undefined

Chấm dứt vòng tròn bạo lực học đường

13 Tháng 11, 2024

Bạo lực học đường thời gian gần đây đang diễn ra với tính chất, mức độ đáng lo ngại. Vấn nạn này gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với tâm lý và thể chất của học sinh, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục. Các vụ việc bạo lực không chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau mà còn có thể bắt nguồn từ áp lực học tập, mối quan hệ gia đình và cả xã hội. Việc nhận diện và ngăn chặn bạo lực kịp thời  là điều vô cùng cấp thiết để xây dựng một môi trường học đường an toàn, lành mạnh, nơi mọi học sinh đều được bảo vệ và phát triển toàn diện.

Hồi chuông cảnh tỉnh 

Theo ước tính của Viện nghiên cứu UNESCO (UIS) năm 2023, cứ 3 em học sinh thì sẽ có một em bị bắt nạt ở trường mỗi tháng. Bạo lực học đường đã trở thành một vấn đề nhức nhối không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Hiện nay, các vụ việc liên quan đến học sinh bị bạo hành về thể chất, tinh thần đang có xu hướng gia tăng. Điều này tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ cho nạn nhân mà cả cho cộng đồng học đường.

bao-luc-hoc-duong-01
Bạo lực học đường đã trở thành một vấn đề nhức nhối không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức bạo lực học đường ngày càng đa dạng, gây bức xúc trong dư luận. Bao gồm các biểu hiện từ bạo hành thể xác như đánh đập, xô xát đến bạo lực tinh thần qua việc trêu chọc, bắt nạt trên mạng xã hội. Điều đáng lo ngại hơn là không ít vụ bạo lực xảy ra mà không được xử lý kịp thời. Do đó, các vụ việc gây tổn hại lớn đến tinh thần và thể chất của học sinh.

Dấu hiệu nhận biết bạo lực học đường

Bạo lực học đường có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những hành vi nhỏ nhặt đến những sự việc nghiêm trọng. Để phòng tránh và can thiệp kịp thời, cha mẹ và thầy cô cần nhận biết các dấu hiệu của cả nạn nhân và những em có hành vi bạo lực.

Biểu hiện của trẻ bị bạo lực học đường

Thay đổi trong hành vi và tâm lý: Trẻ bị bạo lực học đường thường trở nên khép kín, ít nói và có xu hướng né tránh giao tiếp với gia đình và bạn bè. Trẻ có thể xuất hiện dấu hiệu trầm cảm, lo lắng hoặc cảm giác sợ hãi khi đến trường.

Tình trạng thể chất yếu đi: Nạn nhân của bạo lực học đường thường xuất hiện các vết bầm tím, thương tích mà không có lý do rõ ràng. Nếu thấy con cái mình liên tục bị đau hoặc có các vết thương bất thường, cha mẹ nên nghi ngờ về khả năng con đang bị bạo lực.

Sự giảm sút trong kết quả học tập: Trẻ em bị bạo lực thường mất tập trung trong việc học và dẫn đến kết quả học tập giảm sút nghiêm trọng.

bao-luc-hoc-duong-02
Trẻ em bị bạo lực thường mất tập trung trong việc học và dẫn đến kết quả học tập giảm sút nghiêm trọng.

Biểu hiện của trẻ là người bạo lực học đường

Hành vi hung hăng: Trẻ có hành vi bạo lực học đường thường thể hiện tính cách nóng nảy, dễ nổi giận, và có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết xung đột.

Thái độ thờ ơ với cảm xúc của người khác: Một trong những dấu hiệu rõ rệt của trẻ có xu hướng bạo lực là sự thiếu cảm thông đối với cảm xúc và hoàn cảnh của người khác.

Thường xuyên gặp rắc rối tại trường: Trẻ em có hành vi bạo lực thường xuyên bị thầy cô khiển trách hoặc dính vào các vụ tranh cãi, xô xát với bạn bè.

Bạo lực học đường, vì đâu nên nỗi?

Bạo lực học đường là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, từ ảnh hưởng của gia đình, nhà trường cho đến môi trường xã hội.

