Người giáo viên và sứ mệnh “cứu thế giới”
01 Tháng 12, 2021
Đó là câu nói đùa vui của cô Bùi Trà My về mong muốn nghe có vẻ “lãng mạn” của mình, dù khi còn làm trong lĩnh vực báo chí hay bước chân sang sự nghiệp giáo dục. Dấn thân theo đuổi những ngành nghề khác nhau, có những giá trị vẫn được cô gìn giữ như kim chỉ nam trong suốt hành trình làm nghề và làm người.
Cô Bùi Trà My - thành viên ban giám hiệu THPT Olympia, dùng 3 từ/cụm từ để nói về cách tiếp cận của bản thân trong giáo dục: những vấn đề và sự kiện thực tế cuộc sống - real-world problems (đưa những vấn đề thực tế vào trong việc giảng dạy, mong muốn học sinh có những điểm nhìn đa dạng từ địa phương tới toàn cầu), tính tương đối của đúng - sai (không có đúng sai tuyệt đối, sẽ luôn có những điều để chúng ta nhìn vào, thách thức sự hiểu biết của cả học sinh và giáo viên) và tinh thần làm - làm - làm (học sinh được cho phép làm và được phép sai, việc học sẽ thông qua thực hành để mọi thứ trở nên thấu đáo hơn với học sinh).
Còn với Olympia khi nhìn vào cô Bùi Trà My, mọi người thấy một tinh thần dấn thân và học tập không ngừng.
Hai con đường - một sứ mệnh
Đó là con đường làm báo chí truyền thông cùng con đường làm giáo dục. Dù đi ở con đường nào, cô Trà My vẫn giữ nguyên mong muốn “cứu thế giới” của bản thân.
Năm 2005, cô Trà My bước chân vào cấp ba. Những năm đầu thế kỷ 21, sự chuyển mình của thị thành cùng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Hà Nội kéo theo những đổi thay của xã hội. Đó là một bức tranh tối tranh sáng, một khoảng giao thoa của cuộc sống hiện đại và văn hóa, nếp nghĩ truyền thống.
“Tôi nhớ một lần khi bố tôi lên sân thượng phơi quần áo, mấy người đàn ông hàng xóm chê cười rằng đàn ông mà lại phơi quần áo. Tôi nhận ra rằng những định kiến về giới đã ăn sâu vào cuộc sống của nhiều người Việt,” cô Trà My chia sẻ. Thời điểm đó, cô Trà My biết rằng mình sẽ lựa chọn báo chí để theo đuổi, như một cách dùng ngòi bút để “cứu thế giới”, để thay đổi cách chúng ta nhìn nhận những định kiến, bất bình đẳng quanh xã hội. Suy nghĩ ấy theo đuổi cô Trà My tới suốt những năm tháng đại học chuyên ngành báo chí tới thời gian học thạc sĩ ngành Phân tích sáng tạo phê bình tại Anh. Tuy nhiên, như nhiều người trẻ khác, quãng chông chênh tuổi 20s trước hiện thực công việc khiến nhiều người hoài nghi về bản thân, cộng với môi trường ở Việt Nam chưa có nhiều công việc phù hợp với ngành học. Từ bỏ công việc làm truyền thông và sau đó là giảng viên đại học, cô Bùi Trà My chính thức hành trình làm Olympian từ tháng 4/2015. Đó là một bước chuyển quan trọng sang sự nghiệp giáo dục của cô giáo trẻ.
“Chuyển nghề không có nghĩa là thay đổi mục tiêu cuộc đời. Sau khi du học về, tôi làm nhiều công việc khác nhau, kể cả bắt đầu làm giảng viên đại học. Những năm 2015, tôi cũng nhen nhóm ý tưởng về việc dạy tư duy phản biện cho học sinh cấp ba và “Đọc báo tỉnh táo” ra đời. Có lẽ vì vậy, bước ngoặt sang giáo dục là một điều phù hợp với mục tiêu của tôi ở thời điểm bấy giờ. Với giáo dục, tôi cũng đang trong một hành trình “cứu thế giới”, mang đến cho học sinh những công cụ để nhìn nhận thế giới khách quan, tiếp cận thông tin phù hợp. Hai công việc tưởng như khác nhau nhưng đều giống nhau về đích đến.”
Hành trình học tập không ngừng
Ở thời điểm hiện tại, cô Trà My đang tiếp tục học theo thạc sĩ về chuyên ngành Tâm lý học của đại học Glasgow, Anh. Hai tấm bằng thạc sĩ, với nhiều giáo viên có lẽ là “quá nhiều” cho nghề. Cô Trà My chia sẻ:
“Mình nói về học tập trọn đời nhưng không làm gương cho học sinh thì đâu có được. Với học sinh, khi chính giáo viên không ngừng học tập, các bạn cũng sẽ hiểu rằng việc học tập sẽ không khép lại sau cánh cửa phổ thông, đại học hay sau đại học. Chưa bao giờ, tốc độ phát triển của thế giới nhanh như bây giờ và chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội phát triển ngang với tốc độ thế giới như hiện tại. Khi thầy cô trở thành một ví dụ học hỏi không ngừng cho học sinh, các bạn sẽ không bị ấn định bởi tư duy cố định mà luôn nỗ lực để phát triển.
