undefined

Olympia lan tỏa kinh nghiệm tham vấn tâm lý, phát triển học sinh

29 Tháng 9, 2022

Làm thế nào học sinh có sức khỏe tinh thần tốt, có động lực và tối ưu được tiềm năng để đi xa nhất trên con đường phát triển bản thân? Tại hội thảo “Khai vấn học đường - khai mở tiềm năng” do Olympia phối hợp với Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới EdulightenUp tổ chức ngày 28/9, hai diễn giả của trường là cô Tổng hiệu trưởng Shannon Koga, cô Bùi Trà My - thành viên BGH cấp THTP Olympia, cùng Tiến sỹ Giáo dục Nguyễn Thụy Phương đã giải đáp những vấn đề này tới hơn 90 cán bộ quản lý các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

 

Hội thảo "Khai vấn học đường - khai mở tiềm năng do trường Olympia cùng Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới EdulightenUp sẽ tổ chức thu hút hơn 90 cán bộ quản lý các trường phổ thông khu vực phía Bắc tham dự.

Khai vấn học đường tạo nền tảng tinh thần, giúp học sinh phát triển

 

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Thụy Phương - nhà khai vấn và đào tạo của Modus Operandi International Institute (Pháp) cho biết, khai vấn học đường là công cụ hữu hiệu để tạo ra môi trường trường học hạnh phúc, giúp phát triển các tiềm năng cho học sinh. Nhiều trường học trên thế giới rất quan tâm và đã triển khai hoạt động này. Tuy nhiên tại Việt Nam, khai vấn học đường còn khá xa lạ với phần đông trường phổ thông trên cả nước.

Giống một phần như tham vấn tâm lý, khai vấn học đường cũng mang tới sức khỏe tinh thần tốt cho học sinh thông qua quá trình các em trao đổi với chuyên gia và được gợi mở những suy nghĩ tích cực. Khai vấn đồng thời giúp học sinh tự tìm ra giải pháp cho vướng mắc các em vừa “chớm” gặp; thúc đẩy các em tư duy sáng tạo, khám phá ra những tiềm năng của bản thân và tối ưu hóa được các tiềm năng này để đi được xa hơn trên con đường thành công trong học tập, cuộc sống cũng như công việc tương lai.

 

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương - nhà khai vấn và đào tạo của Modus Operandi International Institute (Pháp). 

 

Với ý nghĩa và giá trị to lớn đó, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương mong muốn khai vấn học đường sẽ đưa vào các trường học Việt Nam, và được triển khai cho cả học sinh lẫn đội ngũ thầy cô và phụ huynh học sinh - 2 nhân tố quan trọng có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của người học. Và để thực hiện được hoạt động này, trường học cần có một đội ngũ “teacher coaching” - thầy cô hiểu biết về khai vấn, hoặc phối hợp với chuyên gia bên ngoài; nhưng trước hết cán bộ quản lý nhà trường đó phải có sự hiểu biết và quyết tâm đưa công cụ đắc lực đối với giáo dục này vào trường học.

 

An toàn học đường tác động tích cực đến thành công trong học tập

 

Khẳng định ý nghĩa thiết thực của khai vấn học đường, cô Shannon Koga - Tổng Hiệu trưởng trường Olympia trong các chia sẻ của mình cũng nhấn mạnh rằng, dù đưa “công cụ” nào vào trường học, thì nền tảng quan trọng nhất để hỗ trợ học sinh phát triển vẫn là môi trường học tập an toàn. Ở Olympia, an toàn là yếu tố được đặt ưu tiên lên trên nhất.

“Chúng tôi luôn chăm chỉ đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho học sinh cùng các cán bộ giáo viên nhân viên. Mỗi cá nhân trong trường đều có trách nhiệm định hình văn hóa và không khí của trường học. Bầu không khí và văn hóa học đường này đảm bảo rằng các học sinh, thầy cô, nhân viên cảm thấy được hạnh phúc khi đến trường”, cô Shannon nói. Điều này được thể hiện rõ qua chủ đề của từng năm học, như năm nay là “Learn smart - Go Global - Be a happy you”. Tôn trọng sự đa dạng, công bằng, hòa nhập và công lý, cũng là những điều mà cộng đồng Olympia hướng tới thực thi.

 

Cô Shannon Koga - Tổng Hiệu trưởng trường Olympia chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trường học an toàn.

 

Tổng Hiệu trưởng trường Olympia đồng thời cho biết: có nghiên cứu đã chỉ ra rằng an toàn học đường tác động tích cực đến thành công trong học tập của học sinh; và việc trở thành trường học an toàn đã là một yếu tố quan trọng giúp Olympia thành công trong kiểm định quốc tế WACS, được công nhận là IB World School…

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trường học an toàn của Olympia, Tổng hiệu trưởng Shannon Koga cho biết, trước tiên là phải ưu tiên an toàn của trường học - nơi mọi người được tôn trọng ý kiến và tính cách cá nhân, đồng thời đóng góp vào một nền văn hóa tích cực. Trường Olympia đã sử dụng các hỗ trợ và can thiệp hành vi để khuyến khích học sinh thay đổi hành động của các con thành hành động tích cực. Định kỳ hàng tuần, trường tổ chức kiểm tra, đánh giá về an toàn của toàn bộ khuôn viên, từ đó có những đề xuất, giải pháp cải thiện nơi còn chưa tốt. Tiếp xúc an toàn, tôn trọng cơ thể và không gian vật lý của học sinh, cũng là điều Olympia chú trọng thực hiện.