Sự quan tâm chưa đúng cách

Gia đình là nền tảng đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại quá bận rộn với công việc hoặc nuông chiều con cái một cách thái quá. Từ đó, phụ huynh không kiểm soát được hành vi của con. Một số phụ huynh khác gây áp lực học hành quá lớn, dẫn đến sự căng thẳng tâm lý ở trẻ. Việc thiếu sự quan tâm hoặc áp lực từ gia đình khiến học sinh dễ rơi vào trạng thái bế tắc, dễ dàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Chẳng hạn như những gia đình có bạo lực, mâu thuẫn liên tục, hoặc thiếu tình thương sẽ tạo ra áp lực tâm lý cho trẻ. Kết quả là trẻ có xu hướng trút bỏ sự tức giận và thất vọng lên người khác.

bao-luc-hoc-duong-03
Những gia đình có bạo lực, mâu thuẫn liên tục, hoặc thiếu tình thương sẽ tạo ra áp lực tâm lý cho trẻ.

Lỗ hổng trong giáo dục

Nhà trường cũng là nơi đóng vai trò chính trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho học sinh. Môi trường học đường hiện nay đôi khi chỉ tập trung vào thành tích, kiến thức mà bỏ qua việc giáo dục kỹ năng sống và khả năng ứng xử văn hóa. Điều này dẫn đến việc học sinh dễ bị lạc lối trong cách cư xử, không biết cách giải quyết mâu thuẫn một cách lành mạnh. Từ đó dẫn đến bạo lực.

Sự tràn lan của các thông tin tiêu cực

Môi trường xã hội hiện nay tràn ngập những thông tin tiêu cực, ví dụ như những hành vi bạo lực và mâu thuẫn đa chiều trên mạng xã hội. Học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước sự xô bồ của cuộc sống hiện đại. Sự lan tỏa của những hình ảnh bạo lực trên truyền thông, cùng với sự phổ biến của Internet và mạng xã hội, vô tình trở thành nguồn năng lượng tiêu cực đối với các em.

bao-luc-hoc-duong-04
Môi trường xã hội hiện nay tràn ngập những thông tin tiêu cực.

Các hình thức bạo lực học đường

Bạo lực học đường không chỉ giới hạn ở việc tấn công thể chất, mà còn có nhiều hình thức khác.

Bạo lực học đường bằng lời nói

Đây là hình thức bạo lực dễ bắt gặp trong môi trường học đường. Bạo lực bằng lời nói bao gồm những hành động như xúc phạm, sỉ nhục, đe dọa, trêu chọc hoặc đặt biệt danh không mong muốn. Những lời lẽ này thường hướng đến việc miệt thị ngoại hình, hoàn cảnh gia đình, hoặc đặc điểm cá nhân của trẻ.

bao-luc-hoc-duong-05
Bạo lực bằng lời nói là hình thức bạo lực dễ bắt gặp trong môi trường học đường.

Bạo lực học đường bằng thân thể

Bạo lực thể chất là một trong những hình thức bạo lực rõ ràng nhất. Nó có thể bao gồm các hành vi đánh đập, xô đẩy, bứt tóc, trấn lột tài sản hoặc ngược đãi thể chất khác. Bạo lực này không chỉ gây tổn hại về mặt sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của trẻ.

Bạo lực học đường xã hội

Bạo lực xã hội là hình thức bắt nạt tinh vi. Hình thức này thường diễn ra một cách kín đáo và khó nhận biết. Nó bao gồm những hành vi cô lập, xa lánh, lan truyền tin đồn xấu, nói xấu sau lưng hoặc chế giễu trẻ trước mặt bạn bè. Trẻ bị bạo lực xã hội thường cảm thấy lạc lõng, tủi thân. Và trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bị huỷ hoại danh dự và uy tín.

bao-luc-hoc-duong-06
Bạo lực xã hội là hình thức bắt nạt tinh vi.

Bạo lực học đường trên môi trường mạng

Bạo lực học đường trên mạng, hay còn gọi là "bạo lực mạng", phát triển mạnh mẽ trong thời đại công nghệ hiện nay. Hình thức này diễn ra qua các nền tảng mạng xã hội, email, diễn đàn trực tuyến, và các ứng dụng tin nhắn. Bạo lực mạng có thể bao gồm việc lan truyền thông tin sai lệch, đăng tải hình ảnh không đúng sự thật, gửi tin nhắn đe dọa hoặc tấn công tinh thần người khác qua các bài viết, video hoặc hình ảnh.

Bạo lực học đường và những hệ lụy lâu dài

Bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở hiện tại, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài đối với cả nạn nhân và người thực hiện bạo lực.

