TOSMUN 2024: Olympians Khối 10 chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu
16 Tháng 3, 2024
“Giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội của vấn nạn chảy máu chất xám” (UNESCO).
“Giải quyết các vấn đề sức khỏe liên quan đến việc sử dụng quá mức các trò chơi điện tử” (WHO).
“Giải pháp cho việc sử dụng trẻ em trong quân đội ở những khu vực dễ xảy ra xung đột” (DISEC).
“Sử dụng công nghệ trong chống biến đổi khí hậu” (IPCC).
“Đảm bảo sự tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản” (UN WOMEN).
Đây là những vấn đề “nóng” của toàn cầu đã được Olympians K10 mang lên bàn đàm phán tại The Olympia Schools Model United Nations (TOSMUN) 2024.
TOSMUN là sự kiện thường niên quan trọng do học sinh Olympia tự vận hành, tổ chức, dưới sự hướng dẫn của thầy cô tổ Tiếng Anh. Tại đây, Olympians khối 10 sẽ đóng vai những nhà ngoại giao, đại diện cho các quốc gia và cùng nhau thảo luận trong cuộc họp của Liên Hợp Quốc để tìm giải pháp hoà bình cho các tranh chấp, xung đột, những vấn nạn toàn cầu.
Với hơn 1 tháng chuẩn bị, Olympians được chia thành 5 hội đồng: DISEC, IPCC, UN WOMEN, WHO, UNESCO. Mỗi Olympian cần nghiên cứu, viết báo cáo và trong hội nghị chính thức ngày 15-16/3, các bạn sẽ trình bày thực trạng vấn đề này ở quốc gia mình đại diện. Mỗi quốc gia với một góc nhìn khác nhau đã mang đến một bức tranh đa chiều, tổng quan về các vấn đề nóng của toàn cầu. Và cuộc bàn thảo của những “nhà ngoại giao” tại hội nghị TOSMUN đã diễn ra vô cùng sôi nổi. Với khả năng tiếng Anh học thuật ấn tượng và tư duy lập luận, phản biện sắc bén, Olympians K10 đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình trong phiên thảo luận.
“Quốc gia em đại diện là Hoa Kỳ - cường quốc được hưởng lợi rất nhiều từ những nguồn tri thức lớn, còn một số quốc gia khác có thể nói là “nạn nhân” của nạn chảy máu chất xám. Hiện tượng này gây ra xung đột lợi ích, đồng thời dẫn đến rất nhiều hệ luỵ nghiệm trọng ở các quốc gia. Do đó, Hội đồng UNESCO chúng em đang thảo luận để tìm ra giải pháp chung cho vấn nạn này”, Olympian K10 Hồng Vũ Bảo Khang chia sẻ.
Lê Phúc Hà Linh (K10) - đại diện của quốc gia Somalia - thành viên của Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế (DISEC), cũng cho biết, trước khi tham dự TOSMUN, em gần như không có kiến thức về vấn đề xung đột của các quốc gia. Nhưng khi phải nghiên cứu, viết luận và tham gia thảo luận về chủ đề “Giải giáp cho việc sử dụng trẻ em trong quân đội ở những khu vực dễ xảy ra xung đột”, em đã có thêm nhiều hiểu biết về vấn đề đang “nóng hổi” này.
"Thay vì ngồi 2-3 tiếng để làm bài kiểm tra thì cách học và kiểm tra đánh giá theo mô hình TOSMUN khiến em cảm thấy rất hứng thú. Ngoài nâng cao được năng lực tiếng Anh, em còn học thêm được nhiều kiến thức mới và bộ kĩ năng của công dân toàn cầu như: giao tiếp, thuyết trình, đàm phán, tự nghiên cứu, lên kế hoạch, làm việc nhóm, tư duy đa chiều và phản biện… ", Hà Linh chia sẻ.
Trong các phiên làm việc tiếp theo, 5 hội đồng của TOSMUN sẽ tiếp tục thảo luận để đề xuất những giải pháp hiệu quả cho vấn đề mà mình quan tâm. Hãy tiếp tục theo dõi để khám phá những sáng kiến của Olympians tại TOSMUN 2024 nhé!