12 cách tạo dựng thói quen lành mạnh trong gia đình
22 September, 2021
Trong một gia đình hiện đại, các bậc cha mẹ đôi khi cảm thấy việc duy trì các thói quen lành mạnh cho gia đình là một việc khó khăn, khi có quá nhiều việc phải làm với một guồng bận rộn từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ. Bởi vậy, thay vì sửa đổi hoàn toàn lối sống của gia đình, kế hoạch điều chỉnh các thói quen theo cách phù hợp với cả nhà sẽ khả thi hơn. Dưới đây là một số ý tưởng mà các bậc cha mẹ có thể lựa chọn và thử áp dụng tại nhà.
1. Tập thể dục
Trong quãng thời gian TV quảng cáo hay quãng nghỉ giữa các tập phim, hãy tổ chức một cuộc thi đấu nhỏ giữa các thành viên để xem ai có thể chống đẩy nhiều nhất, plank lâu nhất hoặc nhảy dây nhiều nhất…
2. Tha thứ
Hãy thừa nhận lỗi lầm với con và mong đợi sự tha thứ. Việc mô hình hóa hành vi này có thể giúp cha mẹ cảm thấy hạnh phúc và mạnh khỏe hơn, đồng thời cũng dạy con cách bỏ qua những mâu thuẫn và sự khó chịu.
3. Quản lý thực đơn
Cho trái cây và rau củ vào bữa ăn hàng ngày của gia đình. Thay giảng giải về sự cần thiết của những thực phẩm này, hãy chuẩn bị sẵn và đảm bảo chúng có trong thực đơn hàng ngày. Việc đảm bảo mô hình ăn uống lành mạnh sẽ giúp trẻ có những lựa chọn phù hợp trong việc ăn uống.
4. Chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe
Luôn cập nhật về việc thăm khám sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, những lần khám định kỳ theo dõi sự phát triển, hành vi, giấc ngủ, ăn uống và sự phát triển các kỹ năng xã hội của con bạn.
5. Ngủ ngon
Cố gắng đi ngủ sớm và có thói quen thư giãn nhất quán - không có thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Trẻ thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng học tập và cảm xúc. Vì vậy, hãy đảm bảo việc nghỉ ngơi và sử dụng thiết bị là điều được thống nhất trong gia đình bạn.
6. Khám phá những điều mới
Lập danh sách các hoạt động cả nhà muốn thử làm cùng nhau và treo nó ở nơi cả gia đình có thể nhìn thấy.
7. Xây dựng sức mạnh
Kết hợp sức mạnh và sự linh hoạt vào kế hoạch hoạt động thể chất của gia đình bạn. Điều này có thể đơn giản như vươn vai trong khi xem quảng cáo hoặc nâng bắp chân trong lúc đánh răng.
8. Tìm niềm vui
Tìm điều gì đó để các thành viên trong nhà có thể cười cùng nhau. Tiếng cười làm giảm căng thẳng, lo lắng và giúp các thành viên trong gia đình gần nhau hơn.
9. Dành thời gian cho những người thân yêu
Thấu hiểu tầm quan trọng của việc hình thành các mối quan hệ bền chặt bằng cách đối xử tốt với những người thân yêu của chúng ta. Trẻ sẽ học được rằng trao đi mà không đòi hỏi nhận lại có thể tạo ra hạnh phúc thực sự.
10. Hạn chế công nghệ
Đặt thời gian sử dụng thiết bị điện tử thành đặc quyền chỉ được phép sau khi hoàn thành công việc nhà và bài tập về nhà. Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử phù hợp với độ tuổi, và không để thiết bị điện tử trong phòng ngủ của con.
11. Giảm căng thẳng
Trẻ cũng trải qua căng thẳng và lo lắng giống như bố mẹ vậy. Tìm kiếm các video trực tuyến miễn phí về yoga cho trẻ em và gia đình, hoặc thử tạo hít thở sâu thành thói quen trước khi đi ngủ của con.
12. Tỏ lòng biết ơn
Tạo một chiếc lọ biết ơn và khuyến khích mọi người ghi chú vào lọ mỗi ngày một điều gì đó mà họ biết ơn. Cả nhà có thể dành thời gian đọc những lời cảm ơn này vào bữa ăn tối.
Cha mẹ có thể gặp khó khăn khi cố gắng giúp các con và các thành viên khác trong gia đình tạo lập thói quen lành mạnh. Khi đó, việc làm gương các hành vi lành mạnh là điều đầu tiên bạn có thể làm. Hãy bắt đầu hành trình chăm sóc sức khỏe của chính mình. Một khi trẻ nhìn thấy những thay đổi mà bạn đang thực hiện, rất có thể con cũng sẽ mong muốn được thử sức mình.
Phòng Tâm lý học đường tổng hợp
Nguồn: mayoclinichealthsystem.org