Hơn nữa, là một thành viên Ban giám hiệu, tôi hiểu rõ trách nhiệm của bản thân không chỉ với cá nhân mình mà cả với đồng nghiệp. Thực tế ở Olympia, mọi giáo viên đều nỗ lực học tập không ngừng, đó là một điều đáng quý vô cùng.
Mà thực ra, ngoài trường lớp, tôi thấy học được từ học sinh rất nhiều.”
Hành trình học tập không ngừng của cô Trà My đã bắt đầu từ những ngày đầu tới Olympia. Hiểu rõ hạn chế của mình ở việc thiếu nền tảng sư phạm, cô Trà My tới với giáo dục với một tâm thế mở và học tập thông qua kinh nghiệm. Mỗi ngày ở Olympia, cô lại bồi đắp thêm kinh nghiệm cho mình và tiến lên từng bước một; từ vai trò giáo viên đến tổ trưởng chuyên môn và thành viên Ban giám hiệu. Gói gọn trong vài từ như vậy nhưng đó là một hành trình đầy thách thức với cô Trà My.
“Điểm mạnh của những người như tôi là việc dạy học sẽ không đi vào khuôn mẫu mà đi vào bản chất của vấn đề cùng với khả năng sáng tạo, linh hoạt để tìm cách giúp học sinh hiểu mọi thứ dễ dàng và thực tế nhất. Học sinh không chỉ học tập để làm tốt một bài kiểm tra - các em học tập để chung sống, trưởng thành và nhìn thế giới một cách rộng mở như nó vốn dĩ như vậy. Những chất liệu chúng tôi cố gắng mang vào lớp học là những sự kiện đang diễn ra, là những cuộc tranh luận đang nóng hổi với mong muốn mang đến cho học sinh cái nhìn về một thế giới đa chiều, rộng lớn. Mỗi thầy cô đều có những thế mạnh để giúp ích cho học sinh, tôi nghĩ rằng một số đồng nghiệp không xuất thân từ các trường sư phạm cũng đang bổ sung những thành tố mới cho học sinh: Một điểm nhìn mới, một câu chuyện thực tế, một viễn cảnh tương lai với công việc đa dạng. Bên cạnh những kiến thức nền tảng, học sinh có thể được mở rộng thế giới quan của mình với những ngành nghề cụ thể.
Để thích ứng thành công với môi trường, thay đổi tư duy là điều quan trọng nhất. Việc học tập không ngừng khiến tôi nhận ra mình còn quá nhỏ bé, còn quá nhiều điều chưa biết. Tinh thần sẵn sàng học tập không ngừng giúp tôi thích nghi với mọi rào cản.”
Thôi thúc thay đổi bản thân để mang đến những điều tốt nhất cho học sinh, cô Trà My luôn tích cực học tập, tham gia các chương trình hội thảo, đào tạo, bên cạnh việc học thông qua thực làm. Năm 2014, cô tham gia chương trình tập huấn dạy News Literacy trong trường học(ĐH Hong Kong phối hợp với ĐH Stone Brookes Hoa Kỳ). Năm 2015, cô tham gia trình bày tại hội thảo Ứng dụng dạy News literacy trong trường phổ thông (ĐH Hong Kong). Năm 2017, cô Trà My tiếp tục tham dự hội thảo “Theory Meets Practice: Teacher Training in the Digital Era” tại đại học Sư phạm Zug, Thuỵ Sỹ. Là một ngôi trường thúc đẩy sự đa dạng và tôn vinh tinh thần học tập trọn đời, Olympia cũng tạo điều kiện để cô Trà My có thể hoàn thiện các kỹ năng nghề nghiệp của mình. Môi trường Olympia thúc đẩy học tập trọn đời; đó là không gian chia sẻ, nơi các giáo viên sẽ có các buổi đào tạo nội bộ, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Vì điểm đích của bất cứ quá trình học tập với mỗi người giáo viên cũng là những điều tốt đẹp nhất mong muốn gửi trao cho học sinh.
Gần 8 năm theo đuổi sự nghiệp giáo dục, điều cô Trà My tự hào nhất là tinh thần sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức trong cuộc sống: Thách thức làm nghề giáo, thách thức làm trưởng bộ môn hay lên vị trí quản lý. Mọi thứ đều không dễ dàng nhưng chỉ khi đối đầu trực tiếp, chúng ta mới có thể tìm cách vượt qua mọi vấn đề. Bằng cách này hay cách khác, khi chúng ta bình tĩnh giải quyết, mọi chuyện cũng sẽ ngày một tốt hơn.
Nhìn về những ngày sau này, có quá nhiều điều cô Trà My còn ấp ủ để thực hiện và học tập: Là mong muốn hệ thống hóa chương trình giáo dục & phòng ngừa trong trường học , nghiên cứu về văn hóa kỹ thuật số và những tác động của thời đại kỹ thuật số lên học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung… Thế giới đang thay đổi với kỷ nguyên số hóa bùng nổ, những người như cô Trà My cũng nhận ra rằng con đường của mình đang đi vẫn còn rất dài và không ngừng học tập là lựa chọn duy nhất để vượt qua mọi thách thức.