Câu chuyện chuyển đổi số tại Olympia
23 Tháng 9, 2021
Covid – 19 xuất hiện và đảo lộn cách vận hành của thế giới theo chiều hướng tiêu cực. Giáo dục cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng: lịch học của học sinh liên tục bị thay đổi, các kế hoạch học tập trải nghiệm liên tục bị hủy, hoãn vì lý do đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Covid đã tạo một cú hích lớn cho ngành giáo dục trong quá trình chuyển đổi số (Digital Transformation).
Tại Olympia, xuyên suốt hành trình hơn mười năm qua, nhà trường liên tục học hỏi và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy cũng như vận hành trường học. Nhắc tới quá trình chuyển đổi số, đầu tiên sẽ là yếu tố quan điểm định hướng phát triển cũng như nền tảng công nghệ thông tin được ứng dụng. Năm 2020, đánh dấu một bước tiến lớn về quá trình chuyển đổi số khi Olympia lựa chọn mô hình Trường học của tương lai cho mọi định hướng hành động của mình trong giai đoạn 2020 – 2025. Một trong năm đặc điểm của mô hình trường học tương lai là Ứng dụng CNTT trong công tác dạy và học cũng như công tác quản lý, vận hành nhà trường. Từ đó, Ban chuyển đổi số Olympia ra đời, bắt đầu những chiến lược tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực, thay đổi căn bản cách thức vận hành, cung cấp các giá trị mới cho mọi đối tượng người dùng trong Nhà trường: từ dịch vụ xe buýt, điểm danh bằng faceID, quản lý mọi kế hoạch, quy trình vận hành các trường với nền tảng Base Wework, Base Workflow, Base Request/Booking, trang bị tài khoản Microsoft Office 365 bản quyền cho toàn bộ GVNV, huấn luyện và đào tạo phần mềm Teams cho đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường, quản lý và đánh giá chất lượng bằng một phần mềm riêng,…
Với các nền tảng công nghệ tiên tiến và ưu việt như trên, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, nhân viên vận hành một “trường học số” cũng được Olympia song song triển khai. Tháng 12/2018, Olympia phối hợp BGD tổ chức Hội thảo Quốc tế về dạy học hỗn hợp. Trong đó, mô hình lớp học đảo ngược được đưa vào chương trình huấn luyện, đào tạo chuyên sâu bởi chuyên gia sư phạm quốc tế cho toàn thể đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý liên tục các năm học tiếp theo, được thực nghiệm đối chứng thông qua giảng dạy. Buổi tọa đàm khoa học với chủ đề Ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược trong công tác dạy học ở cấp THCS được tổ chức tháng 3/2021 vừa qua cũng nằm trong chuỗi đào tạo năng lực chuyển đổi số của nhà trường. Tại đây, với sự hỗ trợ của CNTT các thầy cô đã thực hành công tác giảng dạy tại các bộ môn khác nhau: Toán, Ngữ Văn, Địa lý, Công nghệ, Tiếng Anh và thu được những hiệu quả tích cực, bên cạnh đó cùng chia sẻ, rút ra những bài học kinh nghiệm. Tất cả những kiến thức đó được chia sẻ với đông đảo cộng đồng giáo viên trong nhà trường để cùng học, cùng phát triển.
Hướng tới mục tiêu xây dựng một chương trình giáo dục mà ở đó việc dạy học phân hóa, dạy học lấy người học làm trung tâm đi theo chiều sâu, thiết kế được lộ trình xây dựng văn hóa học tập phù hợp với đặc điểm người học tại Olympia. Cùng với quan niệm người thầy trí tuệ, giáo dục nên những đứa trẻ trí tuệ, thì việc liên tục đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên luôn được chú trọng và đa dạng hóa hình thức tổ chức. Cuộc thi “Thiết kế bài giảng số - Dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” là một trong những hình thức thực hành rất thiết thực. Cuộc thi tạo ra bầu không khí hưởng ứng, cùng học hỏi về ứng dụng CNTT trong dạy học, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và nâng cao năng lực ứng dụng CNTT của các thầy cô, bước đầu xây dựng nguồn học liệu số, bài giảng số phục vụ công tác dạy học trong mọi hoàn cảnh của nhà trường. Đó còn là một sân chơi học thuật mới mẻ và đầy thử thách để hợp tác và phát triển chuyên môn, góp phần xây dựng văn hoá học tập suốt đời của cộng đồng Olympia, tạo cơ hội cho đội ngũ tiên phong chuyển đổi số nhà trường.
Với những đầu tư cùng lộ trình thực hiện bài bản cho công tác chuyển đổi số, Olympia tự tin sẽ tạo ra một môi trường học phù hợp cho các bạn học sinh thế hệ gen Z – những công dân số bẩm sinh, thế hệ cần được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống trong bối cảnh nhiều đổi thay nhanh chóng.
---
ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo,
Thành viên HĐCM Olympia, Thạc sĩ Ngôn ngữ gốc La tinh - Thạc sĩ sư phạm Đức ngữ Trường Đại học Kỹ thuật & Tổng hợp Dresden - CHLB Đức