Cô giáo 15 năm dùng màu sắc, đường nét khuyến khích học sinh nghĩ khác đi, làm sáng tạo
23 September, 2022
Đi một quãng đường dài để trở thành sinh viên trường Mỹ thuật Yết Kiêu (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) nhằm hiện thực hóa ước mơ làm họa sỹ chuyên nghiệp, cô Lương Thu Hà sau đó vì tình yêu trẻ thơ, đã gắn bó với nghề giáo.
15 năm dạy Mỹ thuật ở Olympia, cô không chỉ mang tới những trải nghiệm học hội họa, đồ họa, điêu khắc… phong phú, chuyên nghiệp cho Olympians mà còn truyền đam mê, giúp nhiều học sinh “cất cánh” đến đại học nghệ thuật mơ ước. Mỗi giờ học cùng người giáo viên đam mê sáng tạo, không chấp nhận đi theo lối mòn này, Olympians còn học được cách “tư duy khác”, để dù trên nền vật liệu đã loang màu thời gian, các em cũng có thể tìm ra cách tạo những tác phẩm nghệ thuật thú vị.
“Bà đỡ” cho những đam mê hội họa của Olympians
Đến với Olympia từ năm 2007, cô Lương Thu Hà mang theo “vốn liếng” là 2 tấm bằng cử nhân trường Mỹ thuật Yết Kiêu và bằng Cao đẳng Nghệ thuật trung ương, cùng kinh nghiệm dạy trẻ nước ngoài yêu nghệ thuật ở trung tâm văn hóa. Thời gian đầu đứng lớp, trước cả những học sinh không yêu Mỹ thuật, cô Hà khá lo lắng không biết làm thế nào để học trò không phân tâm hay quậy phá với màu. Rồi chính những đứa trẻ trong ngôi nhà Tiểu học Dream House thuở ấy đã giúp cô tìm ra phương pháp, cảm thấy tự tin hơn và muốn gắn bó sâu sắc với nghề.
“Lứa đầu tiên cô dạy có bạn Ngân Hà - hiện là sinh viên đại học University of the Art London (Anh). Con cá tính và xử lý mọi thứ rất nhanh. Trong khi các bạn khác chạy khắp phòng để tìm khăn-giấy lau màu trên bút vẽ, thì Hà tháo luôn chiếc tất đang đi ở chân ra để lau màu cho đỡ mất thời gian và trôi đi nguồn cảm hứng sáng tạo tác phẩm. Sự tập trung và hứng thú đó của Ngân Hà làm cô nhận ra: chỉ cần giao nhiệm vụ rõ ràng, hợp lý, tạo được bầu không khí vui vẻ và thiết lập mối quan hệ gắn bó với học sinh, thì dù các bạn trẻ có thể chưa yêu môn Mỹ thuật nhưng vẫn sẽ chú tâm, thích thú tham gia vào buổi học”, cô Lương Thu Hà chia sẻ.
Cô Lương Thu Hà hướng dẫn học sinh thực hành vẽ tranh dưới tán cây ở sân Osaka.
Nhiệt thành, tâm huyết trong từng giờ giảng, người giáo viên mang tâm hồn nghệ sĩ luôn cố gắng mang tới nhiều trải nghiệm học tập sáng tạo và thú vị cho học sinh. Tiết dạy của cô không chỉ diễn ra trong không gian phòng học được bày trí rất nghệ thuật nhằm tạo cảm hứng cho học trò, mà còn thường xuyên được “đặt” dưới tán cây nơi sân Osaka hay vườn khoa học, để kích thích mọi giác quan, giúp Olympians thoải mái, tự do sáng tạo tác phẩm của mình. Phó bộ môn Âm nhạc - Thể dục - Mỹ thuật trường Olympia còn cùng đồng nghiệp trong tổ Mỹ thuật cô phụ trách, tạo dựng nên một chương trình học Mỹ thuật phong phú, chuyên nghiệp và phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Vừa được học hội họa trên đa dạng vật liệu: giấy, lụa, gỗ, sơn mài, Olympians còn được thử sức với nhiều loại hình Mỹ thuật như đồ họa, điêu khắc… Trong từng hoạt động và nhiệm vụ học tập, cô Hà đều khuyến khích học sinh “nghĩ khác đi”, “nhìn theo hướng mới” để phát huy tối đa tư duy sáng tạo cho học trò. Tính ứng dụng của Mỹ thuật trong đời sống thực tế, cũng được cô thường xuyên nhắc đến và định hướng Olympians nghĩ tới khi sáng tác tác phẩm của mình. Các triển lãm “Chúng ta từ đâu đến”, “Tiếp biến” - nơi học sinh K1-12 dùng hội họa để đưa văn hóa dân gian Việt Nam vào nhiều sản phẩm đương đại, là minh chứng rõ ràng nhất cho những ảnh hưởng của tư duy sáng tạo và ứng dụng trong nghệ thuật mà cô giáo Lương Thu Hà đã truyền cho Olympians.
Cô Lương Thu Hà và học trò Phạm Ngân Hà - sinh viên đại học University of the Art London (Anh) trong lần cựu Olympian về nước mở triển lãm tranh của em cùng họa sĩ Trịnh Thắng.
