undefined

“Nếu mình bỏ cuộc, sao có thể làm gương cho học sinh…”

22 Tháng 9, 2021

Đó là những chia sẻ của cô Hoàng Bích Thủy, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh tiểu học trường PTLC Olympia. Hơn 18 năm gắn bó với nghề, cô Bích Thủy vẫn nhớ những kỷ niệm ngày đầu đứng lớp tại Olympia. Háo hức có, lo lắng có, buồn bã cũng có nhưng sau tất cả là tình yêu học trò như ngọn lửa soi sáng cho con đường sư phạm - một hành trình với cô Thủy thực sự là “cái duyên”.

***
18 năm đi dạy, đã bao giờ chị Thủy vấp phải những áp lực khiến mình muốn từ bỏ?
Khi mới vào Olympia, mình nhận thay lớp cho một cô giáo mới nghỉ. Hồi đó học sinh phản đối dữ dội vì không thích cách làm việc của mình và luôn so sánh với cô giáo cũ. Sau đó khoảng một tuần, một phụ huynh đã chia sẻ trong buổi họp, nói về về việc cô đã dạy như thế nào mà con không thích học tiếng Anh, từ ngày cô dạy mà cháu chán môn tiếng Anh.

Mình đã trăn trở rất nhiều và muốn nghỉ việc. Suy nghĩ ấy cứ chờn vờn trong đầu mình vài ngày sau đó nhưng cuối cùng, mình đã quyết định ở lại. Trẻ con cần thời gian để hiểu cô giáo; một tuần chưa thể nói lên được năng lực hay đánh giá hết khả năng. Khi đối mặt với thử thách của nghề giáo và suy nghĩ bỏ cuộc nhen nhóm, mình tự hỏi bản thân rằng:

"Nếu mình bỏ cuộc ở hiện tại, làm sao có thể dạy cho con trẻ sự can trường?"
-- Cô Hoàng Bích Thuỷ


Sau này khi gặp lại vị phụ huynh năm nào, chị ấy có xin lỗi mình về việc chỉ nghe thông tin một phía từ con, phần cũng vì sốt ruột và lo lắng cho trẻ khi tiếng Anh là môn quan trọng. Câu chuyện như một “cái kết có hậu”; bạn học sinh đó cuối năm cũng viết về mình trong cuốn tập san và cô trò cũng gắn bó với nhau suốt nhiều năm. Dạy học ở Olympia, học sinh yêu mình một cách khác lắm, gần gũi và thân thiết như chính người thân trong gia đình.

 

 

 

Trẻ nhỏ có cái khó khi học ngoại ngữ, còn với giáo viên ngoại ngữ, đâu là những áp lực thường gặp phải?
Dạy ngoại ngữ có những áp lực rất đặc thù khi phương pháp dạy mỗi nơi mỗi khác, chương trình cũng khác nhau và nhiều phụ huynh cũng có mong muốn thấy con phải giỏi ngay lập tức. Bản thân là giáo viên, mình có quan điểm và nguyên tắc nhất định. Mình hiểu và tôn trọng phụ huynh nhưng cũng xác định rõ mục tiêu của mình cũng như phù hợp với quan điểm, phương pháp của nhà trường.

Giáo viên Olympia không chỉ là chuyên gia về tiếng Anh, giáo viên còn là những chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ. Giáo viên không chỉ dạy con học mà còn là cánh tay nối dài tới từng gia đình, kết nối với phụ huynh để tạo ra một môi trường giáo dục toàn diện, để các con có cơ hội được học trên lớp và hoàn thiện hơn tại nhà.

Khó khăn là vậy, điều gì đã níu chân chị lại với nghề dạy học?
Mình thích đi dạy vì thích trẻ con. Nếu được hỏi mình thích việc dạy học hơn hay thích học sinh hơn thì chắc chắn là những đứa trẻ - vì các con, mình có thể làm được mọi thứ, sẵn sàng thay đổi bản thân để mang lại những điều tốt nhất cho học sinh. Bài học cho học sinh ở cấp tiểu học không chỉ là học ngôn ngữ mà còn học để làm người.

Với mình, đi dạy là một cái “duyên” vì đây là công việc được bố mình định hướng sau khi ra trường. Bắt đầu là một cái duyên nhưng ở lâu với nghề, mình đã thực sự cảm thấy muốn gắn bó và hiểu rằng đây chính là điều mình sẽ theo đuổi suốt đời.

 

 

Chị và những giáo viên Olympia khác đã làm gì để thay đổi bản thân và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục?
Không ngừng cập nhật những phương pháp giảng dạy tiếng Anh mới trên thế giới, thường xuyên tham gia các workshop chia sẻ kinh nghiệm, đọc thêm tài liệu mới… là những việc làm hàng ngày của không chỉ đối với riêng mình mà toàn bộ các giáo viên trong tổ tiếng Anh. Ví dụ, trước đây phương pháp lớp học đảo ngược chỉ được áp dụng phổ biến cho học sinh các cấp trên thì học sinh tiểu học cũng đã được trải nghiệm trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi. Đây cũng là giai đoạn giáo viên phải làm quen với công nghệ, bắt nhịp với những đổi thay sâu rộng trong giáo dục.

 

 

Vì tiếng Anh là một môn toàn cầu nên mình cũng phải đẩy nhanh hơn để bắt kịp thế giới. Mình phải luôn tìm ra những phương pháp mới, dạy học qua câu hỏi tư duy, dạy học dựa trên nhu cầu của học sinh hay lồng ghép dạy học qua các trò chơi vận động, bài hát, kịch nghệ… là điều đã được thực hiện tại Olympia và mang lại nhiều hiệu quả tốt.

Mình thích dạy học dựa trên trò chơi vì nó sẽ phù hợp với nhu cầu của học sinh - đôi khi là các bài hát, trò chơi vận động, học sinh được chơi trò chơi trong tiết tiếng Anh.

Sự thay đổi không ngừng của giáo dục có phải thách thức với giáo viên không? Giáo viên Olympia đang dấn thân như thế nào để hoàn thiện bản thân?
Mình đã quen với những thay đổi và không thấy điều đó là trở ngại. Việc thay đổi hàng ngày khiến mình luôn tự nhắc bản thân phải nỗ lực rất nhiều vì mục tiêu sau cùng là đem lại những điều tốt nhất cho học sinh.
Mình nghĩ rằng Olympia đã cho giáo viên cơ hội dấn thân, được không ngừng trải nghiệm và thử nghiệm. Bản thân mỗi người giáo viên đều mang một tinh thần sáng tạo vô cùng mạnh mẽ. Vì bản chất chương trình tiếng Anh tại các cấp học khác nhau nên sự sáng tạo ở mỗi giáo viên cũng khác biệt, tạo nên một tập thể cá tính với nhiều màu sắc riêng. Ở Olympia, giáo viên được làm những điều mình thích miễn là có thể mang lại lợi ích cho học sinh. Đó là mục tiêu sau cùng vô cùng quan trọng mà giáo viên Olympia nào cũng phải ghi nhớ.

 

Share:

Bài liên quan