Những trăn trở về nghề của cô giáo trẻ cấp tiểu học
22 Tháng 9, 2021
“Thông thường mọi người vẫn nghĩ làm việc với trẻ con thì phải bằng tình yêu, bản thân mình cũng đồng ý vậy. Thế nhưng con người thì cảm xúc lên và xuống, khi tâm trạng mình không tốt thì có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ mình đang làm việc. Và mình nghĩ rằng thế là không công bằng cho đứa trẻ. Vậy nên phải thực sự lí trí trong công việc.”
Đó là những chia sẻ của cô Đào Thị Huyền Thương – Giáo viên Tiểu học Olympia. Thoạt nghe, người đọc có thể thấy rõ hình bóng của một cô giáo trẻ đầy mạnh mẽ. Vậy nhưng, đằng sau hình ảnh năng động, luôn sẵn sàng dấn thân tìm hiểu những điều mới mẻ ấy là một cô giáo nhiều trăn trở về vai trò của mình với nghề, cũng như với các bạn học sinh.
Là giáo viên Tiểu học hay giáo viên Đại học
Mình gắn bó với toán học và mong muốn trở thành giáo viên từ khi còn nhỏ, vậy nên sau này khi học đại học rồi cao học cũng đều là về sư phạm toán. Thế nhưng, không hiểu sao luôn nghĩ là ra trường sẽ phấn đấu để trở thành giảng viên ở cấp đại học chứ chưa từng nghĩ sẽ dạy toán, mà lại là ở cấp tiểu học.
Nói thêm một chút, mình vốn dĩ là người không ngại những thử thách mới, luôn sẵn sàng cho các trải nghiệm mà mình chưa từng được thử. Nên khi ra trường, biết đến Olympia và được trao cơ hội làm việc tại đây mình cũng khá hào hứng đón nhận như một trải nghiệm mới dành cho bản thân. Thế nhưng, có một điều mình không ngờ được là ở đây, những đứa trẻ bằng sự hồn nhiên, tò mò khám phá thế giới đã đánh thức niềm yêu thích được làm việc cùng các bạn nhỏ trong mình. Bên cạnh đó, là những người thầy ở đây đã gieo cho mình tình yêu với nghề giáo. Để gắn bó đến tận bây giờ.
Thời gian đầu làm việc với các bạn học sinh cũng gặp nhiều khó khăn, vì mình theo thói quen cũ trong việc giao tiếp với học sinh là thường dùng rất nhiều ngôn ngữ chuyên ngành toán, các thuật ngữ chuyên môn khiến cho các bạn học sinh không hiểu cô đang nói gì. Phải mất một thời gian mới học được cách làm việc với các bạn nhỏ một cách hiệu quả. Cũng trong quá trình rèn luyện đó mình nhận ra một điều rằng: Bên cạnh thói quen về ngôn từ, về phương pháp giảng dạy thì để làm tốt được vai trò người giáo viên mình cần có một hình ảnh tốt. Hình ảnh ở đây không phải là các tấm hình minh họa cho bài học mà chính là “hình ảnh người thầy” vì vô hình chung những đứa trẻ trong lớp là tấm gương phản chiếu hình ảnh của người thầy, hình ảnh không tốt thì phản chiếu cũng vậy. Là người giáo viên, chúng ta vẫn đặt ra các đích cho học sinh hướng đến do đó cũng cần phải tự điều chỉnh bản thân để làm gương cho các bạn học sinh.
Giáo viên dạy toán hay giáo viên chủ nhiệm.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn về toán, thì dần dần mình cũng dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động giáo dục nói chung. Có lẽ nó bắt đầu là từ lúc mình nghĩ rằng để dạy tốt được cho học trò thì cần yêu thương và có sự kết nối với nhu cầu riêng của học trò. Mình muốn các con bên cạnh việc hoàn thành các nhiệm vụ học tập thì cần có không gian để thể hiện bản thân được là chính mình. Hiểu rằng mỗi học sinh là một cá thể, nhưng làm sao để cá thể đó biết rõ hình ảnh của con là như thế nào? Việc hiểu về mình là rất quan trọng thế nên các con cần thời gian và không gian để soi chiếu lại về bản thân. Bằng cách đánh giá qua từng giai đoạn, con nói ra được con thích và không thích gì? Đâu là điểm mạnh, điểm yếu? đó chính là phác họa hình ảnh của cá nhân con. Từ việc nhận định được rõ về bản thân như vậy, các con sẽ tự biết cách điều chỉnh hoạt động của mình để phù hợp. Vì trẻ con không thể phát triển toàn diện chỉ với hoạt động tại trường, mà còn là các hoạt động khi ở nhà nữa, vậy nên việc biết mình muốn gì thì con có thể tự thực hiệc việc đó ngay cả khi không có cô giáo hướng dẫn.
Cô Huyền Thương cùng học trò thay đổi không gian học tập trong giờ chủ nhiệm.
Ví dụ như tới đây, các bạn học sinh của mình sẽ có một buổi thảo luận trực tuyến với các bạn học sinh đồng cấp ở Đài Loan về chủ đề bảo vệ môi trường. Hoạt động đó không có liên quan nhiều đến chương trình toán mình đang dạy, hay các hoạt động chủ điểm khác của trường đang triển khai, nhưng khi cơ hội đến mình vẫn quyết định kết nối để làm cùng các con, vì đó sẽ là cơ hội để các con được thể hiện bản thân, đồng thời mở rộng tầm nhìn ra thế giới, rồi qua đó có phép so sánh, định hình lại hoạt động cho chính bản thân mình.
Bên cạnh đó, việc mở rộng biên giới lớp học cho học sinh cũng giống việc người lớn mở rộng phạm vi làm việc. Nếu cứ làm mãi một việc mà không mở rộng ra bên ngoài thì cũng không phát triển được, trẻ con cũng vậy, sẽ học được nhiều hơn khi có cơ hội đế giao lưu với bên ngoài.
Cái máy hay người thầy
Có ý kiến cho rằng đến một lúc nào đó máy móc, công nghệ sẽ thay thế người giáo viên. Mình thì nghĩ rằng công nghệ có thể sẽ dạy tốt một lượng kiến thức nào đó nhất định chứ không thể giáo dục được cả một con người. Bởi vì như đã nói từ đầu, mình tin vào “hình ảnh người thầy” có sức ảnh hưởng rất lớn lên người học. Chúng ta cần dùng con người để giáo dục con người, cái máy không thể tạo ra con người đúng nghĩa được. Vậy nên, mình chỉ tìm đến công nghệ như một giải pháp để giúp cho tiết học trở lên thú vị, hấp dẫn hơn với học sinh chứ chưa từng nghĩ nó sẽ thay được vai trò của mình.
Ban đầu nó như là một hướng để giải quyết vấn đề của tiết học thôi, nhưng khi mà hiểu được sâu hơn thì công nghệ đã giúp mở ra nhiều con đường khám phá các phương pháp dạy học hiệu quả. Vậy nên mình mới thấy nó như là một tấm bản đồ để hỗ trợ mình định hướng và tìm đường đến đích mà mình muốn một cách nhanh nhất. Nhờ công nghệ mà mình kết nối được nhiều người hơn, học được nhiều cách làm hay hơn. Nó cũng cung cấp cho mình nhiều giải pháp để có thể quản lý tốt được quá trình của học sinh, kết nối với phụ huynh, giúp bản thân mình tiết kiệm được khá nhiều thời gian.