Những trải nghiệm phong phú, sáng tạo và nguồn cảm hứng tích cực toát ra từ đam mê nghệ thuật và sự tận tâm với học trò của cô giáo Lương Thu Hà, khiến nhiều học sinh dần yêu thích môn học này, có động lực theo đuổi nghệ thuật ở bậc học cao hơn. Cựu Olympian Vũ Ngọc Thiên Anh - sinh viên đại học Rochester Institute of Technology (New York, Mỹ), từ khi đến Olympia và học Mỹ thuật với cô Hà đã tìm thấy sự tự tin và quyết tâm theo học hội họa, khi được công nhận tài năng và tạo điều kiện để phát triển tối đa năng lực của mình. Cựu Olympians Phạm Ngân Hà - cùng với việc được cô truyền cảm hứng và rèn rũa nghệ thuật, đã chọn học Thiết kế tại đại học University of the Art London (Anh) và mở được triển lãm tranh cùng họa sĩ Trịnh Thắng.
Với Olympian Đỗ Quỳnh Trang (tốt nghiệp năm 2022), cô giáo Lương Thu Hà cũng là người em luôn biết ơn vì đã truyền động lực và tận tâm hỗ trợ cho hành trình “cất cánh” đến Savannah College of Art and Design - top 26 thế giới về lĩnh vực đào tạo “Art and Design” mà em ao ước bấy lâu.
“So với các bạn khác, em apply ngành nghệ thuật khá muộn. Nhưng cô đã luôn động viên, giúp em có niềm tin vào bản thân, và đồng hành, hỗ trợ em tận tình. Cô vừa tư vấn chiến lược, vừa mời những giáo viên giỏi trong chuyên ngành em apply để tư vấn, hướng dẫn em làm portfolio. Có những lúc em và cô đã ở cùng nhau cả ngày trong xưởng vẽ, để hoàn thiện hồ sơ nghệ thuật. Khi em không nộp được file hồ sơ cho trường vì quá nặng, cô đã tìm mọi cách cùng em để gửi được thư cho kịp deadline”, cựu Olympian Đỗ Quỳnh Trang chia sẻ.
Sống tận tâm và nhiệt huyết trong từng giờ giảng với học sinh, những dịp nghỉ ngơi, rảnh rỗi, cô Hà lại cầm cọ màu, bút vẽ để sáng tác những bức tranh của riêng mình. Với cô, đó là cách để đỡ thấy nhớ nghề, giữ được mối quan hệ với các nghệ sĩ bên ngoài và nắm bắt xu hướng - kỹ thuật mới, rồi quay ngược trở lại giúp ích cho quá trình dạy học sinh.
“Phù thủy” của những không gian nghệ thuật trong trường
Không chỉ được biết đến với vai trò giáo viên Mỹ thuật tài năng, truyền cảm hứng, trong mắt nhiều Olympians và phụ huynh học sinh, cô Lương Thu Hà còn là một “phù thủy” không gian với những sắp đặt đậm chất nghệ thuật sáng tạo cho khung cảnh của trường.
Bức “mành” tranh phong phú sắc màu - điểm nhấn check in yêu thích của Olympians nơi sảnh tầng 1 tòa Tiểu học, là triển lãm trưng bày hàng trăm sản phẩm vẽ tay của các bạn học sinh K1-4. Các bức tường nơi sảnh tầng 2 tòa THCS-THPT năm học này như phòng trưng bày những poster và tranh vẽ về chủ đề “Bảo vệ động vật” - sản phẩm trong dự án học tập liên môn Mỹ thuật - tiếng Anh của Olympians THCS. Sảnh tầng 1 tòa THCS-THPT đối diện tượng Grifin lâu nay vẫn là “điểm hẹn” yêu thích của các học sinh, thầy cô và nhiều sự kiện lớn nhỏ đã diễn ra dưới tán cây cổ thụ tái chế lung linh ánh sáng của hàng chục đèn lồng giấy dó được những đôi tay khéo léo của Olympians tạo tác lên đó các hình ảnh, họa tiết hoa văn thời Lý-Trần-Lê, tranh Đông hồ, nền văn minh Ai Cập. Đây đồng thời là triển lãm sắp đặt "Vòng đời" - mượn hình ảnh vòng đời của sâu bướm để tái sinh vòng đời mới cho giấy báo cũ, túi nilon, cành cây khô… Tất cả những không gian này và nhiều không gian độc đáo khác của các chương trình lễ hội ở trường, đều được “bước ra” ý tưởng sáng và đôi tay nghệ sĩ của cô giáo Lương Thu Hà.
Cây cổ thụ tái chế lung linh ánh sáng của rất nhiều đèn lồng giấy dó do Olympians thực hiện, là điểm hẹn yêu thích của các học sinh và thầy cô.
Đôi mắt rưng rưng khi biết bao kỷ niệm trong 15 năm gắn bó với Olympia và các thế hệ học trò ùa về, cô giáo mang tâm hồn nghệ sĩ thủ thỉ rằng: đây chính là thanh xuân, và niềm vui của học sinh khi khoe cô các bức tranh con tự vẽ chính là hạnh phúc, là động lực to lớn để cô đi tiếp trên con đường làm giáo viên dạy Mỹ thuật này.
Cảm ơn cô giáo Lương Thu Hà vì những đóng góp và cống hiến bền bỉ suốt 15 năm dưới mái trường Olympia.