Hành trình đi tìm câu trả lời "Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc" của học sinh khối 10
28 Tháng 4, 2022
Chiều qua 27/4, Olympians khối 10 đã có buổi giao lưu cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam để tìm hiểu đặc trưng, sức sống của nghệ thuật Chèo dân gian trong đời sống đương đại. Thông qua hoạt động này, kết hợp với những kiến thức đã được tìm hiểu trước về đặc điểm nghệ thuật Chèo, phân tích hệ thống nhân vật, học một số trích đoạn Chèo, lên ý tưởng kịch bản cho vở diễn, Olympians có thể tìm thấy lời đáp cho câu hỏi: “Tôi là ai?”; “Tôi đến từ đâu?”; “Bản sắc dân tộc nơi tôi được sinh ra là gì?”…
Tại buổi giao lưu, TS. NSƯT Lê Tuấn Cường - PGĐ Nhà hát Chèo Việt Nam với cách chia sẻ vừa hàn lâm nhưng cũng đầy tính nghệ thuật và gần gũi, đã mang đến những thông tin chi tiết về lịch sử, chức năng, đặc điểm và giá trị của nghệ thuật Chèo. Theo đó, Chèo được hình thành từ thế kỷ 10, dưới thời nhà Đinh. Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) thời đó chính là đất tổ của loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian này. Chèo sau đó phát triển rộng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ và được nhân dân yêu thích, gìn giữ cho đến tận ngày nay.
Theo NSƯT Tuấn Cường, Chèo là một yếu tố quan trọng góp phần gây dựng nên văn hoá, bản sắc Việt. Đây là tấm gương phản ánh hiện thực thời đại dựa trên thứ ngôn ngữ văn chương riêng biệt, cùng cấu trúc làn điệu chặt chẽ. Chèo có cấu trúc phức tạp, tinh xảo tới từng bộ trang phục, cách diễn xuất và thần thái của diễn viên... Để thể hiện được những vấn đề của hiện thực thời đại ấy, kịch bản Chèo phải tuân thủ những giá trị âm nhạc, ngôn ngữ văn chương chặt chẽ và cấu trúc làn điệu độc đáo theo đặc trưng riêng biệt của loại hình nghệ thuật này.
Đan xen với phần trao đổi, giải đáp các câu hỏi mang tính hàn lâm, khoa học của NSƯT Tuấn Cường, nghệ sĩ Chèo Trần Thục Hiền khiến Olympians khối 10 xúc động bởi “chuyện đời” của người nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do sự du nhập của văn hóa phương Tây cùng các những trào lưu âm nhạc hiện đại. Dù có nhiều bất lợi, đôi lúc là cả sự thiệt thòi, nhưng nghệ sĩ Chèo nói riêng và tất cả những người đang theo đuổi các loại hình nghệ thuật dân gian nói chung, vẫn nỗ lực rèn luyện, “cháy” hết mình cùng đam mê trên sân khấu để truyền tải tới khán giả cái hay - cái đẹp của văn hóa truyền thống, cũng như thực hiện sứ mệnh cao cả là giữ gìn và phát huy bản sắc Việt.
“Chúng ta thường đặt ra câu hỏi: làm thế nào để giữ gìn những giá trị văn hoá bản sắc dân tộc để chúng không bị mai một? Và giờ phút này, khi giao lưu với các nghệ sĩ chèo trong dự án học tập liên môn Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc , chúng con đang thực hiện điều đó. Thông qua hoạt động và dự án hết sức nhân văn này, chúng con đã được tìm hiểu những giá trị sâu hơn, những ý nghĩa to lớn ẩn chứa trong loại hình nghệ thuật Chèo truyền thống; đồng thời có cơi hội bày tỏ sự tôn trọng, yêu mến tới toàn thể nghệ sĩ và ông cha ta”, Nguyễn Thị D iệp Linh (lớp 10NS2) nói. Olympian cho biết, mình đã học được cách yêu thương, nâng niu và gìn giữ văn hoá của dân tộc; cách theo đuổi đam mê, không ngần ngại vượt qua khó khăn như các nghệ sĩ đã luôn giữ ngọn lửa cháy bỏng đối với Chèo.
Nguyễn Khánh Linh (lớp 10QT) thì có thêm cái nhìn đa chiều về nghệ thuật Chèo truyền thống; cách biểu diễn, bộc lộ cảm xúc nhân vật qua giọng điệu, cử chỉ, trang phục của diễn viên… Buổi giao lưu với các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng và quá trình thực hiện dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?” nói chung đã giúp Olympian nâng cao nhận thức về việc bảo vệ, gìn giữ, quảng bá và phát huy loại hình nghệ thuật này.
Kết nối học sinh với những loại hình nghệ thuật dân gian mang đặc trưng truyền thống văn hóa Việt, kết nối Olympians với những kiến thức, quan điểm, tư tưởng của cha ông, “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?” ắt hẳn đã giúp các học sinh hiểu sâu sắc hơn về những giá trị bản sắc văn hoá và dấu ấn cá nhân trong thời đại hội nhập.
Sau những ngày tìm hiểu kiến thức và giao lưu cùng nghệ sĩ, được nghệ sĩ trực tiếp hướng dẫn một số động tác, vài làn điệu, câu hát trong đoạn trích của vở chèo cổ “Kim Nham” hay còn gọi là “Xúy Vân giả dại”, tới đây Olympians khối 10 sẽ xây dựng một vở Chèo mang góc nhìn riêng của thế hệ Gen Z. Sản phẩm này sẽ được trình diễn trong showcase cuối năm.