Đi tìm chân dung nhà giáo dục của thế kỷ 21: những con người phía sau mỗi lớp học Olympia
29 Tháng 9, 2021
Nơi hội tụ của năng lực và tâm huyết
Mỗi cá nhân khi bước vào con đường giáo dục sẽ mang theo bên mình những hoài bão, câu chuyện và ước mong riêng với sự nghiệp và với thế hệ trẻ. Để đứng trong hàng ngũ giáo viên của trường PTLC Olympia, ngoài chứng chỉ nghề từ các trường đại học lớn, các thầy cô đã vượt qua rất nhiều vòng kiểm tra, phỏng vấn, dạy thử với sự theo sát của đội ngũ chuyên môn. Tất cả các giáo viên Olympia đều có bằng đại học với 30% có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Trước khi dừng chân tại Olympia, dấu chân của giáo viên Olympia đã trải qua những vùng đất, những nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Từ Mỹ, Anh, Australia, Bắc Âu, Singapore và nhiều đất nước khác, họ đã trở về Olympia để gieo những hạt mầm tri thức và nhân văn cho học sinh.
Nhưng ngoài chuyên môn và kinh nghiệm, Olympia đặt ra yêu cầu rất cao với “cái tâm” của người thầy giáo. Thầy cô giáo của Olympia cần xác định một con đường định hướng giáo dục hiện đại, bền vững, lấy học sinh làm tâm. Một khi có tâm thế này, trường Olympia luôn đồng hành cùng giáo viên trong hành trình nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng chuyên môn.
Hành trình học tập suốt đời
Một ngày ở trường PTLC Olympia bắt đầu với hình ảnh các thầy cô trong Ban giám hiệu đứng trước cổng trường, tươi cười niềm nở chào đón học sinh. Khi những chị lao công dọn dẹp vào cuối ngày, vẫn là những người giáo viên ấy còn ngồi trong phòng làm việc, miệt mài chấm bài, soạn giáo án. Những buổi tối về với gia đình, ai đó vẫn trăn trở “Làm sao để bài giảng ngày mai xây dựng được năng lực công dân toàn cầu cho học sinh?”
Hành trình của mỗi người giáo viên, dù ở bất cứ đâu trên thế giới đều có những “giao điểm” như vậy. Họ hiểu một ngày của nhau bắt đầu như thế nào, kết thúc ra sao với lo toan, bộn bề và niềm say mê với công việc. Tại Olympia, mỗi người giáo viên còn đi trên một con đường dài hơn - con đường học tập suốt đời bắt đầu từ những bước chân đầu tiên tới với ngôi trường màu tím.
Xuyên suốt những năm tháng tại Olympia, các giáo viên luôn được đào tạo, bồi dưỡng liên tục. Thầy cô được tạo điều kiện để nâng cao kiến thức cả bên trong và bên ngoài nhà trường. Những chương trình trao đổi quốc tế, các hội thảo khóa học, các chương trình hè đã thực sự đem đến không chỉ kiến thức mà những cách tiếp cận giáo dục hiện đại, các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới. Không chỉ học sinh mà chính giáo viên mới là những người phải luôn tích cực, chủ động học tập suốt đời.
Dấn thân, sáng tạo và bản sắc Việt
Sự dấn thân của giáo viên luôn đi kèm với đổi mới, sáng tạo. Thầy cô ở Olympia không chờ đến một cuộc cải cách về sách giáo khoa hay đổi mới toàn ngành, họ say mê tìm tòi khám phá những phương pháp mới trong từng tiết học, tích hợp công nghệ với bài giảng, cùng học sinh chu du qua nhiều miền đất trong môn tiếng Anh, ngược dòng lịch sử bằng câu chuyện nhập vai. Cô Đặng Hương - thành viên Ban giám hiệu cấp Trung học cơ sở nói về niềm say mê sáng tạo của giáo viên như một niềm tự hào của Olympia.
