Những “nan quạt” trong hệ thống đào tạo giáo viên
23 Tháng 9, 2021
Mỗi giáo viên là một mắt xích quan trọng trong sự phát triển mỗi ngày và bền vững của học sinh. Tại Olympia, mỗi thành viên được tạo cơ hội tốt nhất để phát triển cả về nghề nghiệp cũng như phát triển bản thân. Với định hướng phát triển theo mô hình trường học của tương lai, người giáo viên chính là những người đóng vai trò điều phối, truyền cảm hứng và cùng đồng hành thay vì vai trò độc tôn truyền tải tri thức như truyền thống. Điều này đòi hỏi sự phát triển và nỗ lực vượt bậc trong việc trau dồi năng lực từ chính mỗi giáo viên và từ cả tổ chức.
Sau hơn 10 năm thành lập, chúng tôi mong muốn được chia sẻ lại MÔ HÌNH ĐÀO TẠO CHIẾC QUẠT trong công tác xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo của Nhà Trường.
Chiếc quạt của Olympia có 4 nan chính tương đương với 4 cấp học: Tiền Tiểu học- Tiểu học- THCS- THPT, với nội dung đào tạo được phân bổ theo nhiều cấp: cấp tổ bộ môn, cấp trường và cấp liên trường. Chúng tôi đề cao các giá trị kết nối và hợp tác, như những nan quạt xếp cạnh nhau chặt chẽ, bổ sung và hoàn thiện lẫn nhau để tạo nên một hệ thống bền vững.
Dựa theo nhiệm vụ trọng tâm của năm học, kết quả khảo sát nhu cầu và các vấn đề chung qua các báo cáo chất lượng giáo viên, chất lượng giảng dạy, chúng tôi xác định mục tiêu và nội dung đào tạo chung cho chương trình đào tạo cấp liên trường với đối tượng tham gia đông đảo là toàn bộ giáo viên, trợ giảng và các nhân viên quan tâm trực thuộc khối trường học. Ở quy mô đào tạo cấp trường hay cấp tổ bộ môn, quy trình vẫn tiếp tục được giữ vững.
Tuy nhiên, ở quy mô cấp trường và tổ, một số hình thức đào tạo được bổ sung nhằm thúc đấy phát triển năng lực cá nhân cho đội ngũ giáo viên: tự học, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng hay sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề, đào tạo 1:1, tham dự các khóa đào tạo chuyên môn online hoặc offline từ các nguồn lực bên ngoài. Mỗi hoạt động đào tạo đều có mục tiêu phát triển phân tầng rõ ràng, kết nối chặt chẽ với nhau, với các vấn đề cần giải quyết và các nhu cầu phát triển liên tục của đội ngũ.
Tại Olympia, thầy và trò đều xác định rõ lấy học tập làm trọng tâm, và học tập được hiểu là quá trình tiếp nhận và tạo nên sự thay đổi về nhận thức và hành vi. Ở đó, mỗi người là chủ thể của quá trình học tập của chính mình. Để hiện thực hoá được điều này, mỗi người dạy đều ý thức trong mỗi giáo án, mỗi tương tác với người học cả trong và ngoài lớp học với các khía cạnh quan trọng của quá trình này: tham gia chủ động, xây dựng tri thức dựa trên những điều đã biết, theo cách thức và bối cảnh xã hội thực của các thành viên tham gia với động lực và nỗ lực trí tuệ học tập mạnh mẽ. Hiểu rõ điều đó, công tác đào tạo và phát triển đội ngũ ưu tiên phát triển năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ giáo dục. Chương trình đào tạo liên tục đặt trọng tâm bồi dưỡng hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực nhằm đạt được các yêu cầu phức hợp trong bối cảnh giáo dục và xã hội liên tục thay đổi.
