undefined

Học tập trọn đời: Sự tò mò mang ta tới đâu?

21 Tháng 9, 2021

Việc học sẽ dừng lại ở thời điểm nào: Kết thúc 12 năm học phổ thông? Đại học? Nhận bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ? Kể cả khi chúng ta không theo đuổi bằng cấp, chúng ta có đang học không?

"Đâu mới là giới hạn của việc học?"


Học tập trọn đời (Life long learning) là một khái niệm hiện đại thể hiện một thái độ tích cực và rộng mở với việc học, được nghiên cứu và định nghĩa bởi nhiều học giả trên thế giới.

“Mọi hoạt động học tập được diễn ra trong suốt cuộc đời, với mục tiêu tăng kiến thức, kỹ năng và năng lực trong qua những trải nghiệm cá nhân, đạo đức, xã hội và việc làm.”

-- Theo Ủy ban Châu Âu, 2001

Điều này cũng có nghĩa, giáo dục sẽ không chỉ đơn thuần là dạy học sinh những điều trong sách giáo khoa, trong những môn học bắt buộc ở phổ thông, điều quan trọng là học cách học, nuôi dưỡng sự tò mò để các em vượt qua bất kỳ thử thách nào trong cuộc sống tương lai. Để nuôi dưỡng học tập trọn đời, Olympia xây dựng khung chương trình độc đáo, lấy học sinh làm trung tâm; đồng thời nỗ lực tạo ra một môi trường, một không gian cùng học – khi cả người lớn và trẻ em đều cùng muốn lớn lên theo những cách của riêng mình.

Từ định hướng phát triển năng lực tới cách tiếp cận trong mỗi bài học

 

 

Những tiết học thường được khơi gợi bởi những câu hỏi và trải nghiệm thực hành

 

Dạy học theo định hướng phát triển năng lực đã tạo nên xương sống vững chắc cho chương trình Olympia, khi học sinh không chỉ được học về kiến thức để phục vụ thi cử, mà được bồi đắp vững chắc của cả kiến thức – kỹ năng – phẩm chất cho hành trình học tập trọn đời.

Ở một tiết toán học mầm non tại Olympia, các bạn học về thể tích theo một kiểu rất trực quan và đi từ trải nghiệm: đổ nước vào những bình đựng có hình dáng khác nhau, so sánh và liên tiếp đặt câu hỏi: “Tại sao bình này lại đầy nhanh hơn?”; “Nếu con đổ nước ngọt thì có khác gì đổ nước lọc không?”; “Vậy con sẽ mang bình như thế này để đựng nước khi tới trường vì chứa được nhiều nước hơn”…

Cách xây dựng bài học đi từ sự tò mò của con trẻ đã gieo vào lòng học sinh niềm yêu thích giản dị với việc khám phá thế giới xung quanh. Và ở những cấp học lớn hơn, Olympia tự hào khi có những học sinh biết say mê từ những điều nhỏ nhất, luôn tự tìm tòi đọc và học để giải đáp những câu hỏi của chính mình, chứ không phải vì một bài kiểm tra ngày mai hay vì một sức ép từ người khác. Đó là những giờ đọc sách chăm chú, những cuộc đối thoại sau giờ với giáo viên hay đơn giản là tìm ra một bộ môn thể thao mới. Tất cả đều tự nguyện, và xuất phát từ mong muốn hoàn thiện bản thân của chính các em.

 

Học tập xuất phát từ nhu cầu cá nhân mới thật sự là học tập suốt đời.

Môi trường đầy cảm hứng với không khí học tập lan tỏa từ giáo viên tới học sinh
Tại Olympia, cộng đồng giáo viên – nhân viên cùng theo đuổi việc học theo nhiều cách khác nhau, xuất phát từ động lực học tập từ mỗi cá nhân mà không phải chỉ vì yêu cầu của tổ chức. Việc học này không giới hạn thời gian và không gian, thông qua những trải nghiệm, khai phá, sáng tạo và hoàn thiện bản thân.

Cô Nguyễn Thị Trinh, giáo viên dạy Địa, chia sẻ về chuyến đi Ai Cập năm 2018 trong một chương trình tình nguyện của AISEC Việt Nam. Cô không đeo đuổi một bằng cấp nào cụ thể, mà đơn giản chỉ vì muốn đi, muốn học, muốn gặp gỡ, muốn nhìn thấy những điều tuyệt vời trên thế giới để có thêm nhiều câu chuyện kể cho học sinh trong giờ học. Trong hành trình một tháng rưỡi đó, cô làm trợ giảng cho các lớp học của học sinh tiểu học ở một vùng khó khăn tại Ai Cập. Cuộc gặp gỡ cuối ngày vẫn thật say sưa với những kỷ niệm của 2 năm trước, sẽ là gì nếu như không phải là động lực học tập cá nhân đã thúc đẩy cô Trinh đi và mang lại cho cô những điều mến thương đó suốt đời?

 

Chuyến đi Ai Cập năm 2018 - một trong rất nhiều chuyến đi để trau dồi trải nghiệm thực tế của cô Trinh - một trong rất nhiều thứ mà cô lựa chọn để hoàn thiện bản thân mỗi ngày

 

Nếu như chúng ta chủ tâm mong muốn cho việc học, thì đâu đâu cũng có thể học. Thầy Quốc Dân, giáo viên Toán từng học rất nhiều về lịch sử qua game Đế Chế. “Mọi thứ đều đáng học khi chúng ta tìm ra được ý nghĩa của nó. Chúng ta học đơn giản vì chúng ta đang sống.” – thầy Dân chia sẻ trong buổi tựu trường năm học 2019-2020. Cô Đàm Thảo (giáo viên văn), cô Lê Hà (giáo viên Sinh) cũng từng tự học tự theo đuổi tiếng Anh với chứng chỉ IELTS trong thời gian ngoài giờ làm việc, đơn giản vì “muốn”, vì “thích”. Và những điều đó thực sự truyền cảm hứng cho tinh thần học tập bền bỉ trọn đời tại đây.

Với cộng đồng Olympia, chúng tôi tạo dựng môi trường cùng học, cùng đi lên như thế, bất kể độ tuổi hay bằng cấp; phủ nhận lại một quan niệm truyền thống: coi rằng việc học chỉ dành cho trẻ em và thanh niên, rằng “Bạn tốt nghiệp trung học, lấy bằng đại học và coi như mình đã hoàn thành việc học”. Trong quá khứ, có thể điều này có thể đủ để tiếp tục và giữ một công việc tuyệt vời cho đến khi bạn nghỉ hưu. Nhưng khái niệm trở thành một người học đã thay đổi trong xã hội ngày nay. Không còn là chu trình học, làm, nghỉ hưu. Để nhanh nhẹn và thích nghi, bạn cần học-quên-tiếp tục học-nghỉ-học và lặp lại điều đó suốt đời. Và đây cũng là chu kỳ của một người học suốt đời.

"Và sự tò mò mang ta ra thế giới, thế giới bên ngoài rộng lớn và cả thế giới của riêng mình."

 

 

 

Share:

Bài liên quan