undefined

[Hướng nghiệp tại Olympia] Định hướng nghề cho học sinh Olympia cùng Career Talk 2: Khi cuộc sống là những dữ liệu

02 November, 2021

 

Định hướng nghề cho học sinh Olympia cùng Career Talk 2: Khi cuộc sống là những dữ liệu

 

Khoa học dữ liệu được đánh giá là một nghề “hot” trong thời buổi công nghệ lên ngồi. Để học sinh có những cái nhìn chân thật, cụ thể hơn về nghề nghiệp này, Career Talk 2 với chủ đề “Khi cuộc sống là những dữ liệu” đã được tổ chức vào ngày 22/10/2021 tại trường PTLC Olympia. 

Trang bị kiến thức về nghề nghiệp trong tương lai là một trong những yêu cầu bắt buộc của hoạt động tư vấn hướng nghiệp tại trường PTLC Olympia, đặc biệt với học sinh bậc trung học phổ thông. Xuyên suốt năm học, học sinh có cơ hội tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ hướng nghiệp, trong đó có chuỗi Career talk được tổ chức bởi phòng UCC (Văn phòng Tư vấn Đại học, Du học và Hướng nghiệp) nơi học sinh được gặp gỡ, trao đổi với những chuyên gia trực tiếp làm trong nghề. Với Career Talk số 2, học sinh được tiếp cận với nghề thuộc nhóm 2 Holland Nhóm Nghiên cứu (Investigate) với nghề Phân tích dữ liệu (Data Analyst) và ngành học Phân tích dữ liệu (Data Analysis/Business Analysis) với 2 khách mời là anh Trịnh Thế Thành và anh Sheikh Nassir. 



Chân dung khách mời của Career Talk số 2


  • Anh Trịnh Thế Thành: Giám đốc phát triển ứng dụng nền tảng của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), quản lý nhóm iData Engineer

  • Anh Sheikh Nassir, hiện đang theo học tại đại học Harvard về khoa học dữ liệu. 

 

 

Nhập môn với ngành phân tích dữ liệu

Buổi chia sẻ bắt đầu bằng những kiến thức nhập môn để học sinh có thể hiểu một cách cơ bản nhất về ngành khoa học dữ liệu nói chung và phân tích dữ liệu nói riêng. 

Theo anh Trịnh Thế Thành, phân tích dữ liệu là một cấu phần của ngành dữ liệu. Hiểu cơ bản, công việc chính của những người làm dữ liệu là làm sạch dữ liệu, mang lại các thông tin quan trọng cho công ty, xây dựng các mô hình học máy để áp dụng các dữ liệu, từ đó phát triển các chiến lược cho doanh nghiệp. Khi lượng dữ liệu của công ty lớn, công việc của những người làm dữ liệu cho công ty trở nên quan trọng hơn. 

 

 

Khoa học dữ liệu là tổng hòa của nhiều môn học, bao gồm khoa học máy tính, xác suất thống kê và toán, kiến thức kinh tế… Anh Sheikh Nassir cho rằng, muốn trở thành một chuyên gia phân tích dữ liệu giỏi, bạn cần có nền tảng về thống kê (statistics) và lập trình (programming). Với các bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, để có thể chuẩn bị cho ngành học trong tương lai, anh Nassir chỉ ra 3 điều các bạn cần tập trung phát triển: thứ nhất là kiến thức và kỹ năng Excel, thứ hai là ngôn ngữ lập trình R và thứ ba là các môn học về xác suất thống kê và đại số. 

Đề cập tới ứng dụng của ngành học trong tương lai, anh Nassir nhấn mạnh vào vai trò của khoa học dữ liệu và phân tích dữ liệu trong nhiều mặt của cuộc sống. Với chuyên môn trong mảng dữ liệu y học, anh Nassir đã chỉ ra vai trò của khoa học dữ liệu trong việc phân tích số liệu y học, số liệu tiêm vắc-xin, thông số về dịch bệnh tại nhiều quốc gia… Trình bày về việc phân tích dữ liệu đã có tác động như thế nào trong công tác phòng chống dịch Covid-19, anh Nassir đã cho học sinh thấy vai trò của phân tích dữ liệu với những vấn đề mang tính vĩ mô trên quy mô toàn cầu.

 

Nassir hiện đang học ngành dữ liệu tại đại học Harvard, Mỹ.

Anh Nassir cũng đưa ra một ví dụ gần gũi hơn với các bạn học sinh khi trình bày dữ liệu từ việc phân tích các từ khóa về bộ phim Dark Knight trên 10.000 tweet trên Twitter. Kết quả từ phân tích trên cho thấy những từ ngữ được nhắc nhiều nhất liên quan tới bộ phim theo cấp độ giảm dần. Nhờ vậy, nhóm nghiên cứu có thể biết được điều gì đang được nhắc tới trên mạng xã hội, thảo luận nào đang chi phối các không gian mạng xã hội như Twitter và Facebook. Anh Nassir cho rằng đây có thể xem như một bài tập khởi động cho học sinh để hiểu hơn về phân tích dữ liệu; bắt đầu từ việc thu thập và phân tích dữ liệu đơn giản như các hashtag về một bộ phim, chỉ số thảo luận về một chủ đề trên Twitter hay Facebook.

Từ góc độ của người làm tài chính, anh Thành cho biết phân tích dữ liệu giúp việc tư vấn đầu tư cho khách hàng hiệu quả, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp cho doanh nghiệp. Trong buổi chia sẻ, anh Thế Thành cũng chia sẻ những case-study thực tế của khoa học dữ liệu để các bạn học sinh có thể hiểu hơn về ứng dụng của dữ liệu trong mảng kinh tế.


Triển vọng nghề khoa học dữ liệu

Ngành khoa học dữ liệu đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới. Khi các công ty bắt đầu tiến trình chuyển đổi số doanh nghiệp, họ cần quan tâm nhiều hơn tới mảng dữ liệu - mỏ “vàng” có được sau khi chuyển đổi số thành công. Những nhà phân tích dữ liệu như các “nhà luyện kim” khai thác dữ liệu. Anh Thành cũng chia sẻ rằng nhiều ngân hàng tại Việt Nam bây giờ tuyển dụng các chuyên gia dữ liệu với mức lương cao trên thị trường. Việc đào tạo chính quy về khoa học dữ liệu tại Việt Nam cũng mới manh nha nên triển vọng nghề cũng rất cao trong tương lai xa.

 

Anh Trịnh Thế Thành đang giữ vai trò Giám đốc phát triển ứng dụng nền tảng của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).

 

Hiện đang theo học Thạc sĩ tại Harvard, anh Nassir cho rằng để có thể phát triển trong nghề, học sinh cần có tối thiểu bằng đại học với các ngành liên quan tới khoa học dữ liệu như tài chính, xác suất thống kê, khoa học máy tính… và học chuyên sâu hơn ở bậc Thạc sĩ với các ngành phức tạp hơn như “Học máy” (Machine Learning). 

 

Là một người theo học Công nghệ thông tin chuyên môn về làm phần mềm, anh Thành cho rằng thời điểm anh tốt nghiệp vào những năm 2012, khoa học dữ liệu vẫn là một ngành mới. Tuy nhiên, trong khoảng một thập kỷ qua, ngành dữ liệu nổi lên và có nhiều triển vọng, thu hút đông đảo nhân lực từ các ngành như công nghệ thông tin, tài chính… Anh Thành cũng khuyên các bạn học sinh nếu muốn đi theo đường dài với ngành khoa học dữ liệu cần phải có nền tảng toán tốt. Tuy nhiên, cân bằng việc học toán với các kiến thức, kỹ năng khác cũng là điều quan trọng.

 

“Bạn không cần phải đạt điểm tuyệt đối với môn toán trong trường học phổ thông nhưng điều quan trọng là cần phải biết nhiều thứ vì khoa học dữ liệu đòi hỏi mỗi người phải có kiến thức không chỉ ở một mảng cụ thể,” anh Nassir chia sẻ. 

 

Đồng quan điểm với anh Nassir, anh Thành cũng cho rằng các bạn học sinh không cần phải là một “thiên tài toán” để có thể thành công trong mảng khoa học logic. Phần lớn Toán trong mảng dữ liệu là toán logic. Tất nhiên, để đi xa hơn với các mảng phức tạp liên quan tới khoa học dữ liệu như “Machine Learning”, việc học giỏi toán sẽ hỗ trợ các bạn rất nhiều trên con đường sự nghiệp. 

 

Trước khi khép lại buổi chia sẻ, cả hai diễn giả đã có những lời khuyên dành cho các bạn học sinh Olympia. Với anh Nassir, các bạn học sinh trung học nên bắt đầu làm quen với xác suất thống kê và lập trình R, các môn học cơ bản phù hợp với lứa tuổi. Anh Thành cũng khuyên các bạn học sinh nên bắt đầu học lập trình, tìm kiếm các khóa học online trên mạng để có cái nhìn sơ lược về ngành dữ liệu. Đây đều là những bước cơ bản và cần thiết cho học sinh để tiến tới một hành trình dài hơi hơn trong ngành dữ liệu. 

 

***

 

Series talk “Chuyện nghề” đã lên sóng trực tuyến được 2 số với nhiều phản hồi tích cực từ các bạn học sinh. Theo chia sẻ từ cô Lê Diệu Thúy - Nhân viên văn phòng Tư vấn Đại học, Du học và Hướng nghiệp (UCC), từ nay tới tháng 4/2022 sẽ còn 4 buổi “Chuyện nghề” với các chủ đề khác nhau. Cao điểm cho các hoạt động hướng nghiệp - tư vấn tuyển sinh tại Olympia rơi vào thời điểm tháng 4 với sự kiện Hướng nghiệp thường niên lớn nhất trong năm “Ngày hội tìm hiểu nghề nghiệp – Career Exploration”. Từ cuối năm học trước cho đến nay, mặc dù tất cả các sự kiện đều diễn ra trực tuyến nhưng UCC vẫn duy trì chất lượng và nội dung chương trình, khách mời chia sