớn của toàn cầu và “đặc biệt” khi ngày càng có nhiều học sinh Olympia tìm thấy niềm say mê với môn học này.

 

Humanities (tạm dịch: nhân học) là một môn học dành cho học sinh trung học phổ thông tại trường PTLC Olympia. Thông qua môn học, học sinh có hiểu biết sâu sắc về thế giới trong một bức tranh đa chiều, hình thành được thế giới quan trong mối tương quan với các vấn đề toàn cầu, phát triển các kỹ năng học thuật, năng lực tư duy và kỹ năng học tập suốt đời để chuẩn bị hành trang cho cuộc sống cũng như được nuôi dưỡng sự thấu hiểu, khoan dung khi bước ra ngoài thế giới rộng lớn.


Humanities diễn ra ở cả 4 khối (từ khối 9 đến khối 12) với nội dung lần lượt đi theo từng châu lục: châu Phi và Trung Đông, châu Á, châu Mỹ và châu Âu. Ở mỗi châu lục, các vấn đề học sinh sẽ được tìm hiểu bao gồm: Lịch sử và địa lý, triết học tôn giáo và tư tưởng, văn học và nghệ thuật, các vấn đề đương đại.

 

Một tiết học môn Humanities tại trường Olympia

Đã là năm thứ 4 cô Satbinder giảng dạy môn Humanities tại trường Olympia. Là một môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh, với cô Sat, những giá trị mà môn học Humanities mang lại vượt ngoài các kỹ năng tiếng Anh cơ bản học sinh có thể có được.

“Nếu bạn mong muốn học tiếng Anh ngoài phương pháp truyền thống, chắc chắn bạn sẽ yêu thích môn học này. Các bạn học sinh khối 9 có thể sẽ đôi phần bỡ ngỡ khi bắt đầu với môn humanities khi những nội dung học và phương pháp học tập hoàn toàn mới mẻ. Với các bạn học sinh yêu thích thử thách trong việc học, chắc chắn môn học này sẽ đem đến nhiều điều thú vị.”

Nhìn vào số lượng học sinh lựa chọn theo đuổi môn học Humanities ngày càng tăng cao trong những năm học vừa qua, nhà trường có thể thấy rõ sự hứng thú với môn học mới mẻ này. Có nhiều điều thu hút học sinh ở bộ môn Humanities. Thứ nhất, việc học tiếng Anh đã vượt ngoài cách học truyền thống khi học sinh được tiếp cận với tiếng Anh học thuật cần thiết cho quá trình học đại học cũng như tiếng Anh ứng dụng trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Thứ hai, kiến thức mới mẻ, cập nhật, tạo sự thu hút cho học sinh với nội dung phong phú. Thứ ba, phương pháp học tập mới mẻ cũng như các hình thức đánh giá, thuyết trình, báo cáo sản phẩm đa dạng khiến việc học trở nên thú vị hơn. Và có lẽ, điều cuối cùng nằm ở giá trị của môn học mà qua mỗi năm, học sinh lại càng cảm nhận được rõ ràng hơn.

“Tôi tin rằng bộ môn humanities đã vượt ngoài câu chuyện của một môn học học thuật truyền thống. Học sinh được học cách tôn trọng giá trị của mỗi châu lục cũng như hiểu sâu sắc hơn về những khía cạnh văn hóa, xã hội. Humanities giúp hình thành tầm nhìn của một công dân toàn cầu trong mỗi đứa trẻ, tạo điều kiện để học sinh tự tin hơn khi các bạn bước ra ngoài thế giới. Hiểu cuộc sống bên ngoài đất nước mình, nơi mình đang sống thực sự là điều quan trọng,” cô Satbinder chia sẻ.

Cô Sat trong tiết dạy học

Thật vậy, Humanities không chỉ chuẩn bị hành trang kiến thực cho các bạn học sinh với đam mê theo đuổi các ngành xã hội, nhân văn ở giáo dục bậc cao, môn học này cần thiết cho bất cứ ai, ở bất cứ khối ngành nào khi bộ môn Humanities góp phần hun đúc kỹ năng tự học và học tập suốt đời trong mỗi học sinh.

