Vận động - cần chứ không chỉ là muốn hay không!
21 Tháng 9, 2021
Trong thế giới hiện tại, lối sống ít vận động đang ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia. Báo cáo năm 2017 của Mạng lưới nghiên cứu hành vi ít vận động (SBRN) [1] cho thấy chỉ có 21% người trưởng thành đáp ứng các nguyên tắc hoạt động thể chất, trong khi chưa đến 5% thực hiện 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Vấn đề này càng tăng lên trong những năm qua, khi công nghệ ngày càng phát triển và hỗ trợ con người giải quyết các công việc lao động chân tay, nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức mới cho cơ thể con người.
Nhanh chóng phát triển qua từng thời kỳ, con người đã có robot hút bụi, máy rửa chén, máy giặt, lò nướng, máy pha cà phê... cho những công việc đơn giản nhất trong nhà. Mỗi thiết bị này dần giảm đi thời gian di chuyển của chúng ta trong suốt cả ngày. Sử dụng thiết bị điện tử, smartphone cũng dần là hoạt động thay thế trong các hoạt động chung của gia đình - nơi những ông bố, bà mẹ trong thời đại này cũng phải vật lộn để thích ứng với những đứa con thành thạo về công nghệ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2018) [2], việc vận động đưa tới những lợi ích như: Tăng sự phát triển của cơ tim và hiệu suất làm việc của quả tim; giảm cholesterol máu và tăng thải trừ các chất chuyển hóa trung gian gây nhiễm độc cơ thể; giảm cân; giảm nguy cơ hình thành huyết khối, nguyên nhân hàng đầu gây tắc mạch; tăng phát triển cơ vân giúp các hệ thống mạch máu phát triển và lưu thông tuần hoàn thuận lợi,...
Không chỉ về mặt cơ thể, vận động cũng có những tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của mỗi người. Vận động làm tăng lưu lượng máu đến não và kích thích tăng khối lượng não, đặc biệt là ở vùng đồi hải mã - một khu vực của não cực kỳ quan trọng trong trí nhớ và lý luận. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em và người lớn vận động có sức khỏe tinh thần và cảm xúc tốt hơn so với những người không vận động thường xuyên. Việc vận động giúp giải phóng endorphin, ngăn chặn trầm cảm và lo lắng. Đặc biệt hơn, vận động thường xuyên có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm.[3]
Con người rõ ràng cần hoạt động thường xuyên, nhưng thế giới hiện đại đang cố gắng kéo chúng ra khỏi điều đó. Các loại thiết bị theo dõi hoạt động như Apple Watch hay Fitbit ra đời để can thiệp, giúp con người ý thức hơn về việc hoạt động của mình. Việc để sắp xếp một khung thời gian cố định dành cho việc tập thể dục đôi khi là một điều khó khăn trong cuộc sống bận rộn. Vì vậy, để mọi thứ đơn giản hơn, chúng ta sẽ khuyến khích mọi người di chuyển, vận động thường xuyên để trở nên khỏe mạnh.
Phòng tâm lý học đường - Trường Olympia
[1] Sedentary Behavior Research Network (SBRN) (2017), Measurement of sedentary behaviour in population health surveys: a review and recommendations.
[2] World Health Organization (2018), Physical activity.
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/physical-activity
[3] P. C. Dinas, Y. Koutedakis & A. D. Flouris (2010), Effects of exercise and physical activity on depression, Irish Journal of Medical Science.