Giáo viên Olympia trong buổi đào tạo Giáo viên Hiệu quả T.E.T
Tại sao chúng tôi chọn mô hình chiếc quạt để chia sẻ lại hơn 10 năm kinh nghiệm “trồng người” trong đội ngũ giáo viên của mình? Bởi ở tầng quy mô thứ 3 - cấp tổ bộ môn/nhóm hay cá nhân chúng tôi đề cao giá trị Kết nối và Hợp tác. Kết quả đào tạo liên tục được soi rọi qua chính 3 tầng bọc lớp, hỗ trợ nhau như chính quy mô đào tạo với 3 mục tiêu phát triển rõ ràng: đảm bảo, kiểm tra và kiểm định chất lượng đội ngũ, liên tục hỗ trợ phát triển. Sự phân vai thực hiện các mục tiêu này không chỉ thuộc trách nhiệm của quản lý cấp trường hay tổ bộ môn, mà mỗi người giáo viên đều biết kết nối - hợp tác với đồng nghiệp của mình để cùng soạn sửa bài dạy, học liệu, dự giờ và phản hồi xây dựng cho đồng nghiệp của mình- như sự đan kết của các nan quạt với nhau. Qua mỗi năm học, những đợt báo cáo rút kinh nghiệm định kỳ, chúng tôi liên tục Ngâm- Ngấm-Ngẫm những mục tiêu và mô hình giáo dục tiên tiến mình theo đuổi để nghiên cứu công cụ hỗ trợ mỗi giáo viên- nhân tố giáo dục quan trọng hàng đầu của Nhà trường được. Qua đó, mỗi giáo viên được phản chiếu và hỗ trợ trong lộ trình phát triển cá nhân của mình.
Tại Olympia, mỗi người thầy là một mắt xích quan trọng trong sự phát triển, tiến bộ mỗi ngày và bền vững của học sinh. Trò học, thầy càng cần học, và HỌC TẬP được hiểu là quá trình tiếp nhận và tạo nên sự thay đổi về nhận thức và hành vi, mà ở đó, thầy hay trò đều là chủ thể của quá trình học tập của chính mình. Nhiều năm, câu nói của Thomas Hobbes luôn hiện hữu trong mỗi cuốn sổ Đào tạo và Sinh hoạt chuyên môn của mỗi thầy cô, mỗi cán bộ quản lý Nhà trường: Học tập chính là sự sở hữu của trí tuệ. Cuốn sổ này mang theo những ghi chép, câu hỏi, vấn đề, dấu ấn của các thầy cô về hành trình tự phát triển, tự học, tự trải nghiệm và suy ngẫm chuyên môn của bản thân mỗi giáo viên. Chúng tôi tin rằng Học tập và Trí tuệ mang lại tự do và những chân trời tư duy mới.
Những hoạt động đào tạo vẫn sẽ được đẩy mạnh theo kế hoạch, cũng như sự kiên định trong việc suy tư về “Quo vadis? [1] – một câu hỏi khiến chúng tôi không ngừng trăn trở. Cũng như sự can đảm của thánh Phêrô để quay lại thành Roma chịu đóng định lần nữa; chúng tôi tin rằng, hành trình hiện thực hoá sứ mệnh về trường học của tương lai cũng cần nhiều can trường, dũng cảm và tiên phong như vậy.
--------------
[1] Quo Vadis? là một cụm từ tiếng Latinh có nghĩa là "Thầy/Bạn đi đâu?". Cụm từ này dùng để chỉ một câu chuyện được lưu truyền trong Kitô giáo, liên quan đến hành động của Thánh Phêrô. Đang khi chạy trốn để tránh khỏi việc bị kết án đóng đinh ở Rôma, Phêrô đã gặp Chúa Giêsu, ông hỏi Chúa: "Quo vadis, Domine?" ("Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?"), Chúa Giêsu trả lời: "Eo Romam crucifigi iterum" ("Thầy vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa"), ngụ ý nhắc nhở Phêrô phải can đảm tiếp tục sứ vụ của mình. Cuối cùng, ông đã quay trở thành Rôma để chịu kết án.