undefined

Trò chuyện cùng cô Trương Thị Hồng Huệ: “Kỷ luật nào không nước mắt, chỉ là không phải của trò mà của cô thôi”

23 Tháng 9, 2021

10 năm gắn bó với Olympia là một hành trình dài với cô Trương Thị Hồng Huệ - giáo viên cấp THCS với nhiều vai trò, từ giảng dạy, làm công tác chủ nhiệm cho tới tham gia vào việc viết sách cho Bộ giáo dục. Ở bất cứ vai trò nào, cô Hồng Huệ cũng được đánh giá là người “có tâm” với tinh thần nhân văn sâu sắc được truyền đến nhiều thế hệ học sinh. 

 

10 năm công tác tại trường PTLC Olympia, điều gì đã giữ chân chị tại “ngôi trường màu tím” này lâu đến vậy? 

 

Chị vào trường chính thức vào ngày 11/9/2011, tính đến thời điểm này là được gần 10 năm rồi ấy nhỉ? Mỗi một năm học trôi qua ở Olympia, chị lại thấy thêm tin thêm yêu vào nơi mình đã chọn bởi Olympia không đơn giản là một nơi để làm việc mà đó là sự nhiệt huyết, háo hức của một cô giáo những ngày đầu ra trường và là sự trưởng thành, chín chắn qua từng năm tháng. Ở đây, chưa bao giờ chị cảm thấy mình cũ đi, năm nào cũng là một cái mới, chị được học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp của mình, được dẫn dắt, chia sẻ và chưa bao giờ cảm thấy đơn độc. Chị được tạo những cơ hội để được tiếp xúc với các chuyên gia giáo dục để phát triển chuyên môn, chị yêu từng đứa trẻ ở nơi này nữa.

 

 

Cô Hồng Huệ những năm đầu làm việc tại Olympia.

 

Được tham gia viết sách chương trình của Bộ Giáo dục, chị Hồng Huệ nghĩ sao về cơ hội đặc biệt này? 

 

Đúng là một cơ hội đặc biệt, cũng là cơ duyên mà trường mình mang đến cho chị. Sau khi chương trình 2018 công bố, trường Olympia đã mời các thầy cô chuyên gia về để xây dựng chương trình nhà trường. Chị đã được gặp lại thầy giáo của mình hồi đại học – một người thầy đặc biệt mà chị luôn ngưỡng mộ khi còn là sinh viên. Từ ngày ra trường, thầy trò có nói chuyện với nhau nhưng chưa bao giờ chị nghĩ có một ngày được làm chương trình với thầy, được thầy ngồi dưới dự giờ và góp ý. Kết thúc quá trình làm chương trình nhà trường cho Olympia cũng là lúc thầy đặt lời mời chị viết một chương trong cuốn sách Công nghệ 6 mới. 

 

Lúc đầu cũng băn khoăn nhiều lắm vì chị nghĩ chị không làm được. Sau rất nhiều lời động viên từ thầy, chị nhận lời với sự háo hức khi được mang những giá trị của Olympia đi lan tỏa. Gần 2 năm được tham gia quá trình viết sách có lẽ là 2 năm chị học được khối lượng kiến thức chuyên môn nhiều nhất từ các tài liệu khoa học đến cả kho tri thức từ các chuyên gia đầu ngành. Những đêm thức trắng, những ngày họp sách căng thẳng và cả những lần thẩm định nội bộ rồi thẩm định quốc gia với cả trăm góp ý đã mang đến cho chị nhiều cảm xúc và sự trưởng thành. Trong đó có lẽ điều mà nhiều người nhận thấy đó là bản lĩnh, kỹ năng thuyết trình cũng như văn phong của chị tốt hơn rất nhiều. 

 

Một điều tuyệt vời nữa khi cuốn sách hoàn thành và được rất nhiều tỉnh thành lựa chọn đó là cơ hội chị được giao lưu, gặp gỡ với các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ - GD STEM đến từ các trường đại học và rất nhiều giáo viên dạy môn Công nghệ trong cả nước.

