undefined

Từ lắng đọng đến bùng nổ cảm xúc trong buổi showcase báo cáo sản phẩm cuối năm học của khối 10 & 11 Olympia

04 Tháng 5, 2023

Sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn nở rộ vào tháng 4, báo hiệu cho thấy một mùa hạ đang tới, mang theo nguồn năng lượng trẻ trung và mạnh mẽ. Đây chính là lúc các bố mẹ nô nức tới với nhà hát Olympia và hồi hộp theo dõi những buổi trình diễn báo cáo dự án cuối kỳ. Thứ 7 (ngày 22/4) vừa qua là một ngày như thế, ngày nhà hát liên tục sáng đèn với Showcase liên môn của tất cả học sinh khối 10 – 11.
Showcase có tên gọi “Bản sắc và hội nhập” năm học 2022-2023 nằm trong chuỗi các hoạt động học tập, đánh giá của Dự án học tập liên môn Ngữ văn - Lịch sử - Mĩ thuật - Âm nhạc “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?” của học sinh hai khối 10, 11. Đây là sự kết tinh của những kiến thức, trải nghiệm mà Olympians đã tích luỹ được trong cả năm học vừa qua, để rồi giờ đây, các em tự tin đứng trên sân khấu của Nhà hát Olympia và toả sáng trước sự chứng kiến của đông đảo bố mẹ, bạn bè, thầy cô. Đằng sau buổi biểu diễn kéo dài ít giờ trên sân khấu là quá trình tập luyện bền bỉ, nỗ lực của cô và trò trong suốt nhiều tháng ngày, không bởi vì mục tiêu điểm số, mà là vượt lên giới hạn, cảm nhận cái đẹp của văn hoá cổ truyền và chứng tỏ bản lĩnh.
PHẦN 1- BẢN SẮC
Olympians Khối 10 “Chèo về cội nguồn” để thẩm thấu tinh hoa văn hoá dân gian
Với một tên gọi vô cùng khéo léo, chương trình của khối 10 được ví như một chuyến hành trình “Chèo về cội nguồn”. Mở màn chương trình là bản “Hoà tấu gõ dân ca Mường” được lấy cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế của các bạn trong chuyến đi Hoà Bình vào tháng 2/2023. Những thanh âm mộc mạc, đậm tính dân tộc đã dẫn dắt bố mẹ vào trải nghiệm văn hoá dân gian đầy bất ngờ.
Tiết mục "Hoà tấu dân ca Mường" mở màn cho showcase "Chèo về cội nguồn" của khối 10
Tiếp theo, Olympians khối 10 mang tới hai vở diễn nằm trong chuỗi dự án học tập liên môn Ngữ văn - Lịch sử - Âm nhạc - Mỹ thuật “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?”.
Vở chèo “Kim Nham” là câu chuyện xoay quanh mối quan hệ vợ chồng Kim Nham và Xuý Vân - một người phụ nữ xinh đẹp xưa kia với những tính cách được cho là chuẩn mực của Nho Giáo thời bấy giờ. Sau nhiều sóng gió, từ chỗ giả điên, nàng đã hoá điên thật và tủi hổ tới mức nhảy xuống sông tự vẫn. Vở chèo do chính các bạn học sinh khối 10 Olympia dựng và tập luyện sau quá trình được tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu dân gian, giao lưu, học hỏi cùng các diễn viên chèo Nhà hát Chèo Việt Nam.
Vở tuồng hài “Nghêu - Sò - Ốc - Hến” lại hiện lên với đầy đủ diện mạo bức tranh làng quê phong kiến buổi suy tàn với bốn nhân vật chính: “thầy bói Nghêu” gian trá; “Ốc” lưu manh, trộm cướp; “Trùm Sò” ác bá; “Thị Hến” lẳng lơ. Vốn là tuồng tích dân gian, nhưng khi chuyển qua ngôn ngữ kịch nói, với sự biến tấu nhiều đoạn đối thoại, độc thoại cùng lối diễn xuất ấn tượng của Olympians tài hoa khối 10 đã tạo ra tiếng cười sảng khoái thích thú cho khán giả. Đặc biệt là khi nhìn thấy các thanh niên gen Z khoác lên mình trang phục cổ truyền cực "chất và ngầu”.
Tất cả những vở diễn trên đều được các học sinh K10 dồn tâm huyết, kiên trì thực hiện trong thời gian dài, cùng niềm hứng thú dành cho cách học đọc hiểu văn bản sân khấu dân gian và kiểm tra đánh giá thú vị này.
Một phân cảnh trong vở chèo “Kim Nham”
