Nữ giáo viên “gánh vác” bộ môn ICT tại Olympia: “Học sinh giờ biết lập trình robot, không chỉ học Word hay Excel”
03 Tháng 12, 2021
Có những khuôn mẫu về giới trong nghề nghiệp đã không còn đúng ở Olympia, như việc trưởng bộ môn Công nghệ thông tin (ICT) không phải lúc nào cũng do nam giới đứng đầu. “Gánh vác” trọng trách của bộ môn ICT tại Olympia là cô Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ quản lý triển vọng trong năm học 2020-2021.
Nữ quản lý bộ môn ICT và hành trình chuyển đối số tại trường Olympia
Đảm nhiệm vị trí cán bộ quản lý bộ môn ICT trong 3 năm trở lại đây, cô Thu Hà đã đồng hành cùng với nhà trường trong cuộc “cách mạng” số - số hóa trường học, xu hướng diễn ra trong ngành giáo dục. Chuyển đối số không đơn thuần là trách nhiệm của riêng một phòng ban mà của toàn trường nhưng trong 2 năm trở lại đây, cùng với tình hình dịch bệnh khiến việc học online trở thành hình thức chủ đạo trong hoạt động giáo dục của nhà trường, cô Thu Hà cùng các đồng sự gánh trên vai hai trọng trách: Tham gia vào hoạt động chuyển đổi số trường học và hỗ trợ hoạt động học tập online của nhà trường.
“Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu diễn ra trong mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt trong mảng giáo dục trước thách thức của dịch bệnh. Olympia không nằm ngoài xu hướng khi đã tiến hành cải tổ từ nền tảng công nghệ thông tin cho tới kỹ năng con người của tổ chức. Trong giáo dục, chuyển đổi số bao gồm việc nâng cấp cơ sở vật chất - cơ sở nền tảng, các công cụ giảng dạy; ứng dụng công nghệ trong lớp học.
Chuyển đổi số là trách nhiệm chung của nhà trường nhưng ICT là một “điểm chạm” quan trọng khi phụ huynh và học sinh sẽ nhìn vào việc dạy học công nghệ thông tin trong nhà trường. Nếu chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ nhưng bộ môn ICT không bắt kịp, chắc chắn mọi người sẽ không thấy được tính đồng bộ của chuyển đổi số. Đó vừa là áp lực nhưng cũng là cơ hội để chúng tôi thay đổi, nỗ lực cải tiến và học hỏi.”
Bản thân là một người giáo viên đứng lớp trực tiếp và đồng hành cùng giáo viên trong việc dạy học trực tuyến, cô Thu Hà đã nhìn thấy những thay đổi rõ rệt trong chuyển đổi số ở trường học. Sau hơn một năm, các giáo viên đã liên tục học hỏi và đầu tư cho bản thân mình với những công cụ về giảng dạy; các giáo viên khóa học hay toán đầu từ về Wacom, các bộ môn khác đưa nhiều công nghệ vào lớp học, thông qua các phần mềm để thu hút sự chú ý của học sinh và làm cho bài giảng online gần gũi hơn.
Hỗ trợ tiến trình trên, cô Thu Hà và bộ môn ICT đã phối hợp cùng các thầy cô đam mê công nghệ tổ chức các buổi chia sẻ về công nghệ thông tin hàng tuần, hàng tháng. Đó là dịp để mọi người chia sẻ những công cụ giảng dạy mới, training cho các giáo viên khác, từ việc khai thác Canvas, cách làm câu hỏi tương tác trong video. Xuyên suốt từ năm học 2020-2021 đến nay, ICT đã làm cùng với văn phòng nhà trường, tập huấn cho giáo viên cách sử dụng phần mềm online như thế nào. Cô Thu Hà và các đồng sự cũng là người đã hướng dẫn các giáo viên trong quá trình tìm hiểu về E-learning để tham gia cuộc thi bài giảng trực tuyến. Từ những kiến thức chung về giảng dạy bằng công nghệ được ICT chia sẻ lại, các giáo viên đã chủ động sáng tạo, thay đổi cho phù hợp, học tập những kiến thức mới để áp dụng cho từng bộ môn.
Những đột phá của bộ môn ICT tại Olympia
Là một bộ môn “nhỏ” so với những bộ môn khác ở Olympia nhưng những đóng góp của ICT và của cô Thu Hà cho bộ môn không hề nhỏ. Nếu ADN của giáo viên Olympia là tinh thần “dấn thân”, trong năm học vừa qua, cô Thu Hà cùng các đồng sự cũng cố gắng tạo ra nhiều điểm mới, đẩy mạnh hoạt động ICT trong trường học.