 

Viết sách không phải là một điều đơn giản, nhất là một chương trình giáo dục phổ thông toàn quốc. Chị Huệ đã chuẩn bị những gì để tham gia vào quá trình viết sách của Bộ? 

 

Thú thật, lúc đầu tiên chị chỉ chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng và những trải nghiệm trong quá trình làm nghề ở Olympia thôi. Ban đầu, chị cứ nghĩ với những nội dung đó mình dạy tốt ở Olympia rồi thì chỉ viết lại rồi chia sẻ cho người khác. Đến lúc bắt tay vào viết sách, chị cảm thấy choáng ngợp. Từ kiến thức khoa học, ngôn ngữ đến văn phong phù hợp với tâm lý lứa tuổi lớp 6 đều là những điều vô cùng cẩn trọng. Lựa chọn bất kì một hình ảnh, một ngôn ngữ, một dữ liệu hay một hoạt động nào cũng đều phải có ý nghĩa với học sinh vì những quy định khắt khe trong từng trang sách. Thời điểm đó, có những ngày chị phải làm việc, đọc tài liệu cả đêm. Chị vẫn đảm bảo việc dạy ở trường và hoàn thành việc viết sách mà không bỏ cuộc. Tinh thần đó chị có được là từ Olympia, sự kiên định – vượt thử thách đến cùng.

 

Đồng tác giả của cuốn sách Công nghệ 6 - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sốngChương trình Phổ thông mới của Bộ giáo dục.


Đồng nghiệp và học sinh thường đánh giá cô Hồng Huệ là một giáo viên có tâm với "kỷ luật không nước mắt"; đó có phải quan điểm giáo dục trên con đường làm nghề của chị Huệ? 

 

Kỷ luật nào không nước mắt, chỉ là không phải của trò mà của cô thôi. Nói vui vậy thôi chứ thật sự là chị trăn trở về quan điểm giáo dục của chính bản thân mình nhiều lắm. Mỗi đứa trẻ đều là những điều đặc biệt, mình làm cách này tốt với bạn này nhưng chưa chắc đã là tốt với bạn khác. Mà rồi cái điều mình nghĩ là tốt ấy, cũng lại chưa chắc đã là điều bạn học sinh cảm thấy tốt nếu như không đúng cách, đúng thời điểm và phù hợp với đối tượng. Nên mỗi khi làm bất kì việc gì, chị đều suy nghĩ rất nhiều. Chị thận trọng quan sát, tìm hiểu kỹ lưỡng bối cảnh xung quanh bạn ấy từ các mối quan hệ bạn bè, gia đình hay việc học, việc chơi của bạn ấy và rồi nhẹ nhàng lắng nghe. Với chị, điều gì đến từ trái tim sẽ dễ chạm đến trái tim hơn. Nguyên tắc của chị là kịp thời và làm đến cùng, không bỏ qua. Chị tận dụng mọi không gian, thời gian để được tiếp xúc với từng đứa trẻ, để thật sự hiểu chúng và để được là nơi AN TOÀN với chúng. Chị ít khi đưa ra lời khuyên với các bạn ấy lắm. Chị nghe và chị chia sẻ với các bạn ấy những trải nghiệm thật của chị rồi cùng các bạn ấy phân tích để tìm phương án. Chị cũng sẵn sàng sai cùng các bạn ấy để cùng nhau trải nghiệm và cùng nhau trưởng thành miễn là nó vẫn trong giới hạn an toàn.

 

Một điều quan trọng nữa trong mối quan hệ giữa chị với các bạn học sinh hay phụ huynh là sự TÔN TRỌNG và THẲNG THẮN. TÔN TRỌNG là bởi vì ai làm gì cũng có lý do, cũng cần được lắng nghe và chia sẻ. Có thể trong quá trình chia sẻ sẽ có những cảm xúc và lời nói gây khó chịu cho bản thân mình nhưng cần bình tĩnh để lọc được thông tin, tìm ra bản chất của vấn đề để cùng nhau giải quyết. THẲNG THẮN là lúc mình nhìn thẳng vào mọi chuyện mà không bao biện, sai thì nhận là sai, khó chịu thì nói là khó chịu để cùng nhau nhìn thấy giới hạn và cùng nhau hợp tác để giải quyết trọn vẹn những vấn đề xảy đến.