Là học sinh được tín nhiệm giao vai trò là Tổng đạo diễn của chương trình “Chèo về cội nguồn”, Olympian Khoa Năng Danh (K10) chia sẻ bản thân em đã học được rất nhiều điều bổ ích trước, trong và sau dự án. Năng Danh đã phải nghiên cứu rất nhiều về chèo và tuồng nói chung cũng như hai vở diễn trên nói riêng. Qua đó “con không chỉ hiểu về nét đẹp của nghệ thuật xưa, về những giá trị mà người đi trước để lại, mà còn được hiểu thêm về công việc của người đạo diễn, cách tổ chức đội nhóm và nhiều kỹ năng khác.” Khoa Năng Danh cho biết. Bạn cũng cho rằng những thời gian khổ luyện bên nhau để có được show diễn thành công mới là điều quý giá còn mãi.
Olympians khối 11 đi tìm “Tôi giữa xứ thơ”
Xuôi về miền Trung của dải đất hình chữ S, tháng 11/2022, Olympians khối 11 đã đến tham quan và học tập tại Thành phố Huế - mảnh đất có sắc thái văn hoá bản địa và vùng miền độc đáo, nơi cố đô chứa đựng những nét văn hoá tinh tuý của dân tộc. Cũng chính nơi này đã nhen lên niềm đam mê cho Olympians để tái hiện những bối cảnh, không gian đậm nét Huế trong “Tôi giữa xứ thơ” tại nhà hát Olympia.
Khung cảnh thơ mộng bên dòng sông Hương của "vua Bảo Đại" và "Nam Phương Hoàng Hậu" được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Olympia
Thông qua quá trình tự tìm hiểu qua tài liệu và học tập trải nghiệm tại Huế, các bạn học sinh đã được tiếp cận với những nét đặc sắc về văn hoá, kiến trúc, con người Huế và cảm thụ các văn bản thơ mới như “Đây thôn Vĩ Dạ" (Hàn Mặc Tử), “Tạm biệt Huế” (Thu Bồn) và bút kí về Huế “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Từ đó, Olympians đã tự biên tập và sáng tạo nên vở nhạc kịch “Hương thành cố đô” và mang đến sân khấu Nhà hát Olympia trong sự thích thú của gia đình và thầy cô, bạn bè.
"Hương thành cố đô" là câu chuyện về những con người dịu dàng, kín đáo đã cống hiến trọn vẹn cả cuộc đời mình bên dòng Hương giang - "dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc" (Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng cũng không kém phần hoành tráng, bên cạnh vở nhạc kịch, các bạn học sinh còn thể hiện khả năng múa, hát, độc tấu piano,... qua những tiết mục nghệ thuật công phu, được đầu tư bài bản. “Con đã nhận ra là khối 11 đã trở nên trưởng thành và đoàn kết đến nhường nào. Trong những lần chúng con tập luyện không như mong muốn, các bạn vẫn luôn đoàn kết, thúc đẩy và trấn an lẫn nhau, từ đó con càng cảm thấy xúc động và tự hào hơn khi mình được là một phần trong chương trình này.” Trâm Anh (K11) nói.
Là người sát cánh cùng các bạn học sinh khối 11 xuyên suốt vở nhạc kịch “Tôi giữa xứ thơ”, cô Trần Phương Thanh - Giáo viên Ngữ văn cấp THPT chia sẻ “Mình cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc khi được đồng hành cùng các bạn học sinh trong dự án học tập này, ở đó, mình thấy được tinh thần nhiệt huyết, đoàn kết, nghiêm túc của các bạn đối với dự án. Không phải chỉ riêng các bạn mà chính bản thân mình cũng đã học thêm nhiều điều, mình hiểu hơn về suy nghĩ của thế hệ gen Z với những vấn đề xưa cũ và cả những câu chuyện của cuộc sống hôm nay. Chứng kiến quá trình các bạn tổ chức dự án, mình càng có thêm niềm tin vào những người trẻ trong việc tìm hiểu và giữ gìn nét đẹp văn hoá dân tộc.”
Showcase báo cáo sản phẩm ngày 22/4 chắc chắn đã trở thành kỉ niệm đáng nhớ, đầy tự hào của mỗi Olympians và gia đình khi cha mẹ, ông bà chứng kiến các con từng bước trưởng thành và hạnh phúc trong ngôi trường gia đình đã lựa chọn. Phát biểu cảm tưởng sau buổi diễn, nhiều phụ huynh đã bầy tỏ lòng tri ân tới các thầy cô đã công phu xây dựng và huấn luyện cho các con.
Và mừng vui, hạnh phúc nhất chính là tập thể thầy cô đã sát cánh cùng các bạn trong những ngày tháng học tập vừa qua. Niềm tự hào không cách nào che giấu đang ở khắp nơi rồi. Chúc mừng thầy cô và các bạn đã chinh phục được hàng trăm khán giả trong một ngày quan trọng của năm học.
 
Share:

Bài liên quan