undefined

Định hướng nghề nghiệp cho con trong thế giới biến động: “Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu con thất bại?”

23 Tháng 9, 2021

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm "Hướng nghiệp cho con trong thế giới biến động: Kế nghiệp hay lập nghiệp?" diễn ra tại trường PTLC Olympia ngày 21/05/2021, một vấn đề quan trọng được đưa ra xoay quanh tranh luận bố mẹ nên là người quyết định tương lai cho con cái hay để con cái tự quyết định hướng đi cho mình?

 

* VUCA: Từ viết tắt mang nghĩa chuyển dùng để miêu tả một thế giới biến động hiện tại với các đặc tính Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ) 

 

Với các bậc phụ huynh, một trong những câu hỏi quan trọng thường được đặt ra chính là: Liệu bố mẹ có nên định hướng nghề nghiệp cho con cái hay để con cái tự quyết định con đường tương lai cho mình? Và nếu định hướng cho con cái, mức độ can thiệp nên ở mức nào? Với sự xuất hiện của 4 chuyên gia, những vị khách mời đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và giáo dục, một bức tranh đa chiều được vẽ lên khi người xem có thể thấy những chiều kích khác nhau của việc bố mẹ tham gia vào quá trình hướng nghiệp cho con như thế nào.

 

 

Buổi tọa đàm với sự tham gia của Nhà báoTạ Bích Loan cùng các khách mời đặc biệt.


 

“Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu con thất bại”

 

“Nếu tôi thất bại trong cái nghề tôi thích mà tôi lựa chọn. Ít nhất thì tôi cũng thích vì lựa chọn của mình. Còn nếu tôi thỏa hiệp do tính toán hoặc do ai đó ảnh hưởng đến tôi mà tôi lại thất bại thì đó chính là “double fail” - 2 lần thất bại. Thà đi theo tiếng gọi của trái tim hoặc bản thân và thất bại, việc trả giá cho lựa chọn của mình rất là dễ. Nhưng khi anh phải trả giá cho lựa chọn của người khác, liệu bố mẹ có dám chịu trách nhiệm với con hết cuộc đời nếu con đi theo con đường đó và con thất bại?”

 

Lời chia sẻ của chị Đỗ Thùy Dương, CEO Công ty Hội tụ Nhân tài TalentPool từ bài phát biểu của Jim Carrey mang đến suy ngẫm cho phụ huynh về việc lựa chọn con đường tương lai cho con. Liệu phụ huynh có thể quyết định và theo con cái mãi với lựa chọn của mình? Trước đây, chúng ta thường định hướng cho con cái với câu hỏi “Làm nghề gì” nhưng câu hỏi phù hợp hơn với hiện tại sẽ là “Con muốn trở thành người như thế nào?”, “con muốn đời sống của con sau này trông sẽ ra sao?”. Làm nghề gì sẽ chỉ là câu hỏi sau chứ không phải câu hỏi đầu tiên cần bật ra trong đầu. Khi con trẻ đã mường tượng được một cuộc sống mong muốn, công việc sẽ là một trong rất nhiều “công cụ” để giúp con có được cuộc sống như mơ ước. 


Chị Đỗ Thùy Dương đặt ra câu hỏi, “Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu con thất bại”

 

Cùng chia sẻ với vấn đề trên, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, cho biết rằng dù làm gì đi chăng nữa cũng cần phải gắn với thực tế hiện nay của một xã hội VUCA. Thay đổi trên thế giới đang diễn ra rất nhanh với sự chuyển hóa của khoa học công nghệ nhanh chóng, sự bất ổn của thiên nhiên và không chắc chắn về môi trường sống. 

 

“Dù chọn nghề nào hay các con muốn trở thành ai thì trước hết, các con phải vững vàng trong cuộc sống. Khả năng vững vàng đó phải đến từ niềm tin của con với sự lựa chọn của mình. Chính vì thế, hướng nghiệp trong thế giới VUCA cũng cần thay đổi. Tôi rất thích câu hỏi “Làm thế nào ta biết được sự định hướng của mình phù hợp với xu thế của thời đại và của con” thay vì câu hỏi “Làm thế nào ta biết được sự lựa chọn của con phù hợp với định hướng của mình”. Như vậy con mới chịu trách nhiệm với những điều đó và khai thác khả năng của bản thân. Thế giới VUCA không nhằm cho bố mẹ định hướng các con. Sự phát triển của con sẽ khiến bố mẹ phải thăm dò xem định hướng của mình có phù hợp với năng lực của các con không.’’

 

 

Kế thừa hay thừa kế?

 

Ông Phạm Đình Đoàn, Tiến sĩ Kinh tế, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội Đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam cũng chia sẻ những góc nhìn riêng của mình. Theo ông Đình Đoàn, suy nghĩ của lớp trẻ dù ở phổ thông, đại học hay thậm chí sau khi ra trường vẫn còn có thể chưa chín chắn. Ý thích và suy nghĩ của các con là điều giúp chúng ta hiểu hơn về con nhưng chúng ta cần có cách định hướng phù hợp. Trích lời từ các nghiên cứu hiện nay, sự thành công phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi cá nhân chứ không chỉ riêng đam mê. Từ góc nhìn của ông Đoàn, đam mê chỉ là điều kiện đủ chứ cốt lõi phải là năng lực. Nếu được, có thể kết hợp những công việc vừa là đam mê của con, vừa đúng như định hướng của bố mẹ.