“Trong bất kỳ trường học nào, việc bảo mật và đảm bảo một không gian an toàn là điều quan trọng để xây dựng lòng tin, sự tự tin trong các học sinh. Tại Olympia chúng tôi có một người xử lý các mối quan ngại, dù đó là về trẻ em hay người lớn. Người này được đào tạo cấp quốc tế về an toàn và bảo vệ trẻ em; và sẽ điều phối các hoạt động cho một trường học an toàn và bảo mật”, Thạc sĩ giáo dục Shannon Koga – người có 30 năm làm việc tại các trường học trên nhiều quốc gia nói. Cô đồng thời cho biết, việc xây dựng mối quan hệ gắn kết, tôn trọng giữa các thành viên trong nhà trường; nhanh chóng và tổng lực hành động để giải quyết các vấn đề với suy nghĩ rõ ràng, sâu sắc về những ảnh hưởng có thể gây ra và hành động tiếp theo thế nào cho tốt với học sinh, là những điều tiếp theo Olympia đã triển khai để có được môi trường học đường an toàn.

Hàng năm, Olympia sẽ tổ chức các khóa đào tạo về sức khỏe tâm thần cho cán bộ quản lý, giáo viên; tập huấn sơ cấp cứu và các biện pháp đảm bảo an toàn thể chất - tinh thần của học sinh, cho nhân viên y tế, bán trú, xe bus trường… Một quy trình và nguyên tắc xử lý rõ ràng khi học sinh gặp vấn đề về an toàn, như: cần làm gì, báo cho ai để hỗ trợ… cũng được nhà trường triển khai, đảm bảo các thành viên nắm rõ và thực thi hiệu quả.

 

Hệ thống hỗ trợ học đường hiệu quả của Olympia

 

Tiếp nối những chia sẻ về kinh nghiệm của Olympia trong xây dựng trường học an toàn - tạo nền tảng để học sinh được hạnh phúc và phát triển, cô Bùi Trà My - thành viên Ban giám hiệu cấp THPT giới thiệu tới hội thảo hệ thống hỗ trợ học đường mà Olympia đã triển khai nhiều năm qua. Theo đó, trong trường học có nhiều “địa chỉ” để học sinh tìm được sự tư vấn, hỗ trợ cả về mặt học tập lẫn định hướng, cảm xúc gồm: Giáo viên chủ nhiệm/giáo viên advisor (đối với cấp THPT), giáo viên bộ môn, chuyên viên tâm lý học đường, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp và đại học. Các địa chỉ này có liên kết với nhau trong một “mạng lưới” dữ liệu báo cáo về tình hình học tập và phát triển của học sinh. Thông qua nhiều kênh khác như: hồ sơ học sinh, khảo sát sức khỏe tâm thần mỗi đầu năm học, kết quả học tập, dữ liệu chuyên cần-ăn uống… Olympia sẽ có dữ liệu tổng hợp để phân tích và phân chia được danh sách học sinh cần hỗ trợ bắt buộc, học sinh có nguy cơ cao và rất cao để theo dõi/can thiệp, học sinh đang được tham vấn định kỳ, từ đó có những hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng và từng cá nhân học sinh.

 

Cô Bùi Trà My - thành viên Ban giám hiệu cấp THPT Olympia giới thiệu hệ thống hỗ trợ học đường của Nhà trường.

 

Các chiến dịch phòng ngừa, nâng cao nhận thức cho học sinh, thông qua đa dạng hình thức như: bảng check in cảm xúc, nội dung trao đổi trong trong giờ chủ nhiệm/advisor, hoạt động chung toàn cấp… cùng với công tác can thiệp, hỗ trợ chuyên sâu của các chuyên viên Tâm lý được đào tạo bài bản, Olympia đã và đang nỗ lực mang tới một sức khỏe tinh thần tốt nhất cho học sinh.

Sau phần thảo luận với những giải đáp tường tận cho một số vấn đề và tình huống thực tế đã xảy ra ở một vài cơ sở giáo dục phổ thông, hội thảo “Khai vấn học đường - khai mở tiềm năng” khép lại với màn vỗ tay giòn giã của hơn 90 Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường phổ thông khu vực phía Bắc. Nhiều thầy cô sau đó đã chia sẻ, sẽ vận dụng kinh nghiệm của Olympia và thực hành khai vấn học đường tại cơ sở giáo dục mình quản lý.

Share:

Bài liên quan