Quách Hoàng Nhi: Hành trình tới trường nghệ thuật danh tiếng nước Mỹ và câu chuyện âm nhạc gắn kết con người
25 Tháng 1, 2022
Nhận học bổng trị giá 186,000 USD/4 năm học (tương đương 4,2 tỷ đồng), nữ sinh Olympia đã chắc chắn với lựa chọn theo học ngành piano performance (biểu diễn dương cầm) của mình tại trường Conservatory of Music - Lawrence University.
Trong khi đa phần các bạn học sinh lựa chọn các ngành như kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin… Quách Hoàng Nhi là một trong số ít học sinh Olympia tiếp tục theo đuổi sự nghiệp âm nhạc với chuyên ngành biểu diễn piano. Theo học nghệ thuật biểu diễn - chuyên ngành piano, Quách Hoàng Nhi mong muốn trở thành một nghệ sĩ, đồng thời cũng có cơ hội đi dạy học và đem âm nhạc đến với các thế hệ sau một cách hiệu quả và truyền đam mê cho mọi người.
Xuất sắc ghi danh vào trường Conservatory of Music - Lawrence University (top 22 trường âm nhạc tốt nhất thế giới), Quách Hoàng Nhi còn nhận được học bổng trị giá 186,400 USD cho 4 năm học tại đây (tương đương với 4,2 tỷ đồng). Hoàng Nhi cho biết, nhà trường còn tạo điều kiện cho làm thêm với mức lương 3,000 USD/năm. Với khoản chi phí còn lại vừa vặn với khả năng tài chính của gia đình, Lawrence University là lựa chọn chắc chắn của Hoàng Nhi ở thời điểm hiện tại.
“Mình cũng nộp một số trường đại học khác và nhận được học bổng $100,000 từ Texas Christian University hay thư mời nhập học từ University of Memphis, nhưng Lawrence là lựa chọn mong muốn nhất của mình, đồng thời là trường phản hồi sớm và chu đáo nhất, nên mình đã quyết định chọn Lawrence làm điểm đến tiếp theo. Sau khi quyết định được trường mình cũng không nộp thêm học bổng nữa, vừa có thời gian nghỉ ngơi và cũng để tập trung vào chuẩn bị tốt nghiệp ở cả trường văn hoá cũng như trường nhạc.”
Khi nộp vào các ngành âm nhạc và biểu diễn, các bạn học sinh không chỉ đơn thuần làm hồ sơ và viết luận như các ngành khác mà còn phải tham gia các lớp học thử với giáo sư của trường, phải làm portfolio bằng việc quay lại các bài nhạc mình đã phải chuẩn bị kéo dài vài năm. Không chỉ riêng Hoàng Nhi mà bất cứ ai mong muốn theo đuổi ngành âm nhạc cũng đều phải rất nỗ lực để cân bằng việc học tập bận rộn ở trường cũng như tất bật chuẩn bị hồ sơ và portfolio. Để hoàn thành được portfolio 5 bản nhạc mang 5 tính chất, âm hưởng thời đại khác nhau và tổng cộng dài 40 phút, Hoàng Nhi đã phải mất 3-4 tiếng mỗi lần đi thu âm để có bản nhạc như ý. Với sinh viên các ngành nghệ thuật, đây là một hành trình dài và vất vả hơn rất nhiều.
“Bài luận của mình nói về mong muốn được dùng âm nhạc đánh thức cộng đồng như một nghệ sĩ, dùng tiếng đàn đánh thức cả tầng như một người hàng xóm, hay dùng âm thanh để kết nối với tâm hồn người anh trai bị bệnh từ nhỏ của em.
Mình nghĩ các thầy cô trong hội đồng tuyển chọn thích câu chuyện sáng sớm 6h đã dạy đánh đàn và không chỉ một hai ngày mà nó đã trở thành một phần cuộc sống của cả những người sống gần mình; ấn tượng cách anh trai mình dù không nói được, không thường xuyên ở nhà để nghe em chơi đàn nhưng vẫn cảm nhận được và đưa tín hiệu tới em.
