Ths. Nguyễn Hạnh Chi – người khai phá mảng giáo dục hướng nghiệp tại Olympia
22 Tháng 9, 2021
Dù đã công tác trong lĩnh vực giáo dục đã gần 20 năm nhưng khi được gọi là Cô giáo, thạc sĩ Nguyễn Hạnh Chi vẫn gượng cười xua tay không dám nhận. Chị bảo 2 chữ “cô giáo” nó hơi to lớn so với những gì chị đã và đang làm. Trong văn phòng nhỏ xinh xắn nhìn ra vườn trường, chị đã chia sẻ về hành trình làm một công việc hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam: Hướng nghiệp.
Từ bé, chị đã được gia đình định hướng theo nghề giáo, cụ thể thì là một giáo viên Tiếng Anh. Vậy nên, trong quá trình học Đại học chị cũng đã tự tìm kiếm các cơ hội để được trải nghiệm với công việc này. Thế nhưng, chính những lần trải nghiệm đó đã giúp nhận ra bản thân hoàn toàn không sẵn sàng cũng như không phù hợp với việc đứng trước một tập thể lớn các bạn học sinh để có thể truyền đạt kiến thức. Chị cảm thấy mình phù hợp hơn nếu được làm việc với cá nhân hoặc là với những nhóm nhỏ. Chị xác định mình sẽ không trở thành một người giáo viên với đầy đủ nhất các đặc điểm của nó, nhưng sẽ là một người đeo đuổi sự nghiệp giáo dục cho thế hệ trẻ, ngay cả bây giờ, một chặng đường dài đã qua nhưng việc mỗi ngày làm việc cùng các bạn trẻ vẫn thôi thúc bản thân chị nỗ lực hơn.
Là người thích làm những thứ mới, khai phá những công việc mới, sau một thời gian làm việc chị nhận thấy mảng giáo dục hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng với thế hệ trẻ, thế nhưng cách đây 10 năm thì trong các hệ thống giáo dục vẫn còn khoảng trống đó. Nên khi bắt đầu vận hành Văn phòng Tư vấn Đại học, Du học và Hướng nghiệp (UCC - University & Career Counseling) cũng gặp nhiều khó khăn. Lúc ấy, chị thường tự mày mò nghiên cứu, học hỏi từ mô hình của các nước có nền giáo dục phát triển để lựa chọn ra những cách làm phù hợp với học sinh Việt Nam. Công việc này cũng đòi hỏi người tư vấn cần có kiến thức sâu, rộng cũng như nhiều trải nghiệm khác nhau, để có thể đồng cảm được với người mình đang chia sẻ, tránh các tư vấn thiên vị hoặc mang định kiến khi tư vấn cho cá nhân. Quan trọng hơn cả là mỗi lời mình nói ra nếu không chắc chắn thì có thể ảnh hưởng đến cả một hành trình tương lai của học sinh, vậy nên càng cần chắc chắn về mặt thông tin trước khi chia sẻ một điều gì đó. Do vậy chị thường xuyên dành khoảng hơn 20% thời gian mỗi năm trong suốt gần 10 năm vừa qua cho việc học và chưa hề có ý dừng lại. Khi được hỏi, việc liên tục học tập như vậy có khiến chị cảm thấy mệt mỏi không thì chị cười bảo rằng, việc học giờ với chị như là một hình thức giải trí vậy, cũng may mắn Olympia là môi trường luôn khuyến khích mỗi cá nhân học tập trọn đời, vậy nên chị có nhiều không gian và thời gian để thỏa mãn nhu cầu đó.
Tuy nhiên chị Hạnh Chi không học cho riêng mình, điều này người viết biết được nhờ chia sẻ từ các bạn chuyên viên trong văn phòng UCC, cũng như các giáo viên trẻ trong trường về việc thường xuyên được chị trực tiếp hướng dẫn, huấn luyện kiến thức cũng như các kĩ năng nghề nghiệp. Với chị thì kiến thức mà giữ cho riêng mình sẽ không có ý nghĩa gì cả. Muốn nhiều bạn học sinh được hưởng lợi từ những kiến thức mới thì không thể chỉ làm một mình, nó phải được lan tỏa tới nhiều người, thông qua lăng kính của họ thậm chí còn triển khai tốt hơn rất nhiều. Chị Hạnh Chi hiểu rằng các bạn giáo viên trẻ cũng có kết nối tốt hơn với học sinh, vậy nên những năm gần đây chị dành nhiều thời gian hơn để đào tạo và đồng hành cùng các bạn giáo viên trẻ làm nghề.
Buổi trò chuyện diễn ra vào một buổi chiều, gần dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Khi nhắc đến chủ đề này, chị chia sẻ không có nhiều cảm xúc với các ngày kỷ niệm lắm, chị cũng không kỳ vọng học trò sẽ cần phải thể hiện những gì đặc biệt để tri ân những người làm giáo dục như chị. Bởi với chị cảm giác hạnh phúc về nghề nghiệp đôi khi đến rất bất ngờ, có lẽ là những khoảnh khắc thấy học sinh thuyết trình tự tin trước đám đông, say sưa diễn một vở kịch trên sân khấu hoặc những hành động thể hiện con đã lớn hơn con của ngày hôm qua mà mình gặp.
Đó cũng là đích của công việc tư vấn hướng nghiệp mà chị hướng đến, học sinh trưởng thành hơn để có thể tự giải quyết được vấn đề của bản thân, tự ra quyết định cho con đường tương lai của mỗi cá nhân thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào phụ huynh hay những đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, không vì vậy mà chị không đánh giá cao vai trò của bậc phụ huynh, chị vẫn luôn chia sẻ để các bạn học sinh hiểu rằng việc có bố mẹ đồng hành cùng trong quá trình định hình hướng đi cho tương lai là rất quan trọng. Khi mình còn trẻ thì mình không biết được suy nghĩ của mình đúng hay không đúng, cần lắng nghe người thân cho mình ý kiến, thử và trải nghiệm càng sớm càng tốt để nhận diện rõ hơn về bản thân. Để đưa ra quyết định, kể cả khi mà chưa tự ra được quyết định thì việc nghe theo sự định hướng của cha mẹ cũng là một lựa chọn an toàn hơn cả. Cứ tập trung và làm tốt theo định hướng đó rồi sẽ có nhiều ngã rẽ khiến ta trưởng thành hơn để có thể đưa ra quyết định.