Nguyễn Thục Anh - Olympian với tâm hồn nghệ sĩ thành sinh viên ngành Dược đại học Monash
04 Tháng 10, 2022
Mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ, thích tự do, phóng khoáng, cựu chủ tịch TOS Band - Nguyễn Thục Anh (tốt nghiệp năm 2022) gây bất ngờ khi chọn học ngành Dược cần đức tính tỉ mỉ, kiên trì. Sau khi nộp hồ sơ vào Monash University - top 57 đại học tốt nhất thế giới (theo QS World University Rankings 2023), em được trường cấp học bổng 10.000 AUD cho năm đầu tiên theo học ngành Bachelor of Pharmacy (Honours). Đây là mức hỗ trợ cao nhất mà đại học lâu đời và thuộc nhóm tốt nhất Autralia này cấp cho sinh viên quốc tế theo chương trình Monash University International Merit Scholarship.
Ước mơ đến từ giường bệnh
Năm lớp 12, trong khi bạn bè cùng khối đã chắc chắn với ngành học tương lai, thậm chí apply xong vào đại học mơ ước, thì Thục Anh vẫn loay hoay chưa biết mình muốn làm gì và trở thành ai. Em sau đó quyết định chọn ngành theo môn học mà mình thấy hứng thú nhất ở bậc phổ thông. Và đó là Hóa học - môn học Thục Anh đã đạt điểm cao nhất học kỳ 1 lớp 12.
Nhưng yếu tố khiến Olympian quyết tâm theo học ngành Dược lại đến từ một sự việc bất ngờ khác. Đó là khi em bị Covid-19, phải nằm điều trị trong bệnh viện dã chiến. “Thời gian ở bệnh viện dã chiến, em được tiếp xúc với rất nhiều người bệnh cũng như chứng kiến các anh chị tình nguyện viên, các cô chú bác sĩ, y tá rất tận tâm, hết lòng vì người bệnh. Thời điểm ấy, trong em như có cái gì đó được “đánh thức”, kiểu thôi thúc muốn được giúp đỡ mọi người vì một thế giới tốt đẹp hơn. Và em chọn học ngành Dược”, Olympian Thục Anh nói.
Xác định ngành học này cần tính cẩn thận, kiên trì, cô gái với tính cách tự do, phóng khoáng đã rèn luyện mình qua vai trò người lãnh đạo nhiều sự kiện của khối-cấp. Ngay trên giường bệnh tại bệnh viện dã chiến, khi đang sốt 38 độ, Trưởng ban Sự kiện khối 12 - Nguyễn Thục Anh vẫn miệt mài trao đổi online với bạn bè và các em khóa dưới để hướng dẫn tổ chức cho toàn cấp (từ K9 đến K12) hoạt động tri ân thầy cô dịp 20/11. Olympian dí dỏm chia sẻ rằng, nếu là Thục Anh của ngày trước, em chắc chắn sẽ “tăng xông” khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra liên quan đến kế hoạch hoạt động. Nhưng Thục Anh của từ ngày quyết định học Dược để giúp đỡ mọi người, đã nỗ lực bình tĩnh hơn để xử lý vấn đề nhẹ nhàng, hiệu quả.
Chương trình 20/11 năm đó Thục Anh cùng các bạn cấp THPT tổ chức, theo cô Nguyễn Thị Chinh - trưởng khối 12, đã làm “ấm lòng các thầy cô”, bởi dù học online nhưng trong mỗi lớp học suốt tuần lễ kỷ niệm vẫn xuất hiện nhiều tấm thiệp chúc mừng, thư tay kèm lời tâm sự chân thành, xúc động mà học sinh dành tặng thầy cô. Trên tất cả là bầu không khí ấm cúng, chân tình mà Olympians các khối lớp THPT tạo ra khiến các thấy cô cảm thấy rất vui và tự hào. Còn với Trưởng ban Sự kiện khối 12 kiêm Chủ tịch TOS band - Nguyễn Thục Anh, sau “kha khá” lần tổ chức hoạt động với vai trò leader như thế, em đã học được tính tỉ mỉ, kiên trì, khả năng thích ứng và giải quyết nhanh các về đề khó lường khi phát sinh.
Cô học trò “lơ đãng” thành Olympian hiểu biết, trách nhiệm
Nhắc về học trò Nguyễn Thục Anh, cô giáo Nguyễn Thị Chinh - trưởng khối 12 năm học 2021-2022 không giấu được cảm xúc hạnh phúc và tự hào. Cảm giác đó không chỉ đến từ mức hỗ trợ tài chính cao nhất mà đại học Monash dành cho học trò trong năm đầu em theo học ngành Dược. Niềm hạnh phúc và tự hào này phần nhiều đến từ quá trình thay đổi, trưởng thành của em, đặc biệt trong năm lớp 12.
Theo cô Chinh, có những giai đoạn của cấp THPT, nhất là khi học online, Thục Anh khiến bố mẹ và thầy cô rất lo lắng, vất vả. Em thường xuyên vào học trong trạng thái uể oải, bài vở chểnh mảng, mù mờ về định hướng tương. Dồn tâm sức cùng đồng nghiệp và phụ huynh để hỗ trợ học sinh, cuối cùng đến năm học lớp 12, Thục Anh đã thay đổi.
