undefined

“Mỗi đứa trẻ sinh ra đều hướng thiện, như một cái cây lúc nào cũng hướng sáng...

22 Tháng 9, 2021

Đó là cách suy nghĩ của cô Tạ Thị Hòa, giáo viên khoa học tại trường PTLC Olympia khi nghĩ về công việc “trồng người” - chúng tôi xin phép dùng một từ “cũ” nhưng có lẽ phù hợp với công việc của những giáo viên khoa học.
Một buổi trò chuyện ngắn với cô Tạ Hòa, có những suy nghĩ về nghề dạy học như gợi mở nhiều bài học về cả cuộc sống.
Đi tìm ý nghĩa và mục đích của nghề giáo
Khi được hỏi về công việc giảng dạy, cô Hòa chia sẻ rằng điều khó nhất với nghề giáo là hiểu được ý nghĩa và mục đích. Thông thường, người giáo viên có hai vấn đề cần giải quyết là chuyên môn và tính giáo dục. Tuy nhiên, nhận diện được điều ấy không phải việc đơn giản. Khi mới bước vào công việc giảng dạy, chúng ta thường chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, không “nhân diện” được cả hai khía cạnh. Trên thực tế, đứng trước học sinh, giáo viên không chỉ truyền kiến thức mà còn truyền cả hình ảnh sống, một cách vô thức tới học sinh. 

Việc “nhận diện” là điều quan trọng với mỗi giáo viên để có thể nhìn ra những yếu tố tác động tới bản thân, bao gồm các yếu tố chủ quan từ bản thân hay khách quan từ bên ngoài.  Có những yếu tố bên ngoài tác động mình không thể thay đổi; điều mình cần tập trung thay đổi là những yếu tố cá nhân bên trong. 
“Mình rất coi trọng tính tự chủ, dám nghĩ dám làm và chịu trách nhiệm tới cùng. Suy cho cùng, đó chính là cốt lõi của việc nhận diện vấn đề. Để có phát triển với nghề giáo, phải chấp nhận mình là một phiên bản có những cái tốt và cả những cái chưa tốt thì mới có thể hoàn thiện được bản thân”, cô Hòa chia sẻ.

 

 

Để truyền cảm hứng cho học sinh, giáo viên phải tìm “cảm hứng” cho mình
Trong những năm vừa qua, giáo dục STEAM đã thay đổi không ngừng, đòi hỏi các giáo viên tại Olympia cũng không ngừng nâng cao năng lực bản thân. Nếu như cách đây chục năm, học khoa học đặt nặng yếu tố truyền tải kiến thức khoa học thì trong những năm gần đây, người ta đã đẩy mạnh từ lý thuyết sang thực hành. Với cô Hòa, thực hành và lý thuyết là hai mảng không thể tách rời nhau.

“Thách thức lớn nhất trong công việc với bản thân mình là tìm được “cảm hứng”. Chúng ta nói nhiều về việc truyền cảm hứng cho học sinh nhưng nếu giáo viên không có cảm hứng thì sẽ truyền  cho học sinh như thế nào? Người giáo viên muốn truyền cảm hứng được thì bản thân họ phải có cảm hứng với việc dạy học và với môn khoa học. Chúng ta không chỉ là truyền dạy kiến thức khoa học mà còn truyền dạy niềm yêu thích môn khoa học cho học sinh. Đây là điều khó vì khi đi học đại học hay những năm đầu vào nghề, chúng ta chỉ chú trọng vào việc dạy học để học sinh trở thành một con người công cụ”.

 

 

Tại Olympia, để giải quyết những thách thức và bắt kịp với những thay đổi nhanh trong giáo dục STEAM, các giáo viên luôn phải nỗ lực, làm sao vừa truyền kiến thức, vừa truyền cảm hứng cho học sinh. Với cô Hòa, tinh thần cởi mở, cầu thị ở Olympia với những lý thuyết mới, phương pháp mới được đưa vào thử nghiệm là một điều rất đỗi tự hào. Giáo viên được tiếp cận với nguồn tài nguyên dồi dào, được cung cấp công cụ, website, nguồn tài liệu học tập, sách vở… để không ngừng trau dồi kiến thức. Từ nguồn tài nguyên ấy, cô Hòa sẽ chắt lọc xem điều gì sẽ là phù hợp với việc giảng dạy của bản thân, liên tục rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai phải… Không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức để mang đến tình yêu cho trẻ với khoa học là điều các thầy cô luôn cố gắng, không chỉ với cô Hòa mà còn với các giáo viên khác tại Olympia. 
Yêu nghề, yêu trẻ bằng cả sự “trọn vẹn”
Chia sẻ về dự định với sự nghiệp giáo dục, cô Hòa cũng không chắc sẽ theo đuổi suốt đời hay không khi con đường phía trước sẽ luôn có những điều bất ngờ. Chỉ có hai điều cô Hòa chắc chắn, đó là mình rất yêu học sinh và luôn nỗ lực làm mọi thứ một cách trọn vẹn nhất có thể. 

“Mình luôn có suy nghĩ thường trực về sự trọn vẹn – cái gì mình làm được mình sẽ cố gắng làm và làm với một động lực, một tinh thần hết mình để công việc có thể hoàn thiện một cách tốt nhất. 
Mình yêu học sinh; vì học sinh mình có thể làm được nhiều điều. Một đứa trẻ sinh ra luôn hướng thiện, như một cái cây lúc nào cũng hướng về phía mặt trời. Trẻ con như tờ giấy trắng, mình viết gì lên sẽ thành cái đấy.
Với cô Hòa, dạy học không chỉ là việc truyền dạy kiến thức một chiều. Cô yêu thích công việc của mình, yêu những đứa trẻ vì hiểu rằng, có nhiều bài học cuộc sống mình có thể chắt chiu từ chính học sinh.

 

“Đến với nghề giáo, mình không chỉ “dạy” mà còn được học. Từ tâm thế của một người đi dạy, mình lùi lại và thấy rằng bản thân cũng là người được học, được thay đổi.

Share:

Bài liên quan