Những tổn thương về thể chất và tinh thần

Bạo lực học đường gây ra những tổn thương nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần cho các nạn nhân. Về mặt thể chất, những hậu quả có thể từ những vết bầm tím nhẹ đến các thương tích nghiêm trọng yêu cầu điều trị y tế. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bạo lực có thể dẫn đến cái chết của học sinh, để lại nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình và cộng đồng.

Tổn thương tinh thần từ bạo lực học đường cũng không kém phần nghiêm trọng. Những học sinh bị bạo lực tinh thần hoặc ngôn ngữ thường trải qua cảm giác tổn thương, chán nản, lo âu và suy sụp. Sự sợ hãi và nỗi ám ảnh về các kẻ bắt nạt có thể khiến trẻ em bị stress. Điều này dẫn đến tình trạng trầm cảm và cảm giác thấp kém kéo dài suốt đời. Kết quả là gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập. Nghiêm trọng hơn có thể khiến các em từ bỏ việc học hoặc mắc phải các vấn đề xã hội khi trưởng thành.

bao-luc-hoc-duong-07
Bạo lực học đường gây ra những tổn thương nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần cho các nạn nhân. 

 Thiếu sự lành mạnh trong môi trường học đường

Bạo lực học đường không chỉ gây tổn hại đến các cá nhân mà còn làm suy giảm chất lượng môi trường học tập. Một môi trường học đường đầy căng thẳng và nỗi sợ hãi sẽ làm cho học sinh không cảm thấy an toàn trong chính ngôi trường của mình. Nhiều học sinh từ chối đến trường vì sợ bị trêu chọc hoặc đánh đập. Điều này dẫn đến việc giảm chất lượng giáo dục và thành tích học tập.

Tình trạng bạo lực cũng ảnh hưởng đến danh tiếng và hiệu quả dạy học của nhà trường. Khi bạo lực diễn ra, không khí học đường trở nên nặng nề và căng thẳng. Điều này làm giảm động lực học tập của học sinh và gây khó khăn cho giáo viên trong việc duy trì một môi trường giáo dục tích cực. Hành vi bạo lực của giáo viên cũng có thể làm giảm uy tín và danh dự của họ. Từ đó gây ảnh hưởng đến sự tin tưởng của học sinh và phụ huynh.

Làm lu mờ giá trị đạo đức tốt đẹp

Bạo lực học đường còn làm suy giảm những giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống của xã hội. Xã hội Việt Nam vốn có nền văn hóa truyền thống với những lễ nghi và chuẩn mực đạo đức cao đẹp. Tuy nhiên, sự xuất hiện và gia tăng của bạo lực học đường đang dần làm lu mờ những giá trị này. Những hành vi như cãi lại thầy, đánh thầy, hoặc đánh nhau giữa học sinh không chỉ làm giảm sự tôn trọng các giá trị truyền thống mà còn thể hiện sự suy đồi về mặt đạo đức.

Sự suy giảm này không chỉ ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống mà còn làm mất trật tự xã hội. Những vụ bạo lực học đường không chỉ xảy ra trong khuôn viên nhà trường mà còn ngoài trường học. Những vụ việc này làm gia tăng sự lo lắng và bất an trong cộng đồng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tình trạng này có thể làm "ô nhiễm môi trường xã hội". Từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và văn hóa của cả quốc gia.

Chấm dứt vòng tròn bạo lực - vì một môi trường giáo dục lành mạnh

Học cách lên tiếng khi chứng kiến bạo lực

Trong nhiều trường hợp, bạo lực học đường xảy ra mà không ai lên tiếng hoặc can thiệp. Điều này không chỉ khiến vấn đề không được giải quyết mà còn tiếp tục duy trì vòng tròn bạo lực. Học sinh cần được trang bị kiến thức để phân biệt giữa các xích mích thông thường và các hành vi có nguy cơ trở thành bạo lực. Việc giáo dục các em về cách lên tiếng và báo cáo khi chứng kiến bạo lực là vô cùng quan trọng. Không chỉ là một cách bảo vệ bản thân mà còn giúp bảo vệ bạn bè và giữ vững một môi trường học đường an toàn.

bao-luc-hoc-duong-08
Việc giáo dục các em về cách lên tiếng và báo cáo khi chứng kiến bạo lực là vô cùng quan trọng. 

