undefined

Những hoạt động hỗ trợ học sinh giảm stress trong thời gian học tập trực tuyến tại Olympia

23 Tháng 9, 2021

Những biểu hiện dấu hiệu trầm cảm hay căng thẳng về tinh thần của học sinh trong thời gian học tập trực tuyến

Ths. Tô Thị Hoan, chuyên viên tâm lý trường Olympia chia sẻ

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi Tiểu học, khi các em còn quá nhỏ để hiểu hết những thay đổi đột ngột trong các chuẩn mực xã hội quen thuộc. Một bài viết tổng hợp về tác động của Covid-19 lên gia đình và trẻ em đăng trên tạp chí Pediatric Psychology vào tháng 12/2020 chỉ ra rằng cách ly xã hội có tác động tiêu cực đáng kể đến sự lành mạnh về mặt cảm xúc của trẻ và gia đình. 

Hiện tại, ở Việt Nam chưa có những công bố đầy đủ về các nghiên cứu liên quan đến ảnh hưởng của đại dịch covid-19 lên sức khoẻ tâm thần của học sinh nói chung và trẻ độ tuổi tiểu học nói riêng. Tuy nhiên, từ những câu chuyện thực tế được chia sẻ trong đời thực hay trên các phương tiện truyền thông chúng ta cũng có thể thấy có lẽ trẻ em Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng xoáy ấy. 

Nhiều bậc phụ huynh chia sẻ rằng con họ than vãn rằng chúng cảm thấy chán khi suốt ngày phải ở trong nhà, một số thì tỏ ra lo lắng và ủ rũ vì không biết khi nào mới được quay trở lại trường học. Một vài phụ huynh đã tìm đến sự tư vấn của chuyên viên tâm lý học đường vì thấy các vấn đề về hành vi không mong đợi hoặc chống đối của con gia tăng khi học tập trực tuyến ở nhà. Có những học sinh đã né tránh việc học online vì cảm thấy khó thích nghi ở giai đoạn đầu. Và một trong những băn khoăn rất phổ biến của các bậc phụ huynh chính là “con rất dễ bị phân tán và khó tập trung vào việc học tập" khi học trực tuyến ở nhà. Đó đều có thể là những dấu hiệu của sự lo lắng, căng thẳng ở trẻ. 

Và để hỗ trợ được tốt nhất cho trẻ, người lớn mà đặc biệt là cha mẹ cần sớm nhận biết một vài dấu hiệu cảnh báo của các vấn đề về mặt sức khoẻ tâm thần ở trẻ như: 
·      Sợ hãi và lo lắng quá mức, nỗi buồn kéo dài có thể nhìn thấy 
·      Quá hiếu động so với bình thường hoặc so với phần lớn các trẻ khác 
·      Hành vi ứng xử hung hăng, mất kiểm soát và chống đối 
·      Dễ nóng nảy và cáu kỉnh 
·      Thu rút, né tránh khỏi các tương tác xã hội 
·      Thành tích học tập ở trường giảm đột ngột 
·      Mất hứng thú với bạn bè hoặc các hoạt động yêu thích 
·      Ăn mất ngon hoặc ăn quá nhiều 
·      Thay đổi đột ngột về cân nặng 
·      Thay đổi đột ngột thói quen ngủ (ngủ ít, khó ngủ, ngủ quá nhiều) và/hoặc có thể gặp ác mộng dai dẳng 
·      Thường xuyên đau đầu hoặc đau bụng 
·      Khó tập trung 
·      Trốn học hoặc bỏ học 

Những hoạt động Olympia hỗ trợ học sinh giảm stress trong thời gian không đến trường, phải học trực tuyến

 

Ths. Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Tiểu học Olympia 

 

Cô Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Tiểu học Olympia chia sẻ

Trường Olympia xem mỗi lớp học là một cộng đồng học tập, do đó, ngoài việc đảm bảo quá trình học tập của học sinh được diễn ra liên tục, Nhà trường rất chú trọng các hoạt động để duy trì kết nối cộng đồng, để học sinh giữ được kết nối với bạn bè và thầy cô. 

Cuối mỗi ngày từng lớp tại cấp Tiểu học đều có giờ tái hiện, là thời gian mà các học sinh được chia sẻ, được trò chuyện, được cùng gỡ rối các vấn đề khó khăn của cá nhân trong lớp. Đây là khoảng thời gian mà cảm xúc tích cực được nhân lên và những cảm xúc tiêu cực được giáo viên hỗ trợ giải quyết kịp thời. Ngoài ra các hoạt động cấp khối cũng được tổ chức để duy trì cộng đồng khối cho các con. Ngoài giờ học, giáo viên và chuyên viên tâm lý sẽ hỗ trợ 1:1 những học sinh đang gặp khó khăn. 

Khi học sinh ở nhà trong suốt thời gian học, chúng tôi biết rằng vai trò của các bậc phụ huynh là vô cùng quan trọng. Trẻ sẽ học tập tốt khi bố mẹ có thể duy trì bầu không khí tích cực tại gia đình. Trong lúc này, trẻ đang thiếu hụt các tương tác trực tiếp với là thầy cô, bạn bè, các cô chú nhân viên trong nhà trường...Vì vậy trẻ rất cần cha mẹ gia tăng các hoạt động kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Đồng hành với phụ huynh trong vấn đề này, phòng Tâm lí học đường của nhà trường đã biên soạn những bộ tài liệu, cẩm nang với những hướng dẫn, gợi ý về cách trò chuyện cùng con, hoạt động giải trí, hoạt động bổ trợ cho việc học tập của con...

 

Học sinh Olympia tham gia lễ gặp mặt đầu năm trực tuyến

 

 

Thêm vào đó, để kịp thời tư vấn, hỗ trợ cá nhân học sinh, Nhà trường đặc biệt lưu tâm và thường xuyên giữ mối liên lạc chặt chẽ với các bậc phụ huynh thông qua 1 số kênh liên lạc (hệ thống phần mềm của nhà trường, nhận xét và phản hồi hàng tuần của GV và PH, buổi gặp 1-1 với phụ huynh...).

Share:

Bài liên quan