undefined

Chuyển đổi số tại Olympia: Từ chương trình công dân số tới IOT trong trường học

23 Tháng 9, 2021

Chuyển đổi số không đơn thuần chỉ nằm ở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; đó là một là sự “chuyển đổi” trong nhận thức của học sinh về công nghệ cũng như việc học sinh được tiếp cận trực tiếp với công nghệ ở những tầm cao mới.

Trong dòng câu chuyện về chuyển đổi số tại trường PTLC Olympia, chúng tôi có dịp trò chuyện với các thầy cô ở tổ Tin học. Nếu ở các bộ môn xã hội khác, chuyển đổi số mới dừng ở việc ứng dụng các phần mềm công nghệ thì với bộ môn Tin học, chuyển đổi số diễn ra sâu rộng và toàn diện hơn. Con đường chuyển đổi số không thể thấy rõ chỉ trong vòng vài tháng nhưng những bước đi vững chắc ban đầu của thành viên tổ Tin đang tạo ra động lực thay đổi trên quy mô toàn trường.

 

 

“Safe and sound, enjoy your digital life”

Đó là tên một dự án đang được triển khai bởi tổ Tin nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về việc sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, cách ứng xử trên mạng xã hội, quản lý thời gian sử dụng công nghệ phù hợp cũng như điều tiết cảm xúc của bản thân trên không gian mạng. 

“Sự hiện hữu của mạng xã hội với đời sống học sinh ngày càng sâu rộng đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Chúng tôi nhận ra học sinh giờ đây ít kết nối với nhau hơn khi ra chơi mà thường dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại. Trong giờ tin học, chỉ lơ đãng một chút thôi là nhiều học sinh cũng chuyển qua chơi game. Hơn nữa, khi quan sát học sinh giao tiếp trên mạng xã hội, những ngôn từ không tích cực xuất hiện nhiều cùng các lỗ hổng về thông tin/bảo mật trong cách học sinh sử dụng mạng xã hội là điều chúng tôi trăn trở”, cô Thanh Hương - giáo viên tin học chia sẻ. 

Chuyển đổi số không chỉ là sự thay đổi về mặt công nghệ; nó cần được hiểu rộng hơn là cả sự “chuyển đổi nhận thức” khi sử dụng các nền tảng công nghệ. Dự án “Safe and sound, enjoy your digital life” là cách để thay đổi nhận thức của học sinh trong vấn đề này.

 

An toàn trên không gian mạng và hiểu biết về mạng xã hội là kỹ năng quan trọng được trang bị cho học sinh Olympia.

 

“Chúng ta vẫn nghĩ an ninh mạng hay kiểm soát cảm xúc trên không gian mạng là điều mới mẻ với học sinh hay chưa thực sự quan trọng ở thời điểm này. Tuy nhiên, chỉ một ví dụ nhỏ thôi là nhiều trường đại học cũng sẽ kiểm tra mạng xã hội của học sinh khi nộp học bổng, nếu học sinh có một bài luận hoàn thảo nhưng “bài luận” trên Facebook chứa đầy những ngôn từ kích động, nội dung không phù hợp, nó cũng sẽ ảnh hưởng tới các bạn rất nhiều”, cô Hương nhấn mạnh. 

Chương trình được chia làm 3 giai đoạn chính: (1) Giới thiệu về dự án, mục tiêu và phát động sự quan tâm của học sinh; (2) tổ chức các gameshow và hoạt động để học sinh tham gia trong giờ chào cờ và (3) Tiếng nói học sinh về mạng xã hội. Qua thời gian triển khai, các nội dung quan trọng đã được đưa vào trong mỗi giờ chào cờ bao gồm:

  1. Dấu chân kỹ thuật số (Footprint là gì? “dấu chân” trên mạng xã hội sẽ lưu vết như nào? bạn đang để lại những thông tin gì khi sử dụng mạng xã hội?)
  2. Cân bằng phương tiện và cảm xúc (Hiểu được việc tâm trạng của các bạn trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mọi người, nhận ra và biết cách cân bằng cảm xúc)
  3. Mối quan hệ và giao tiếp (Làm sao để giao tiếp hiệu quả trên mạng xã hội? Các mối quan hệ trên mạng xã hội có gì cần lưu ý?)
  4. Quyền riêng tư và bảo mật (Chúng ta đang làm gì để bảo mật thông tin cá nhân trên mạng xã hội hiệu quả?)


Kết thúc giai đoạn hai, học sinh sẽ chuyển qua giai đoạn ba với các hoạt động chia sẻ, làm video nói về trải nghiệm sử dụng mạng xã hội cá nhân, thể hiện tiếng nói của bản thân và rút ra những bài học cần thiết sau toàn bộ dự án. 