Cha mẹ học cách làm bạn cùng con

Bên cạnh việc hỗ trợ về mặt học thuật, cha mẹ cần học cách làm bạn và lắng nghe tâm sự của con cái. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh không chia sẻ được khó khăn với cha mẹ. Bởi sự thiếu thời gian và sự bận rộn của người lớn. Cách tiếp cận và tâm sự giữa cha mẹ và con cái cũng cần điều chỉnh sao cho phù hợp với tâm lý và nhu cầu của trẻ. Khi trẻ cảm thấy an toàn và có thể chia sẻ mọi điều với cha mẹ, áp lực tâm lý sẽ giảm bớt. Từ đó hạn chế nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực.

Coi trọng giáo dục đạo đức

Hiện nay, giáo dục đạo đức thường bị xem nhẹ trong nhà trường. Trong khi đây là yếu tố then chốt để hình thành nhân cách và phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Môn Giáo dục công dân cần được coi trọng. Môn học này không chỉ dạy các nguyên tắc đạo đức cơ bản, mà còn phải trang bị cho học sinh những kỹ năng xã hội và kỹ năng xử lý tình huống khi đối mặt với xung đột. Bên cạnh đó, việc mở rộng các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ kỹ năng sống cũng là cách giúp học sinh rèn luyện nhân cách và biết cách ứng xử trong môi trường xã hội phức tạp.

bao-luc-hoc-duong-09
Giáo dục đạo đức là yếu tố then chốt để hình thành nhân cách và phát triển kỹ năng sống cho học sinh. 

Tăng cường sợi dây liên kết giữa gia đình và nhà trường

Sự kết nối giữa nhà trường và phụ huynh cần được thắt chặt hơn bao giờ hết. Không chỉ là việc tham dự các buổi họp phụ huynh, mà phụ huynh và giáo viên cần thường xuyên trao đổi về quá trình học tập và phát triển của con em mình. Qua đó, cả hai bên sẽ có cái nhìn toàn diện và cùng nhau tìm ra các biện pháp tốt nhất để hỗ trợ học sinh. Phụ huynh cần dành thời gian tham gia các hoạt động của trường, lắng nghe ý kiến từ giáo viên và đồng thời đóng góp vào quá trình giáo dục học sinh.

The Olympia Schools - Môi trường học tập lành mạnh, nói không với bạo lực học đường

The Olympia Schools là một trong những trường học tiên tiến tại Việt Nam. Trường Olympia luôn chú trọng xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh và thân thiện, nơi mà bạo lực học đường không có chỗ đứng.

Tại trường Olympia, sức khỏe tinh thần của học sinh được coi là ưu tiên hàng đầu. Nhà trường không chỉ tập trung vào việc giảng dạy mà còn chú trọng đến việc xây dựng Phòng Tâm lý học đường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe tâm thần. Từ đó nhà trường có thể tạo dựng môi trường học tập thuận lợi. Nơi học sinh có thể phát triển tối đa tiềm năng của mình.

bao-luc-hoc-duong-10
Tại trường Olympia, sức khỏe tinh thần của học sinh được coi là ưu tiên hàng đầu.

Chức năng của phòng Tâm lý học đường

Cấp độ toàn trường

Phòng Tâm lý học đường triển khai các chương trình phòng ngừa bạo lực và nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho toàn bộ học sinh. Chương trình này bao gồm các giờ học về kỹ năng cảm xúc - xã hội. Điều này giúp học sinh nhận diện và quản lý cảm xúc của mình một cách hiệu quả. Các hoạt động được lồng ghép vào chương trình học tập chính thức và sinh hoạt ngoài giờ lớp để đảm bảo tính liên tục và hiệu quả.

Cấp độ nhóm

Tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhóm để giải quyết các vấn đề cụ thể mà học sinh gặp phải bao gồm các vấn đề học tập và mối quan hệ xã hội. Những hoạt động này được thiết kế để khuyến khích sự tương tác tích cực và giải quyết xung đột trong nhóm.

bao-luc-hoc-duong-11
Tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhóm để giải quyết các vấn đề cụ thể mà học sinh gặp phải bao gồm các vấn đề học tập và mối quan hệ xã hội. 

Cấp độ cá nhân

Thực hiện các can thiệp cá nhân hóa cho học sinh cần sự hỗ trợ đặc biệt. Các can thiệp này bao gồm tư vấn, trị liệu và kế hoạch hỗ trợ dài hạn. Cách tiếp cận và giải quyết được điều chỉnh dựa trên các đánh giá chuyên sâu về từng học sinh.

