Chuyến đi trải nghiệm nhiều năng lượng và giàu cảm xúc ở thủy điện Hòa Bình của Olympians K9
29 Tháng 10, 2022
Những tuần này, trong 2 môn Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lí, Olympians K9 đang học các nội dung về: năng lượng; sản xuất điện năng - thủy điện - năng lượng tái tạo; chu trình carbon và sự ấm lên của trái đất; sông ngòi Việt Nam; các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp... Một dự án tích hợp liên môn mang tên “Thủy điện và sự phát triển bền vững” theo đó đã được ra đời, tạo cơ hội để các bạn liên kết - tổng hợp kiến thức và vận dụng những gì đã được học vào xem xét-giải quyết vấn đề của thực tế cuộc sống. Đó là vấn đề khai thác và sử dụng năng lượng thủy điện trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam nói riêng, cũng như trên thế giới nói chung.
Để thực hiện dự án trên, trong các giờ trên lớp, Olympians K9 chia theo nhóm 5-6 bạn đã cùng tìm hiểu những vấn đề về thủy điện Hòa Bình, như: quá trình xây dựng, lợi ích, tác hại… để trả lời cho câu hỏi: “Có nên xây dựng thủy điện hay không”. Báo cáo bước 1 này của nhóm sau đó được thuyết trình trước lớp để các bạn cùng phân tích, đánh giá, từ đó nắm rõ kiến thức cần học hơn và làm tiền đề cho chuyến trải nghiệm thực tế tại thủy điện Hòa Bình ngày 28/10 vừa qua, cũng như để chuẩn bị cho tham luận/phim tài liệu báo cáo kết thúc dự án.
Ngày trải nghiệm thực tế ở thủy điện Hòa Bình, Olympians K9 đã vô cùng thích thú khi được nhìn tận mắt, chạm tận tay, lắng nghe chính những con người làm việc tại nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á chia sẻ về quá trình xây dựng - vận hành - các nhiệm vụ trọng yếu của công trình thế kỷ này. Không chỉ được thăm bảo tàng lịch sử với rất nhiều hình ảnh, hiện vật của quá trình xây dựng nhà máy vừa hào hùng, vừa gian truân; thăm hệ thống máy biến áp khổng lồ sừng sững giữa đất trời - dẫn điện từ nhà máy tới 63 tỉnh thành trên cả nước; các học sinh còn được “đi sâu vào lòng núi” để tận mắt chứng kiến những tổ máy của thủy điện Hòa Bình đang hoạt động ra sao. Buổi thảo luận với chuyên gia làm đầy và sâu thêm kiến thức về nhà máy thủy điện này, mà những trang sách giáo khoa, tài liệu trên internet hay cả chia sẻ trên lớp của thầy cô cũng chưa “chạm” hết được.
“Con đã hiểu được rõ cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của nhà máy thủy điện Hòa Bình; biết được vì sao ống dẫn nước của nhà máy lại hình xoắn ốc với kích thước 2 đầu nước vào-ra khác nhau; biết 4 nhiệm vụ của thủy điện Hòa Bình đối với cuộc sống người dân, và vai trò trọng yếu của nhà máy trong cung cấp điện cho cả nước hiện nay”, Nguyễn Việt Đức (lớp 9T3) nói. Em cho biết, trước khi tới buổi trải nghiệm, em luôn nghĩ nhiệm vụ hàng đầu quan trọng nhất của thủy điện Hòa Bình, cũng như bất kỳ nhà máy điện nào khác, là cung cấp điện. Tuy nhiên, qua chia sẻ của chuyên gia làm việc tại nhà máy, em mới biết lý do hàng đầu và là nhiệm vụ quan trọng nhất được đặt ra khi xây dựng thủy điện Hòa Bình là trị thủy - chống lũ - bảo vệ cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ và hạ lưu sông Đà biết bao năm mang thiên tai, thiệt hại cho người dân.
Olympian Phạm Nguyên Minh Anh nhờ chuyến học tập thực tế ở Hòa Bình, cũng nắm sâu, nhớ kỹ và có nhiều thông tin hơn để lập luận cho quan điểm của mình liên quan đến câu hỏi “có nên xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình” và cần sử dụng nguồn năng lượng thế nào để phát triển bền vững. Em cho biết, rất thích cách học theo dự án và học qua trải nghiệm như thế vì tạo được cảm hứng và mang lại hiệu quả hơn là chỉ ở trên lớp xem hình ảnh, thông tin qua các slide. “Ở trên lớp, có những lúc chúng em chẳng thể nghe học tập trung và học xong thì không nhiều thứ còn đọng lại trong tâm trí. Nhưng khi được đến tận nơi mình cần tìm hiểu, được đi xung quanh và khám phá mọi thứ từ thực tế bằng chính đôi mắt của mình, được tiếp xúc, trao đổi với những người làm việc trực tiếp tại nhà máy… em cảm thấy rất hứng thú đối với việc học, có thể ghi nhớ tốt và đặc biệt lưu lại trong lòng nhiều cảm xúc, ấn tượng với những gì học được từ chuyến đi này”, Minh Anh chia sẻ.
Và đối với rất nhiều Olympians K9, ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc nhất từ chuyến trải nghiệm học tập thực tế tại thủy điện Hòa Bình, lại đến từ câu chuyện về 168 cán bộ, công nhân Việt Nam và Liên Xô (trước đây) đã hy sinh cho công trình thế kỷ mà họ tham gia xây dựng với tâm niệm “vì tương lai của Việt Nam chúng ta”. Thắp nhang bên từng “tấm bia” của người đã khuất; đọc lên từng cái tên, tuổi đời, quê quán… của các anh, các bác; Olympians bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng và ngưỡng mộ đức hi sinh vì dân tộc, ý chí anh dũng của thế thệ cha anh. “Tương lai của Việt Nam mà các anh, các bác nhắc đến khi tham gia xây dựng thủy điện Hòa Bình ấy, có em ở trong đó. Và khi nghe-đọc được dòng chữ này, em thấy vừa tự hào, biết ơn thế hệ đi trước, vừa thấy mình cần có trách nhiệm hơn với đất nước, quê hương; trách nhiệm từ những việc đơn giản nhất như sử dụng tiết kiệm điện để san sẻ nguồn năng lượng này tới những nơi còn thiếu thốn tại Việt Nam”, Nguyễn Việt Đức lớp 9T3 chia sẻ.