undefined

Trò chuyện cùng cô giáo không bao giờ được "lên lớp"

21 Tháng 9, 2021

Ở Olympia, với đặc thù của một trường liên cấp, nhiều thầy cô tham gia giảng dạy tại nhiều cấp học khác nhau. Buổi sáng họ làm nghiên cứu cùng học sinh Trung học trên phòng thí nghiệm, buổi chiều lại thấy họ đang dẫn một nhóm học sinh Tiểu học “lang thang” ngoài vườn để khám phá cây cỏ. Nhưng cũng có những thầy cô mà cả một hành trình dài làm nghề chỉ giảng dạy một khối học.

Cùng trò chuyện với cô Nguyễn Thị Minh Hạnh – người giáo viên không bao giờ được "lên lớp”.

 

 

Q: Chào cô Minh Hạnh. Được biết cô là người đã có một quãng thời gian dài gắn bó với khối lớp 1. Cô đã trực tiếp giảng dạy lớp 1 bao nhiêu năm rồi?

A: Mình đến với các bạn học sinh lớp 1 từ khi mới bước vào nghề giáo viên. Đến nay cũng đã được gần 15 năm rồi.

Q: Lý do nào mà cô gắn bó với khối lớp này lâu như vậy?

A: Việc dạy lớp 1 như là cái duyên vậy. Những ngày mới vào nghề, mình cũng muốn được dạy các lớp lớn để trau dồi thêm kinh nghiệm cũng như thử thách việc truyền đạt lượng kiến thức phức tạp hơn ở các lớp trên. Thế nhưng không hiểu sao, mình thường xuyên được phân công dạy lớp 1. Dù thời gian đồng hành cùng lứa tuổi này lâu là vậy nhưng mình vẫn thấy nhiều thử thách. Cái khó ở đây không phải là về mặt kiến thức mà về tâm thế chuyển giao đầu đời, từ hoạt động vui chơi là chủ đạo sang việc học tập. Giáo viên sẽ đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình học tập cả đời của mỗi bạn học sinh, nếu không cẩn thận sẽ làm các con mất hứng thú với việc khám phá tri thức và đóng lại mọi lối đi với việc học tập.

 

 

Q: Với nhiều thế hệ học sinh như vậy cô có thấy sự khác biệt giữa học sinh xưa và nay không?

A: Có chứ. Học sinh bây giờ khác học sinh ngày xưa rất nhiều, việc các bạn được tiếp xúc sớm với công nghệ cũng mang đến một sự khác biệt tích cực đó là về lượng kiến thức nền khi các con bước vào lớp 1 có vẻ nhiều hơn so với các bạn học sinh lớp 1 của 5 năm, 10 năm trước. Nhưng nó cũng đặt ra các thách thức mới cho giáo viên về mặt phương pháp làm việc cũng như giáo trình giảng dạy để luôn luôn nuôi dưỡng được trí tò mò của các con.

Có một điều khác nữa khi dạy lớp 1 đó là không chỉ làm việc với các bạn học sinh mà còn là quá trình mình cần xây dựng cầu nối tương tác với phụ huynh. Cũng như các bạn học sinh, phụ huynh ngày xưa và bây giờ cũng khác nhau nhiều. Các gia đình ngày nay thường dành sự quan tâm đến việc học của con nhiều hơn, kỳ vọng vào các bạn cũng nhiều. Với những trường hợp như vậy thì vai trò của người giáo viên cần cung cấp đầy đủ cho các gia đình về quan điểm giáo dục của nhà trường cũng như những giải pháp mà bản thân học sinh đang cần trong giai đoạn hiện tại để tìm kiếm được sự đồng thuận từ phụ huynh. Đến khi ấy, gia đình sẽ thực sự là đối tác giáo dục của nhà trường trong quá trình làm việc với học sinh khi ở trường cũng như ở nhà.

 

 

Q: Nếu cho cô được chọn 3 điều mà một giáo viên lớp 1 cần có thì sẽ là những từ gì?

A: Theo mình thì không chỉ là giáo viên mà làm bất kỳ việc gì cũng cần có tâm huyết rồi, thế nhưng để chọn 3 điều cần thiết nhất thì đó là: kiên trì, luôn duy trì được cảm xúc tích cực và học tập không ngừng.

Kiên trì là khi có những bạn học sinh mà vì một lý do nào đó con không thể hoàn thành được nhiệm vụ học tập như các bạn khác. Cùng 1 lượng kiến thức nhưng có bạn học nhanh, có bạn hướng dẫn nhiều lần con vẫn thấy khó khăn. Những lúc đó, nếu bản thân người giáo viên không giữ được sự kiên trì, nhẫn nại thì rất thiệt thòi cho học sinh đó.

Những trường hợp học sinh như vậy cũng dạy mình cách suy nghĩ tích cực. Mình sẽ luôn tự động viên bản thân rằng: “Cố lên, hôm nay con chưa làm được thì mai con sẽ làm được, con sẽ làm được!” Dường như việc mình luôn suy nghĩ tích cực về mỗi bạn học sinh truyền được đến con và mình sẽ luôn thu lại được những thành quả ngọt ngào.

Và cuối cùng là học tập không ngừng vì như đã nói, xã hội phát triển không ngừng, đứa trẻ năm nay mình dạy khác nhiều đứa trẻ năm trước. Nếu không nỗ lực học hỏi và đổi mới thì không thể làm tốt được công việc.

Q: Có phải vì điều đó mà cô Minh Hạnh đã tiếp tục hoàn thành việc học tập tại bậc cao học?

A: Đó cũng là một hành trình thú vị, nhưng nó cũng chỉ là một trong nhiều cách thức để mình nâng cao kiến thức của bản thân. Dù là học ở đâu, cách thức nào thì quan trọng nhất vẫn là mình ứng dụng ra sao các kiến thức mình có ra thành hình hài cụ thể của mỗi giờ lên lớp.

Ví dụ ngày xưa, ngữ liệu hỗ trợ giảng dạy còn hạn chế. Đến bây giờ với sự phát triển của công nghệ, giáo viên bọn mình có thêm rất nhiều công cụ như các clip kể chuyện, các trò chơi tương tác online, những bài hát… Do đó, mình cần phải học tập không ngừng để làm chủ công nghệ, vừa giúp học sinh hứng thú với bài học hơn, vừa giúp mình đỡ vất vả hơn, và cả giúp quá trình làm việc giữa mình và từng phụ huynh được dễ dàng và đồng nhất.

Q: Cô Minh Hạnh có nhắc đến các giải pháp về công nghệ để hỗ trợ cho việc giảng dạy, cô có nghĩ rằng một ngày nào đó máy móc sẽ thay thế một người giáo viên hay không?

A: Công nghệ thì rất là hay, đúng là nó đang làm những việc mà người giáo viên đôi khi không làm tốt bằng. Thế nhưng đó chỉ là những thành tố hỗ trợ quá trình học tập chứ chưa thể thay thế được cho người thầy. Bởi vì học tập là một quá trình tương tác giữa con người với con người, máy móc thì không làm được việc ấy và có một điều mình cho rằng là quan trọng hơn cả, công nghệ có phát triển bao nhiêu đi nữa thì cũng sẽ không có được đó là: Tình yêu thương dành cho học sinh.
 

Share:

Bài liên quan