Nguyên tắc hỗ trợ và tư vấn

Phòng Tâm lý học đường tại Olympia tuân thủ các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo chất lượng dịch vụ tư vấn:

Lắng nghe và tôn trọng

Trường cam kết lắng nghe và tôn trọng tất cả các ý kiến và quan điểm của học sinh, phụ huynh và giáo viên mà không có sự đánh giá. Mọi người đều được khuyến khích chia sẻ ý kiến và cảm xúc của mình trong một môi trường an toàn và tôn trọng.

Bảo mật thông tin

Sự riêng tư của học sinh, phụ huynh và giáo viên là rất quan trọng. Phòng Tâm lý học đường cam kết giữ bí mật mọi thông tin chia sẻ. Trường đảm bảo rằng tất cả các vấn đề được xử lý một cách bảo mật và an toàn.

Cung cấp giải pháp

Đến với phòng Tâm lý học đường, các bên liên quan không chỉ được lắng nghe mà còn nhận được các giải pháp cụ thể cho các vấn đề tâm lý. Trường cung cấp thông tin cập nhật và các kế hoạch hành động để giải quyết các tình huống cụ thể.

Làm việc theo quy trình

Mọi hoạt động tư vấn và hỗ trợ đều được thực hiện theo quy trình năm bước khép kín. Bao gồm phỏng vấn, đánh giá, lập kế hoạch và theo dõi. Quy trình này đảm bảo tính khoa học và hiệu quả trong việc hỗ trợ học sinh.

Phòng ngừa và giáo dục - Tiến đến một môi trường học tập tích cực

Một trong những ưu tiên chính của Phòng Tâm lý học đường tại Olympia là triển khai các chương trình phòng ngừa bạo lực học đường và nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần. Các chương trình này bao gồm:

  • Giáo dục cảm xúc - xã hội: Các giờ học và hoạt động về kỹ năng cảm xúc - xã hội giúp học sinh phát triển khả năng giao tiếp, giải quyết xung đột và quản lý cảm xúc.
  • Hoạt động ngoài giờ: Tổ chức các dự án sức khỏe tâm thần, Câu lạc bộ Tâm lý học, dự án chăm sóc sức khỏe tinh thần GVNV và các hội thảo dành cho phụ huynh, học sinh.
bao-luc-hoc-duong-12
Một trong những ưu tiên của Olympia là triển khai các chương trình phòng ngừa bạo lực học đường và nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần.

Đánh giá và sàng lọc - Đảm bảo hỗ trợ tối ưu

Mỗi năm học, phòng Tâm lý học đường tiến hành sàng lọc học sinh dựa trên công cụ đánh giá tâm lý. Dữ liệu từ sàng lọc kết hợp với thông tin từ giáo viên và phụ huynh giúp xác định những học sinh cần sự hỗ trợ đặc biệt. Những học sinh này sẽ được đánh giá sâu hơn và xây dựng kế hoạch hỗ trợ cá nhân hóa. Can thiệp chuyên sâu giúp các em giải quyết các vấn đề cụ thể như cảm xúc, hành vi và mối quan hệ.

The Olympia Schools cam kết duy trì một môi trường học tập an toàn và hỗ trợ. Với những chính sách và hoạt động cụ thể, trường không chỉ tạo ra một không gian học tập hiệu quả mà còn đảm bảo mọi học sinh được phát triển toàn diện về cả mặt học tập và sức khỏe tâm thần. Olympia không chỉ nói không với bạo lực học đường mà còn cam kết tạo ra một môi trường học tập tích cực và an toàn cho tất cả học sinh.

----------------------

TRƯỜNG PHỔ THÔNG LIÊN CẤP SONG NGỮ OLYMPIA

Tiên phong trong xây dựng và đổi mới chương trình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực tại Việt Nam, Olympia tự hào là đơn vị dẫn đầu trong tiếp cận và vận dụng các nội dung, phương pháp giáo dục hiện đại của thế giới để học sinh Olympia tự tin bước ra thế giới với tri thức, kĩ năng, phẩm chất và năng lực của những công dân toàn cầu, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt.
Địa chỉ: Khu đô thị mới Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 093 4525 889
Website: https://theolympiaschools.edu.vn/

Share:

Bài liên quan