undefined

Xây dựng Năng lực Ngoại Ngữ đích thực Trong bối cảnh học tập, công việc và cuộc sống giờ đây, Tiếng Anh không còn là đíc

23 Tháng 9, 2021

Trong bối cảnh học tập, công việc và cuộc sống giờ đây, Tiếng Anh không còn là đích đến. Tiếng Anh giờ đây cần được xem như là một công cụ người học có thể sử dụng để mưu cầu tri thức, phát triển kỹ năng, mở rộng và đào sâu tư duy, cũng như định hình về nhân sinh quan. Thế nhưng, khi giáo dục phát triển với tốc độ quá nhanh, và nhiều đối tượng tham gia vào đối thoại giáo dục, đó cũng là lúc cách nghĩ, cách làm bộc lộ nhiều hạn chế về mặt hiệu quả và tầm nhìn lâu dài.

 

Những mặc định chưa chuẩn

Khá nhiều bố mẹ, thầy cô và người học dường như vẫn bị mắc kẹt trong một số mặc định chưa chuẩn về việc học Tiếng Anh như sau:

  1. Với trẻ con, giao tiếp tiếng Anh và phát âm chuẩn như người bản xứ được xem là mục tiêu lớn nhất, thậm chí là duy nhất, cho dù hạn chế là trẻ con thiếu đi nền tảng học thuật và tư duy để đi đường dài.
  2. Việc học ngữ pháp nặng nề, cũng như các đề thi, câu hỏi kiểm tra chuyên chọn truyền thống đang bị đẩy lên quá mức trong việc dạy – học, dù điểm số cao trên những bài thi đó chưa chắc đồng nghĩa với việc học sinh thật sự giỏi và làm chủ Tiếng Anh.
  3. Việc luyện thi các kỳ thi chuẩn hóa đang được đẩy xuống quá sớm và chiếm quá nhiều thời lượng dạy – học trên trường lớp, trung tâm, nhưng không phải ai cũng nhìn rõ điểm mù của việc này. Nhiều khi, xu hướng này lại đang “đục khoét” năng lực ngoại ngữ đích thực và thậm chí là cả động lực học tập tự nhiên của học sinh.

 

Những mục tiêu trên, nếu như được kiểm soát và cân bằng trong một chừng mực nào đó, vẫn có những giá trị tích cực. Thế nhưng, vấn để nằm ở chỗ những điều này đang được đẩy đi quá mức, đôi khi trở thành mục tiêu “tối thượng”, chiếm luôn chỗ của việc dạy – học và phát triển năng lực ngoại ngữ đích thực, sâu sắc và lâu bền. 

Chúng ta đang sống trong một thế giới và thời kỳ mà ở đó mục tiêu học Tiếng Anh không còn – và không nên – bị khư khư bó hẹp trong những thước đo “lỗi thời, ngắn hạn” như là phát âm như người bản xứ, nắm vững ngữ pháp, điểm luyện thi cao, vượt qua các đề thi chuyên chọn. 


 

Để giúp cho học sinh đi đường dài và chinh phục nhiều môi trường học thuật, làm việc quốc tế, đặc biệt ở những môi trường ưu việt và xuất sắc, chúng ta cần trang bị cho học sinh một nền tảng năng lực ngoại ngữ đích thực, bao gồm kỹ năng ngôn ngữ tích hợp, kiến thức đa lĩnh vực, kỹ năng nền tảng tư duy, và nhân sinh quan về những khía cạnh trong cuộc sống.

 

Lộ trình phát triển ngoại ngữ

Với Cấp Một, việc dạy – học ngoại ngữ cần giúp học sinh được phát triển một cách tự nhiên, thông qua ngữ liệu đa dạng (sách đọc, chuyện kể, video nghe nhìn,…) và cả trong chính thế giới, cuộc sống thực tế. Bên cạnh việc phát triển các kỹ năng ngoại ngữ, học sinh cần được tạo nhiều cơ hội để quan sát và khám phá thế giới, suy nghĩ, tưởng tượng, sáng tạo ra những ý tưởng của bản thân, thay vì bị gò vào những khung chuẩn ngoại ngữ, đề thi cứng nhắc. Thông qua những dự án học tập bé nhỏ, những cơ hội giúp học sinh được tương tác với người thật, việc thật và thế giới thật sẽ giúp học sinh phát triển năng lực ngoại ngữ một cách tự nhiên và sâu sắc nhất.