“Chúng tôi có một thế giới công nghệ 4.0 trong môn toán, giờ học lý tưởng như khô khan lại sinh động dễ dàng khi được sân khấu hóa, học sinh dùng tiếng Anh tham gia mô phỏng tranh cử Tổng thống và biết lập profile Facebook cho danh nhân lịch sử. Có những giáo viên đã cống hiến với nghề hơn 10 năm, niềm nhiệt thành với công việc vẫn còn và quan trọng nhất, họ vẫn không ngừng say mê sáng tạo để mỗi bài học lại khiến học sinh ồ à trong niềm ngạc nhiên phấn khích.
Khi giáo viên bứt ra được vùng an toàn của bản thân để sáng tạo không ngừng, họ lại có thêm một lần để trưởng thành, vững tâm hơn với nghề giáo”. Công nghệ và tri thức số hóa trong giáo dục, có những thầy cô không quên gom đầy những chất liệu dân gian, văn hóa, bản sắc Việt để đưa vào trong từng tiết học. Chữ “Bản sắc” đã theo chân những người giáo viên Olympia từ ngày bước vào trường. Phải hiểu bản sắc Việt là gì, tự hào về danh tính con người Việt Nam trong mình, thầy cô mới gửi gắm được đến cho học sinh. Đi quanh trường Olympia, thỉnh thoảng người ta nghe thấy một tiếng xẩm chợ, những tiếng đàn T’rưng cất lên với thanh âm dân tộc. Từ Cổ Loa tới Hoa Lư Ninh Bình, từ Tây Nguyên Sử thi tới Huế trầm mặc, dấu chân của các học sinh và thầy cô Olympia in đậm trong hành trình đi tìm những giá trị văn hóa truyền thống, soi mình vào dòng chảy lịch sử Việt Nam.
“Anyone can teach”
Ở Olympia có hơn 150 giáo viên nhưng có tới hơn 300 nhà giáo dục. “Để nuôi một đứa trẻ, cần cả một ngôi làng”, câu nói của Hillary Clinton đang là câu chuyện thực tại trường Olympia. Vì những ngoài đội ngũ thầy cô giáo, tập thể nhân viên đều được định hướng trở thành những nhà giáo dục.
Đó là một môi trường giáo dục mà tính giáo dục không chỉ hiện diện trên bục giảng, trong mỗi lớp học mà cả trên hành lang, vườn trường, cổng bảo vệ. Sự xuất hiện của họ tại Olympia như một mảnh ghép không thể thiếu đối với một hành trình giáo dục. Họ là những cô tạp vụ, cô y tá, anh bảo vệ, những anh chị trong phòng dinh dưỡng, các cô monitor chuyên đón đưa học sinh mỗi ngày… Chúng ta và những học sinh có thể học được điều gì từ những nhà giáo dục như vậy?
Nhưng hãy thử ghé vào một lớp học tại trường Olympia, bạn sẽ nhận ra những điểm tương đồng của tập thể giáo viên, nhân viên ngôi trường này: Họ chào đón bạn bằng một nụ cười, đưa bạn qua mỗi tiết học bằng niềm say mê sáng tạo, trò chuyện với bạn bằng cái tâm và lý tưởng với nghề.
Nhìn hành lang, phòng học, sân chơi luôn sạch sẽ gọn gàng, học sinh hiểu rằng đó là nhờ những cô tạp vụ. Bài học về sự cần mẫn với công việc, bất cứ đêm ngày, nghỉ lễ hay ngày thường, được soi tỏ từ công việc của đội an ninh. Sự đúng giờ và cẩn trọng, các cô monitor ở Olympia là người hiểu rõ hơn ai hết… Sự lựa chọn bất cứ con người nào gia nhập vào đại gia đình Olympia đều lấy học sinh làm trung tâm với một câu hỏi trăn trở: Liệu những thành viên ấy có thể thực sự đem đến bài học cuộc sống gì cho học sinh không? Đến thời điểm hiện tại, câu trả lời vẫn là có. Những “nhà giáo dục” ấy vẫn âm thầm bền bỉ, gieo nững hạt mầm giáo dục trong cuộc đời các em.