“Thay đổi lớn nhất của Thục Anh là cách quan tâm đến bạn bè, thầy cô; thái độ học tập tích cực, biết mình cần học gì, làm gì để tốt cho chặng đường tiếp theo. Con khi đó trở nên hiểu chuyện, hiểu được những lo lắng, vất vả của bố mẹ, thầy cô và không hay cãi cự nữa. Điểm IELTS của Thục Anh khá tốt, đạt 8.0. Con tìm được hướng đi rõ ràng về ngành nghề, trường đại học cần nộp hồ sơ… Và thầy cô cảm thấy rất tự hào, chúc mừng con cùng gia đình vì hành trình bứt phá tuyệt vời đó cùng kết quả apply du học tốt”, cô Chinh chia sẻ.
Nhớ lại giai đoạn này, Thục Anh cho biết có lẽ do tính cách “lơ đãng” kiểu “thích thì làm, không thích thì thôi” nên đôi lúc em khiến bố mẹ, thầy cô phải hao tâm, tổn sức. Từ nhiều lý do, trong đó có sự giúp đỡ của gia đình, thầy cô, đặc biệt là việc xác định được mục tiêu, biết mình cần làm gì để đạt mục tiêu đó, nên em tập trung thực hiện, thay vì dàn trải tham gia nhiều hoạt động theo ý thích trước đó của mình.
“Đứng đây với vị trí của một người “già" đã lăn lộn ở Olympia 7 năm, con muốn gửi những lời cảm ơn và xin lỗi các thầy cô. Con cảm ơn vì những bài thơ hay của cô Thuỷ, cô Linh, cô Thảo; những bài toán đạo hàm của thầy Hưng, cô Chinh; bài về este, nhiễm sắc thể hay sóng ngang sóng dọc của thầy Trường, thầy Huy, cô Giang; những bài lên rổ, đập bóng của thầy Huân, thầy Toản, thầy Nghị… Gửi lời cảm ơn về những bài học thì quả thật không sao hết được, nhưng có những bài học không hề nằm trong giáo án, con muốn sâu sắc cảm ơn những bài học này”, Olympian Thục Anh viết trong bài nói tri ân các thầy cô dịp 20/11 năm học vừa qua.
Thục Anh cho biết, có 3 bài học Olympia đã truyền dạy cho em và em muốn cảm ơn hơn hết, đó là: bài học về sự máu lửa và đam mê; bài học về sự kiên nhẫn và hi sinh; bài học về sự kiên trì.
“Có lẽ không đến Olympia, con sẽ không bao giờ biết được việc hết mình, khóc, cười, đổ mồ hôi hay cả máu vì một thứ mình thích là như thế nào. Ngày chúng con học lớp 7, cũng là năm tuyển bóng rổ nữ được khai sinh. Con vẫn nhớ những lần thầy Toản ở lại, tận tâm chỉ dạy từng bước từ lên rổ đến đập bóng cho chúng con, những giải đấu đầu tiên cô Hường dắt chúng con đi, lúc coach Erick đến và dạy chúng con rằng, mọi thứ đều phải được nhận lấy một cách xứng đáng, không có gì là đương nhiên cả, bao gồm cả việc được đứng trên sân. Và con càng tập chăm hơn, càng máu lửa hơn. Con nhớ những ngày ở lại trường tập đến 6-7h tối, tập đến bật cả máu, nhưng nó chưa bao giờ khiến con dừng lại.
Nhưng bóng rổ hay bóng chuyền không phải thứ duy nhất dạy con bài học này. Dù có những lúc nản, những lúc muốn bỏ cuộc, nhưng thầy cô vẫn luôn ở đó, các chú bảo vệ cũng luôn đợi chúng con về hết rồi mới tắt đèn. Nhờ sự tận tâm và hi sinh của mọi người, chúng con chưa từng bỏ cuộc. Con cảm ơn, những người truyền lửa…
Năm lớp 10, con rất rất lười học. Lúc đó con còn chẳng muốn học nữa. Nhưng con nhớ cô Hiền đã dành rất nhiều thời gian phụ đạo cho con, dạy con lại tất cả kiến thức của cả 1 năm; thầy Khánh chỉ cho con từng bài học với sự nhiệt huyết không lẫn đi đâu được. Con vẫn nhớ hôm chúng con và cô Chinh họp lúc hơn 9h tối. Lúc đó cô vẫn mặc đồng phục, và con mới nhận ra làm thầy cô vất vả đến như thế nào.
Nhiệt huyết là một chuyện, nhưng chúng ta cần cả sự kiên trì nữa. Con hay nhiều bạn tuổi con rất hay nản, nhiều khi hứng lên là làm, hết hứng lại thôi. Nhưng cô Giang từng nói với con một câu trong lúc con tưởng rằng mình chẳng thể đứng dậy nữa, rằng: “Cô biết trong từ điển của con không có từ bỏ cuộc ". Và câu nói ở thời điểm ấy thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với con. Bây giờ, mỗi lần nản, con lại nghĩ đến câu nói của cô, để rồi mệt thì nghỉ, nhưng chưa bao giờ con bỏ cuộc nữa…”, chia sẻ của Thục Anh gửi tới các thầy cô.
Cảm ơn Olympia vì những bài học vô cùng giá trị. Thục Anh cho biết, những tri thức và hành trang sống này sẽ giúp em tự tin bước chân vào giảng đường đại học Monash để thu nhận thêm hành trang hữu ích cho công việc, cuộc sống tương lai.