Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn: Khối 1,2 học tiếng Việt như thế nào?
23 Tháng 9, 2021
“Nếu muốn con yêu thích việc ra khơi, thì hãy đưa con đến tham quan những con tàu khổng lồ”
Cô Hải Hà, giáo viên Tiếng Việt tiểu học chia sẻ trong ngày báo cáo sản phẩm của Dự án “Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn” của các bạn lớp 1, 2 diễn ra vào cuối tuần vừa qua. Dự án được triển khai từ năm 2018 đã thổi một luồng gió mới đến với các bạn nhỏ Tiểu học nói chung và đối với bộ môn Tiếng Việt nói riêng tại Olympia.
Các câu chuyện dân gian: Quạ và Công, Ve sầu và Kiến, Con cáo và chùm nho… đã được các bạn học sinh kịch bản hóa thành vở diễn thú vị cùng với các nhân vật có tính cách đa dạng, dễ thương. Mục tiêu chính của Olympia không chỉ dạy các bạn diễn kịch, thể hiện cá tính và rèn luyện tự tin trên sân khấu mà đằng sau đó, các bạn học sinh được học về Tiếng Việt – tiếp cận với Tiếng Việt ở khía cạnh mới mẻ, hiện đại và gần gũi hơn. Cũng từ đó, tình yêu với Tiếng Việt của các bạn sẽ được bồi đắp, chắt chiu qua từng ngày.
Buổi biểu diễn ngày hôm nay sẽ cho mọi người thấy phần nào đó phương pháp dạy học Tiếng Việt của Olympia cho các bạn học sinh Tiểu học, “Đó là lời ăn tiếng nói; là thành ngữ, tục ngữ, ca dao; các bài học và thông điệp của mỗi câu chuyện. Ngoài cách giảng dạy trên lớp về những câu nói hay và đúng các thầy cô sẽ biến chúng thành những lời thoại trong kịch bản như: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân; năng nhặt chặt bị… Với cách “cài cắm” như vậy, những bài học về bộ môn Tiếng Việt được thực hành một cách rất tự nhiên. Khi các bạn đã nhập vai như vậy thì chính các bạn có thể gọi tên và cảm nhận được bài học của mình” – Cô Hải Hà chia sẻ.
Tập kịch và diễn kịch còn giúp cho các bạn học sinh hiểu và thấu cảm với các nhân vật trong tác phẩm, là những “khán giả” biết thưởng thức nghệ thuật, là những “diễn viên” biết hợp tác, tôn trọng và làm việc nhóm. Và một điều ấn tượng hơn khi đến với kịch, các bạn học được cách ứng biến linh hoạt và sáng tạo ngôn ngữ ngay trên sân khấu.
Buổi biểu diễn đã mang lại rất nhiều cảm xúc cho cả “khán giả” và cả diễn viên với những “lần đầu tiên” đáng nhớ: là vai diễn đầu tiên, là lần đầu được tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu, là được cùng các bạn thể hiện bản thân, là lần đầu tiên được nhìn thấy các con “trở thành thành phiên bản tốt hơn của chính mình”… như một phụ huynh chia sẻ “Điều làm tôi tôi xúc động nhất hôm nay không phải là cô bé con 6 tuổi thuộc làu lời thoại và biểu cảm kịch 30 phút, mà lại là trường học – cách những cô giáo tạo ra và dẫn dắt một “dự án” có các Nghệ sĩ nhỏ như vậy (…) Cô nói về việc một nhân vật chỉ xuất hiện 2 giây không thể thiếu trong vở kịch và để lại dấu ấn, về việc trong 6 tháng qua các con đã tập diễn 3 vai: vai kịch của mình, vai đồng đội để hợp tác giúp đỡ bạn mình, kể cả nhắc thoại cho bạn mình khi đang diễn và vai khán giả (…) Điều này khiến cho không bố mẹ nào cảm thấy “thất vọng” khi con quên lời thoại, khi con diễn vụng hay khi con chỉ là 1 vai diễn bé tí, không ai cảm thấy con mình kém cỏi. Điều này khiến chúng tôi hiểu bố mẹ tới là để cổ vũ và đồng hành cùng con, cũng khiến chúng tôi không chỉ nhìn thấy con mình mà xem suốt chương trình với ánh mắt long lanh dành cho tất cả mọi vai diễn, vì bạn nào cũng thật tuyệt vời (...) Giáo dục là sự chắt chiu”