Tuổi dậy thì: Giúp con phát triển hình ảnh cơ thể tích cực
23 Tháng 10, 2022
“Cô giáo: Con tháo khẩu trang ra nhé!
Học sinh: Con không thích. Mặt con xấu, nhiều mụn lắm ạ.”
“Mẹ: Mẹ nhận được thông báo con không ăn trưa cả tuần nay
Con: Con không đói, con muốn giảm cân”.
Những tình huống trên không còn xa lạ với bố mẹ có con trong độ tuổi dậy thì. Các bạn ở tuổi này thường để ý rất nhiều đến vẻ bề ngoài của mình và ánh mắt mọi người đối với vẻ bề ngoài ấy. Giúp con xây dựng một hình ảnh cơ thể tích cực, là điều quan trọng bố mẹ cần làm, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh lâu dài của con.
Vậy, thế nào là “hình ảnh cơ thể tích cực”? Các bố mẹ có thể hiểu rằng, đó là cảm giác hạnh phúc và hài lòng về cơ thể của mình, thoái mái và chấp nhận cách mà mình nghĩ, mình cảm nhận về cơ thể của bản thân. Khi các bạn trẻ có hình ảnh cơ thể tích cực thì khả năng có sức khỏe tinh thần tốt, thái độ đối với việc ăn uống và hoạt động thể chất của các bạn ấy cũng tích cực, lành mạnh hơn.
Dưới đây là một số cách các bố mẹ có thể làm, điều để giúp các bạn tuổi dậy thì phát triển hình ảnh cơ thể tích cực:
1. Nói chuyện với con về cơ thể và hình ảnh cơ thể
Đầu tiên, các bố mẹ cần lắng nghe chủ động (lắng nghe tập trung, không phán xét, khuyên bảo, chí trích) cảm nhận của con về những thay đổi thể chất ở lứa tuổi dậy thì. Bố mẹ nên thể hiện cho con biết là mình quan tâm và hứng thú như thế nào với những gì con nói, điều con bận tâm. Nếu con thấy bối rối hay mâu thuẫn trong vấn đề gì liên quan đến hình ảnh cơ thể của mình, bố mẹ có thể trấn an con rằng: những thay đổi này là điều tự nhiên của quá trình lớn lên. Và câu chuyện bố mẹ đã trải qua quá trình đó như thế nào, đã rút ra được những bài học giá trị nào cho bản thân khi đối diện vấn đề con đang gặp phải, chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý và ghi nhớ của các bạn trẻ.
Không chờ đợi các bạn trẻ chủ động bắt đầu cuộc trò chuyện về cơ thể và hình ảnh cơ thể, chính bố mẹ có thể “khơi mào” nó theo một cách tự nhiên nhất, như khi cả nhà tình cờ xem được một hình ảnh nhân vật nào đó lung linh hơn đời thực trên tivi hay mạng xã hội. Cách dẫn dắt này có thể giúp cuộc trò chuyện trở nên thoải mái, dễ dàng hơn.
2. Gửi đến con những thông điệp tích cực về bản thân con
Bố mẹ nên cho con biết rằng, bố mẹ tự hào về những gì cơ thể con có thể làm được, những mặt tốt của con mà không liên quan đến ngoại hình hay việc trông con như thế nào. Chẳng hạn như: “Con có một đôi chân rất khỏe”, “con đã chạy được một quãng đường rất dài”, “con có óc hài hước”, “con biết yêu thương, hay quan tâm giúp đỡ người khác”… Bằng cách này, cộng với việc giúp con dành thời gian cho những sở thích và hoạt động lành mạnh khiến con cảm thấy thoải mái, bố mẹ sẽ giúp con cảm thấy tự tin hơn về bản thân và có được nguồn năng lượng tích cực đấy.
3. Trở thành hình mẫu “hình ảnh cơ thể tích cực”
Nếu bố mẹ cảm thấy tích cực về chính cơ thể mình thì con cũng sẽ dễ dàng cảm thấy điều đó đối với cơ thể của con. Vậy bố mẹ hãy trở thành hình mẫu cho con, bằng cách:
+ Làm cho việc ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất trở thành một phần của cuộc sống gia đình hàng ngày.
+ Chấp nhận những đặc điểm di truyền của mình và nói về cách đặc điểm di truyền này sẽ ảnh hưởng thế nào đến hình dáng, cân nặng cơ thể.
+ Đánh giá cao cơ thể của mình vì những gì cơ thể có thể làm mà không phụ thuộc vào vẻ bề ngoài.
+ Tự hào về những điều ở bản thân mà không liên quan đến ngoại hình.
+ Cho mọi người trong gia đình biết rằng, trêu chọc về cân nặng hay ngoại hình là không ổn. Trêu ghẹo có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh cơ thể và có thể dẫn tới bắt nạt.
+ Lưu ý trong từng lời chia sẻ với con về những câu chuyện liên quan đến ngoại hình mà đôi khi vì bố mẹ không nhận thức được, nó có thể ảnh hưởng không tích cực đến suy nghĩ của trẻ. Ví dụ, mẹ gặp một người quen và nói: trông cậu thật tuyêt - cậu đã giảm cân đi rất nhiều.
4. Một số dấu hiệu cảnh báo sớm bố mẹ cần lưu ý
Bố mẹ có thể lưu ý đến một số dấu hiệu cảnh báo sớm về việc con đang tập trung quá mức vào cơ thể của bản thân, bao gồm cả căng thẳng và lo lắng về vẻ bề ngoài như:
+ Con chỉ trích cơ thể mình, liên tục so sánh cơ thể mình với người khác.
+ Ám ảnh về cân nặng hoặc bộ phận nào đó trên cơ thể con như: mặt, bụng, chân tay...
+ Che cơ thể bằng quần áo rộng thùng thình.
+ Dành nhiều thời gian trước gương và tìm kiếm những thay đổi hoặc khuyết điểm.
+ Liên kết thức ăn với cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc đổ lỗi.
Nếu bố mẹ nhận thấy con đang gặp một trong những dấu hiệu này, hãy nói chuyện với con về những điều bố mẹ đang lo lắng. Khi mọi thứ sau cuộc nói chuyện không thay đổi, bố mẹ có thể tìm thêm sự trợ giúp từ chuyên viên tâm lý học đường hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Chúc các bố mẹ sẽ thành công trong việc đồng hành và giúp con phát triển hình ảnh cơ thể tích cực nhé!
Phòng Tâm lý học đường Olympia