 

 

Lên Cấp Hai, mức độ học thuật cần được nâng dần và đều đặn ở các kỹ năng ngoại ngữ, để học sinh có thể chuẩn bị và tránh việc luyện thi quá nhiều ở Cấp Ba. Phạm trù lĩnh vực kiến thức cũng cần được mở rộng và cập nhật với thế giới, tích hợp toàn bộ kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng nền tảng trong mỗi giờ học. Các dự án học tập và tài liệu đọc, nghe nhìn bắt đầu được kéo dài hơn, để học sinh học đủ sâu. Các ngữ liệu dạy – học cũng dần thoát khỏi ngữ liệu dành cho người học Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, mà tiến đến sử dụng ngữ liệu của người bản xứ, giúp học sinh phát triển ngôn ngữ nhanh và sâu hơn.

 

 

Một điểm cần lưu ý là học sinh vẫn cần được cân bằng giữa mặt học thuật và sáng tạo của ngôn ngữ. Nếu chỉ 100% tập trung vào các kỹ năng và ngữ liệu học thuật, đó sẽ là sự phát triển đi ngược với tâm lý và năng lực tự nhiên của học sinh ở lứa tuổi này. Học sinh Cấp Hai cần được kích thích phát triển tư duy sáng tạo và hợp tác, sử dụng các kỹ năng Tiếng Anh để tạo ra những sản phẩm mang sáng tạo như viết truyện, làm thơ, diễn kịch, sáng tác bài hát,… hoặc những dự án học tập gắn liền với thực tế cuộc sống như xây mô hình nhà chống lũ, thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường,…

 

Lên Cấp Ba – giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để học sinh đủ năng lực bước chân vào đại học – việc dạy – học hướng học sinh tiếp cận và sử dụng Tiếng Anh như người bản xứ. Thay vì phân chia theo từng kỹ năng riêng biệt, học sinh sử dụng Tiếng Anh để nghiên cứu và tìm hiểu về các lĩnh vực học thuật mở rộng, chuyên sâu: Khoa học, Kinh tế, Tôn giáo, Nhân văn, Lịch sử… Các dự án học tập cũng sẽ tích hợp ngôn ngữ và kiến thức: mô hình Liên Hiệp Quốc, tranh biện, nghiên cứu xã hội, dự án phục vụ cộng đồng, sản xuất phim, dịch sách, phân tích và đề xuất giải pháp cho các bài toán thực tế của tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề. 

 

Ngoài ra, học sinh cần cân bằng giữa việc luyện thi để chinh phục các kỳ thi chuẩn hóa – là yêu cầu đầu vào cho những trường đại học quốc tế và xây dựng nền tảng năng lực ngôn ngữ học thuật, kỹ năng học tập cần thiết cho đại học: nghiên cứu, viết báo cáo, viết lập luận phân tích, đọc chuyên sâu, thảo luận,… Có như vậy, học sinh mới không khỏi bỡ ngỡ và hụt chân khi bước ra biển lớn và chinh phục những đỉnh cao tri thức.

 

Kết luận

Để thật sự tạo ra những con người làm chủ Tiếng Anh và sở hữu năng lực ngoại ngữ đích thực, có nền tảng để chinh phục và thành công ở bất cứ môi trường học thuật và công việc nào, chúng ta cần có cái nhìn tích hợp, hệ thống và lâu bền. Học Tiếng Anh không chỉ là học một ngôn ngữ, mà là sử dụng ngôn ngữ ấy để mưu cầu tri thức, phát triển tư duy và định hình nhân sinh quan. Đó mới là ý nghĩa thực sự của giáo dục bản chất và bền vững.

 

 

 

 

 

Share:

Bài liên quan