Tất nhiên, sự mới mẻ của bộ môn đi kèm với thách thức. Quá trình chuyển tiếp cho học sinh từ cách học truyền thống lên tới cách học mới mẻ, từ các nội dung đơn giản đến việc tiếp cận với các khái niệm chuyên môn đầy phức tạp như toàn cầu hóa, làn sóng di cư, thế giới phẳng, chủ nghĩa dân tộc… không hề dễ dàng khi học sinh phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn và chấp nhận thử thách bản thân với các kiến thức mới.

“Học sinh học về mỗi châu lục trong vòng chỉ một năm học, đồng nghĩa với việc có rất nhiều kiến thức mới và các nhóm kỹ năng mới các em cần nắm bắt. Việc tạo ra nhịp độ học tập mỗi tuần là cần thiết cho học sinh. Tham gia vào các lớp Humanities, học sinh cần sẵn sàng và thích ứng kịp với đa dạng chủ đề được truyền tải trong môn học. Học sinh sẽ phải học các kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lý bằng nhiều nguồn thông tin. Học sinh sẽ ngỡ ngàng khi nhìn thấy những chủ đề các bạn chưa từng học trước đó. Với việc coi học sinh làm trung tâm, môn học cũng đòi hỏi các bạn phải chủ động trong việc tìm hiểu kiến thức, nhẫn nại và bền bỉ. Không bám vào sách giáo khoa như các môn học truyền thống, các nội dung được thiết kế cá nhân hóa để học sinh thực sự cảm thấy thích thú và tự tìm tòi kiến thức, mở rộng thế giới quan và kỹ năng của mình.”

Những bài tập cuối kỳ của học sinh luôn là điểm sáng khiến cô Satbinder thích thú. Các nội dung học cũng luôn theo sát những vấn đề thời sự, cập nhật tình hình thế giới để học sinh để có thể chủ động bày tỏ quan điểm của mình. Đó là phiên thảo luận về phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ, là dự án tái hiện lại các công trình kiến trúc nổi tiếng khắp châu Á, là trang Facebook nơi học sinh kể những câu chuyện về các vấn đề bạo lực thông qua hình thức podcast… Gói gọn trong một môn học là những câu chuyện toàn cầu mà ở đó không chỉ học sinh được trải nghiệm những kiến thức mới, giáo viên cũng ngỡ ngàng trước thế giới quan và góc nhìn đa dạng của học sinh.

Theo chia sẻ của cô Võ Thục Anh, trưởng bộ môn tiếng Anh trường THPT Olympia, Humanities từ nhiều năm qua đã trở thành môn học được học sinh quan tâm khi mang đến cho các bạn phổ kiến thức rộng, tổng hợp và thú vị, trải dài qua các thời kỳ lịch sử và trải rộng ở các không gian địa lý khác nhau, từ đó giúp học sinh hình thành quan điểm đa chiều về bản thân và thế giới.

 

“Phương pháp học tập truy vấn (inquiry-based learning) là một điểm cộng lớn, vì học sinh được nghiên cứu và theo đuổi những chủ đề mình quan tâm/yêu thích (trong khuôn khổ chủ đề lớn của khóa học), thúc đẩy hứng thú và đam mê học tập. Đây là cách học của học sinh bản xứ với môn Humanities. Đồng hành cùng bộ môn từ những ngày đầu xuất hiện tại Olympia, Humanities để lại cho mình nhiều ấn tượng. Chương trình được thiết kế rất hay, học sinh cực kỳ xuất sắc, giáo viên cũng rất am hiểu và nhiệt tình, nên ở đó mình có thể nhìn thấy những sản phẩm học tập vô cùng sáng tạo, chỉn chu, sâu sắc và đột phá mà nhiều khi người lớn cũng không làm được.”

 

Share:

Bài liên quan