 

Với bà Hà Thu Thanh, khi định hướng cho con cái, dù là khởi nghiệp hay kế nghiệp, con cái phải xác định được mình đang lập nghiệp, phải tự tạo ra công việc của mình để thành sự nghiệp của bản thân. Muốn định hướng con làm gì thì phải xác định con trở thành ai. Trích từ nghiên cứu của Deloitte, bà Hà Thu Thanh đã tái định nghĩa lại từ kế nghiệp là “kế thừa những giá trị của gia đình, doanh nghiệp”. Kế thừa khác với thừa kế. Chuyện thừa kế tài sản khác với kế thừa giá trị nên khi nói về kế nghiệp, đó là kế thừa giá trị để duy trì phát triển chính doanh nghiệp đó hay mang giá trị đó để lập nghiệp. 

 

 

Theo ông Phạm Đình Đoàn, sự hướng nghiệp của bố mẹ là cần thiết khi con trẻ có thể đưa ra những quyết định chưa chín chắn khi còn thiếu trải nghiệm sống.


Tiếp lời bà Hà Thu Thành, chị Đỗ Thùy Dương cũng cho biết trao cho con quyền quyết định không có nghĩa là sẽ để con hoàn toàn một mình với quá trình định hướng tương lai. Điều thú vị nhất là cả hành trình bố mẹ đi theo cùng con, đưa ra cho con những lời khuyên. Quá trình tư vấn định hướng không chỉ giúp con có một cái nhìn rõ ràng hơn trong tương lai mà còn giúp bố mẹ hiểu hơn về con. 

 

“Không phải phụ huynh nào cũng có may mắn sở hữu một sản nghiệp cho con kế thừa nhưng phụ huynh nào cũng có những điều để con có thể kế thừa được.”

 

Cùng chia sẻ với vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc học thuật trường Olympia, cho biết trong suốt 15 năm làm việc với rất nhiều học sinh, khoảng trên 50% học sinh đi theo con đường rất khác với định hướng của bố mẹ, từ phổ thông lên đại học. Nhiều bạn thậm chí chuyển ngành trong đại học hay ra trường làm một điều khác. 

Đa dạng hóa trải nghiệm và kỹ năng quản lý cảm xúc là điều Tiến sĩ Chí Hiếu đánh giá cao trong hành trang hướng nghiệp với học sinh.


“Có hai điều theo tôi rất quan trọng. Thứ nhất, bản thân chúng ta ngồi đây không biết thế giới VUCA sẽ như thế nào. Chúng ta không thể nhìn thấy được tất cả những con đường, lựa chọn các bạn sẽ tiếp xúc trong thế giới này trong và tương lai, thậm chí lựa chọn đó còn chưa chắc đã tồn tại ở hiện tại. Vậy nên chúng ta không thể vẽ được một con đường quá rõ, thậm chí là 3,4 con đường vẫn còn ít với con trẻ. Cái chúng ta có thể cho con trẻ đầu tiên là những trải nghiệm, kết nối con trẻ với rất nhiều môi trường, con người ở rất nhiều điểm chạm. Biết đâu trong một điểm chạm nào đó, bạn nhận ra được đam mê và con đường của mình… Như khi tôi kết nối một học sinh Olympia với một nhà kinh tế của Facebook và nói về thuật số của Facebook, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tôi thấy mắt bạn không hề buồn ngủ trong 3 tiếng trên giảng đường… Đó là điểm chạm tôi biết đã lóe lên trong con người của bạn học sinh đó. 

 

Yếu tố quan trọng thứ hai là những năng lực cốt lõi có thể chuyển giao qua rất nhiều các ngành nghề trong tương lai cũng như những giá trị, phẩm chất chúng ta đem trao cho một đứa trẻ. Tôi không cần biết mai sau các con sẽ làm kiểm toán hay kế thừa gia đình nhưng một người trẻ trong thế giới VUCA mà không có kỹ năng quản lý cảm xúc và các mối quan hệ xã hội thì dù có thành phố đến mấy cũng rất dễ sụp đổ và dễ dẫn đến các quyết định sai lầm trong tương lai.

 

Hãy cho rất nhiều trải nghiệm vì biết đâu đó sẽ có những trải nghiệm chạm tới mỗi đứa trẻ. Và trong mỗi trải nghiệm của trẻ, hãy đặt câu hỏi rằng chúng ta đang trao cho đứa trẻ một cái năng lực, phẩm chất, tính cách, giá trị gì mà giúp đứa trẻ đứng vững trong thế giới VUCA.”


***

Mời quý vị xem lại toàn bộ bài chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình "Hướng nghiệp cho con trong thế giới biến động: Kế nghiệp hay lập nghiệp?" tại https://www.facebook.com/103386776380435/videos/246858870558792  

 

 

 

 

 

 

 

 

Share:

Bài liên quan