“Trao công cụ cho học sinh để trở thành các công dân số hay tạo ra một môi trường số hóa cho học sinh không phải điều khó khăn nếu vấn đề chỉ dừng lại ở câu chuyện nguồn lực. Để thực sự hình thành và phát triển một công dân số, các em phải hiểu thấu đáo được những cơ hội và thách thức khi bước vào thế giới số, sẵn sàng chuyển đổi tư tưởng, hiểu được quyền và nghĩa vụ của bản thân trên không gian mạng. Thế giới mạng không phải là một thế giới “ảo”, các công dân số cũng có những điều cần tuân thủ như những công dân ngoài đời thực. Chính vì vậy, việc học sinh có thể tham gia và nắm bắt được kiến thức về an ninh mạng có ý nghĩa rất lớn với các bạn trên nhiều phương diện.”

Từ IOT đến lập trình giải toán

Nếu như cách đây vài năm, những thành tích của học sinh Olympia đến chủ yếu từ các bộ môn nghệ thuật, toán học, tiếng Anh, tranh biện hay thể thao thì giờ đây, học sinh và các phụ huynh có thể tự hào khi Tin học đã trở thành một điểm sáng mới với giải đồng tại giải Lập trình giải Toán quốc gia GMCC của học sinh khối 8, khối 5-6 và khối 10-11. Tháng 8/2021, các bạn sẽ bước vào vòng loại quốc gia để giành cơ hội cho tấm vé ra đấu trường quốc tế. Chia sẻ về thành tích trên, thầy Trần Quốc Thư từ tổ Tin học cho biết.

“Giải thưởng của các bạn học sinh không đơn thuần là một thành tích; chúng tôi mong muốn mọi người nhìn thấy ở đó một tín hiệu tích cực khi học sinh nhận ra được tầm quan trọng của công nghệ thông tin với cuộc sống cũng như việc nhà trường nghiêm túc triển khai đầu tư phát triển năng lực của học sinh. Trên thực tế, công nghệ thông tin, lập trình đều là các năng lực cần thiết trong kỷ nguyên số như hiện nay.”

Công nghệ thông tin ở Olympia không gói gọn trong những slide dạy học, ứng dụng Kahoot hay phần mềm School Online. Ở mức độ cao hơn, học sinh đã được tiếp cận với học lập trình dựa khung chương trình của bộ giáo dục và chương trình của hệ Cambridge. Các thầy cô sau đó sẽ lựa chọn ra các ngôn ngữ lập trình mới, đảm bảo đi từ cơ bản tới nâng cao (Python, C++) để học sinh có thể làm quen trong môi trường phổ thông. 

“Học sinh đã biết tới IOT (Internet of Things) ngay từ những năm cấp hai. Thay vì đưa ra các kiến thức khô khan, chúng tôi giúp học sinh hiểu ứng dụng của công nghệ trong đời sống; học sinh được thực hiện các dự án như xe tự động, ngôi nhà thông minh, hệ thống tưới nước tự động hay máy nhúng trà. Đó đều là những công việc thật với thành quả thật; hiện tại học sinh khối 7 đang học về nhà minh với hệ thống cảm biến ánh sáng tự động còn học sinh khối 9 đã bắt đầu được học lập trình mạch qua app điện thoại cho hệ thống tưới tự động tại vườn trường Olympia,” cô Hương chia sẻ. 

 

Dự án nhà thông minh của các bạn học sinh Olympia.

 

Với học sinh Trung học phổ thông, các thầy cô đã bắt đầu dạy lập trình căn bản, lập trình game dựa trên các mã nguồn có sẵn, lập trình để giải toán kinh tế, toán liên quan tới đời sống từ dễ đến khó tùy vào cấp học. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, học sinh cũng đã được tiếp cận với việc viết code cho Web ở mức đơn giản.

“Môn học lập trình chỉ mới đưa vào trong thời gian gần đây, thu hút được sự yêu thích của nhiều học sinh. Hiện tại, chúng tôi mới dừng ở lập trình cơ bản, chưa tiến tới lập trình nâng cao (lập trình ứng dụng, lập trình phần mềm). Tuy nhiên, nhìn những bước đi vững chắc của cả nhà trường và học sinh ở hiện tại, chúng tôi tin rằng IT sẽ không còn là nỗi sợ của học sinh và am hiểu công nghệ thông tin thực sự trở thành kỹ năng được đào tạo bài bản mà học sinh Olympia có thể tự hào.”

 

 

 

 

 

Share:

Bài liên quan