Tất cả những khoảnh khắc đó khiến em cảm thấy mình phải luôn có trách nhiệm với âm nhạc mình tạo ra thay vì chỉ là những âm thanh trống rỗng, bởi em đánh không chỉ mình em nghe mà còn có rất nhiều người khác đang dõi theo nữa.”
Chưa dừng lại ở đó, để có thể nhận được cái gật đầu từ trường Lawrence University, phần thu âm chiếm một nửa và hồ sơ âm nhạc cũng đòi hỏi phải có điểm số trên trường ổn định – chẳng hạn như cả 8 năm đều 10 chuyên ngành piano cũng là một lợi thế, phải có những số buổi biểu diễn trước công chúng nhất định - không chỉ chơi solo mà còn có những buổi hoà nhạc, không chỉ học trên trường mà những buổi masterclass với giáo sư nước ngoài, những chuyến đi trại hè âm nhạc cũng đều là những tư liệu mà trường đại học họ tìm kiếm. Tất nhiên, Hoàng Nhi cho biết hồ sơ cũng không thể kể thiếu những giải thưởng âm nhạc mà mình đã từng chinh chiến ròng rã bao nhiêu năm.
Tuy các trường nhạc không yêu cầu quá cao về mặt điểm số ở môn văn hóa (không cần điểm SAT), Hoàng Nhi cho biết các bạn học sinh vẫn nên cần có GPA đảm bảo hay IELTS trên 7.0 cùng các hoạt động ngoại khóa phù hợp với chuyên ngành âm nhạc. Với lượng thời gian eo hẹp do phải phân bổ cả việc học văn hóa và việc học nhạc, Hoàng Nhi không dành nhiều thời gian cho các hoạt động như tranh biện, hùng biện, học sinh giỏi… Ưu tiên chất lượng hơn số lượng, Hoàng Nhi tập trung vào các dự án nghệ thuật như nhạc kịch The Stage hay nhạc kịch dự án Văn tại trường cũng như các buổi diễn tấu cùng dàn nhạc giao hưởng quốc gia ở Nhà hát lớn Hà Nội, những buổi độc tấu, những buổi diễn hàng tuần ở trại hè…
“Em không thể chắc chắn rằng tất cả các buổi diễn đều hoàn hảo, nhưng em luôn cố hết sức để nâng niu những cơ hội đó và trân trọng đôi tai của các khán giả,” Hoàng Nhi chia sẻ.
Để cân bằng được việc học văn hóa và học nhạc ở 2 trường khác nhau, Hoàng Nhi thực sự cảm kích các thầy cô vì luôn thông cảm và hỗ trợ những lần cô học trò đi học đàn giữa giờ. Không chỉ vậy, các thầy cô còn luôn sẵn sàng giảng lại kiến thức để Nhi có thể bắt kịp các bạn.
“Không thể nói rằng em luôn hào hứng học hai trường, vì thời gian có hạn mà lịch học quá nhiều cũng làm ta kiệt sức dần. Chẳng hạn như đợt tháng 12 đến tháng 1 năm ngoái, khi kẹt giữa lịch thi học kì của cả hai trường và đồng thời phải chuẩn bị gấp rút cho buổi hòa nhạc đầu tháng 1, em đã nghĩ mình chẳng thể vượt qua nó. Nhưng rồi các thầy cô vẫn an ủi em rằng nếu không kịp thi thì các thầy cô sẽ hỗ trợ thi sớm hoặc thi sau, nên em cũng đã bình tĩnh hơn và tự viết ra lịch trình di chuyển của mình rồi thành công vượt qua kì thi.”
Nhìn về tương lai xa hơn nữa, Hoàng Nhi mong muốn trở thành một nhà trị liệu âm nhạc. Còn ở hiện tại, được sống với đam mê nghệ thuật là điều khiến em cảm thấy hạnh phúc.
“Mình chỉ muốn nói là mọi người hãy luôn tự giác làm thật tốt công việc của mình và đừng bị căng thẳng bởi thành tích của người khác nhé! Theo đuổi ước mơ của bản thân thay vì sống theo tâm nguyện của người khác vì điều đó sẽ làm bạn vừa hối hận vừa trì trệ trong công đoạn chuẩn bị hồ sơ đó!”