Năm học 2020-2021 tuy chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng các thầy cô ICT đã cố gắng đưa học sinh Olympia khám phá bên ngoài nhiều hơn và nỗ lực đưa những điều mới tới với học sinh Olympia. Niềm vui của cô Thu Hà là thấy các học sinh Olympia tự tin tham gia các cuộc thi về Khoa học máy tính trong và ngoài nước với nhiều giải thưởng trong năm học vừa qua: từ cuộc thi Robotic MakeX với nhiều giải vàng, giải bạc ở cả 3 bảng tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông (THPT) cho tới các cuộc thi về lập trình giải toán, Olympic tin học quốc tế Hong Kong. Với các học sinh THPT, ICT kết hợp cùng phòng hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn về ngành nghề Khoa học máy tính bằng các buổi tham quan đại học Bách Khoa, trải nghiệm những giờ học đại học trực tiếp, tham gia các hoạt động thực tế tại trường đại học FPT…
“Năm học vừa rồi, chúng tôi cũng triển khai nhiều dự án nội môn như Digital Life - giúp học sinh tìm hiểu về an toàn trên không gian số. Dự án đã được mời tham gia một diễn đàn về phát triển bền vững được tổ chức bởi đại học Giáo dục và đại học Chiba Nhật Bản. Nếu không vì dịch bệnh, các bạn học sinh sẽ có cơ hội mang dự án tới Nhật Bản để chia sẻ,” cô Hà chia sẻ.
Không coi những điều mình làm là “đột phá” với bộ môn ICT nhưng chắc chắn cô Thu Hà và các thầy cô của bộ môn ICT đã thay đổi việc học công nghệ thông tin của học sinh rất nhiều. Học sinh giờ đây biết lập trình robot chứ không chỉ quanh quẩn với Excel hay Word - và thực tế việc học Word hay Excel của học sinh cũng đã lên một tầm cao mới với nhiều chứng chỉ quốc tế.
“Gọi là đột phá thì không hẳn là đột phá khi ở Olympia, chúng tôi vẫn đổi mới liên tục và các thầy cô liên tục thích ứng để phù hợp với thay đổi, bắt kịp với xu hướng công nghệ của thế giới. Trong 3 năm trở lại đây, chúng tôi đã đưa python vào giảng dạy. Đây là một ngôn ngữ lập trình hiện đại của thế giới, có nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Chương trình Robotics hay IOT (Internet of Things) cũng trở thành một phần trong hoạt động của bộ môn ICT. Những thứ tưởng chừng như rất cao siêu ấy đã được đưa vào chương trình học của học sinh, từ hình thức câu lạc bộ, môn tự chọn tới môn học chính thức. Kết quả cũng rất khả quan khi học sinh đã cho ra đời các sản phẩm mô hình nhà thông minh, robot tự vận hành, bảo tàng ảo, các sản phẩm công nghệ có thể áp dụng thực tế đời sống…”
Với các hoạt động giảng dạy, chuyên môn, cô Thu Hà luôn nỗ lực để có thể đưa tới cho học sinh nhiều kiến thức mới khi công nghệ ngày càng thay đổi. Nhà trường chuyển đổi số thì các thầy cô ICT cũng phải chuyển mình nhanh hơn, sáng tạo hơn. Với công tác quản lý, cô Thu Hà luôn mong muốn sự hài lòng và tinh thần hỗ trợ nhiệt thành ở các đồng nghiệp; nếu giáo viên không thấy thoải mái với công việc, họ cũng không thể truyền lửa cho học sinh mà vốn dĩ, đó là cái đích cuối cùng của bất cứ bộ môn nào.
Khi nói về cô Thu Hà, thầy Lê Hà Linh chia sẻ: “Cô Thu Hà luôn luôn nhiệt tình hỗ trợ các giáo viên trong bộ môn và đồng nghiệp khác. Dù đôi lúc không phải là vấn đề mà chị nắm rõ nhưng sẵn sàng cùng nghiên cứu thảo luận để ra giải pháp. Tham gia các tiết dạy của cô Thu Hà, tôi thấy được cách chị đưa các vấn đề công nghệ thông tin gần gũi hơn qua những ví dụ sáng tạo cho học sinh, khiến cho bài học có nội dung phong phú và hấp dẫn.”
Đằng sau những thay đổi về mặt công nghệ, về mặt chuyển đổi số trên bề mặt, cô Thu Hà tin rằng điều tốt nhất mà mình và những thầy cô khác trong tổ ICT đã làm được chính là góp phần thay đổi tư duy công nghệ, “tư duy số” cho cả học sinh và giáo viên. Dạy học online không chỉ là dùng công cụ online để dạy học, nó là sự thay đổi cả về mặt tư duy giảng dạy. Học tập số cũng đòi hỏi kinh nghiệm “sống số” ở học sinh - làm sao để bảo vệ bản thân trên không gian mạng, thích ứng với cuộc sống số như thế nào, duy trì đời sống tinh thần và xã hội ra sao trên không gian số. Những điều đó, tuy rất khó để nhìn thấy nhưng người trong cuộc như cô Thu Hà có thể cảm nhận và quan sát được - một sự thay đổi tích cực ở Olympia.