"Họp quốc hội" bàn về những vấn đề nóng: Olympians K10 hứng thú học kinh tế và pháp luật
12 Tháng 12, 2023
-“Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Công an: Vì sao vẫn còn thực trạng cấp phép hoạt động cho các chung cư mini khi không đủ an toàn về phòng cháy chữa cháy”?
- “Xin Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Các Phòng Địa chính và Sở Xây dựng quản lý tại địa phương như thế nào mà vẫn xảy ra tình trạng nhà xây vượt tầng, giả danh sở hữu chung cư mini? Bộ đang có những biện pháp nào để đảm bảo chất lượng và an toàn cho cư dân sống trong chung cư mini?”
-“Luật Nhà ở hiện hành chưa hề có khái niệm chung cư mini, mà chỉ có khái niệm nhà ở riêng lẻ…. Đứng dưới danh nghĩa là "nhà ở riêng lẻ", các chung cư mini hiện nay không chịu sự ràng buộc bởi thủ tục tiền kiểm, hậu kiểm của Sở Xây dựng như với các chung cư thương mại khác, đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở 2014 để có thêm quy định cụ thể về chung cư mini giúp các cơ quan có căn cứ đối chiếu và thực hiện giải quyết các vấn đề tồn tại của loại hình này”.
…………......................................…
Đây là một phần nội dung trong buổi học về tìm hiểu cấu trúc, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước Việt Nam ở môn Kinh tế pháp luật của học sinh khối 10 trường Olympia.
Thực hiện theo mô hình họp Quốc hội, các học sinh sẽ đóng vai đại biểu, lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội để thảo luận, chất vấn, tìm giải pháp cho nhiều vấn đề thời sự của xã hội, như: cấp phép xây dựng và quản lý chung cư mini, quản lý thông tin độc hại trên mạng xã hội... Trước khi đến với phiên họp này, Olympians đã có 3 tuần để thầy cô cung cấp kiến thức nền tảng về hệ thống chính trị Việt Nam, tìm hiểu 2 chủ đề mà phiên họp sẽ thảo luận để viết báo cáo theo đúng format báo cáo Quốc hội và chuẩn bị nội dung chất vấn - trả lời chất vấn.
“Chúng em phải đọc rất nhiều tài liệu Luật, văn bản dưới Luật, thông tin trong sách báo; làm việc nhóm và cá nhân… để có những thông tin cần thiết cho phiên mô phỏng họp Quốc hội. Quá trình diễn ra phiên họp, có rất nhiều câu hỏi chất vấn mới mà chúng em cần tra cứu ngay tại chỗ. Dù có nhiều việc phải làm hơn, nhưng chúng em rất vui khi được trải nghiệm đóng vai đại biểu tham gia họp Quốc hội như vậy. Cách làm này giúp những lý thuyết trong sách giáo khoa về hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước Việt Nam trở nên sinh động, dễ hiểu hơn”, Phạm Anh Triết - khối 10 chia sẻ.
“Khi đặt mình vào vai trò một đại biểu Quốc hội, em thấy công việc này rất khó, bởi để đưa ra ý kiến trước Quốc hội thì không chỉ cần tư duy sắc bén mà phải có hiểu biết sâu-rộng về vấn đề mình đề cập tới. Ngoài việc nắm rõ hệ thống chính trị Việt Nam, việc học thông qua mô hình họp Quốc hội và bàn về những vấn đề có thật đã giúp em tăng thêm hiểu biết xã hội và hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này”, Olympian Dương Tuấn Minh (K10) cũng cho biết.
Đi từ những khó khăn của học sinh trong việc tiếp nhận khối kiến thức đồ sộ và tính học thuật hàn lâm cao về cấu trúc, đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị nước CHXHCN Việt Nam, các thầy cô của tổ Kinh tế - Pháp luật Olympia đã tạo ra một mô hình học tập thật thú vị. Và từ việc giúp học sinh hiểu rõ cấu thành - tầm quan trọng của bộ máy Nhà nước, các giáo viên cũng khơi dậy tinh thần trách nhiệm nơi các em. Để mỗi học sinh trong và sau bài học, đều trăn trở và nỗ lực thực hiện giải pháp trả lời cho câu hỏi lớn: “Là công dân tôi có thể làm gì để hỗ trợ và giám sát bộ máy Nhà nước?”; “Nếu là cơ quan quản lý Nhà nước, tôi sẽ làm gì để giải quyết những vấn đề đang tồn tại hiện nay?”.