 

Làm việc với học sinh khó hơn việc giảng dạy nhưng là cách để mang đến một con người nhân văn hơn của học sinh. Đã có trường hợp học sinh nào để cho chị một bài học hoặc kỷ niệm gì khó quên?

 

10 năm làm nghề, thực sự có quá nhiều kỉ niệm. Mỗi khóa học sinh đi qua đều để lại trong mình những điều khó quên. Kể ra thì nhiều lắm mà chị cũng không biết bắt đầu kể từ đâu cơ vì để gắn với một học sinh là một quá trình đồng hành lâu dài, chị chỉ biết rằng, giờ phút này, dù học sinh đã rời khỏi Olympia hay vẫn còn ở Olympia, chị đều hạnh phúc khi thấy các bạn ấy trưởng thành. Có một bạn học sinh chị chủ nhiệm từ lớp 7 đến lớp 9 rồi bạn ấy chuyển trường vì không đủ điều kiện để vào lớp 10 Olympia, khi bạn ấy đi, chị thật sự suy nghĩ nhiều lắm mà rồi đến giờ bạn ấy đã là sinh viên đại học và đi du học ở nước ngoài rồi. Chị còn nhớ như in một tối mùa đông rất lạnh, hôm đó chị đi làm về rồi cùng gia đình đi chơi mãi 10h tối mới về đến nhà, chị thấy bạn ấy chờ chị với một giỏ hoa quả và nói rằng “Con chờ cô 3 tiếng rồi, con chưa ăn gì nhưng nhất định phải chờ cô về để chào cô vì ngày mai con đi du học rồi. Con xin lỗi cô vì đã khiến cô vất vả trong thời gian con học cô và con muốn nói với cô rằng cô là điều tốt đẹp nhất trong quãng đời học sinh của con”. Chị đã khóc như mưa vậy. Thời gian trôi qua, bây giờ mỗi lần bạn ấy về Việt Nam đều đến nhà chị “xin một bữa cơm”. Yêu lắm.

 

 

Theo chị đâu là điều thuận lợi và khó khăn khi làm việc với học sinh THCS? Trường THCS Olympia có điều gì khác so với những ngôi trường khác? 

 

Ở lứa tuổi này hay lắm, vừa cười đấy rồi có khi lại vùng vằng, nước mắt chảy dài ngay được. Lứa tuổi mà các bạn học sinh có nhu cầu rất cao để khẳng định bản thân và xây dựng hình ảnh của mình cho dù trải nghiệm chưa thật nhiều nên sẽ nhìn thấy những lúc các bạn ấy nghĩ việc mình làm luôn đúng, không ai hiểu được và chống đối với cả thế giới. Như chị nói ở trên ý, với các bạn, điều quan trọng nhất là lắng nghe và tôn trọng. Có những khi phải nhẹ nhàng nhưng cũng có những thời điểm phải nghiêm khắc, thẳng thắn để các bạn ấy nhìn rõ bản chất của vấn đề. Điều tuyệt vời nhất là học sinh Olympia hầu hết đều biết tôn trọng, tự tin và có kĩ năng chia sẻ. Chị thích các bạn ấy lắm vì đâu đó trong các bạn ấy là hình ảnh của mình ngày xưa. Chị ra trường là về Olympia làm việc luôn, không có nhiều trải nghiệm ở các trường khác nên không có sự so sánh. Điều chị cảm nhận được ở học sinh trường mình là các bạn ấy có phông văn hóa khá đồng đều, có cá tính riêng nhưng cũng rất biết điểm dừng, biết lắng nghe và sẵn sàng nhận sai để thay đổi nếu các bạn ấy thấy có lý, biết tự chủ, tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình sau khi cân nhắc đến hệ quả và các mối quan hệ xung quanh.


 

 

Share:

Bài liên quan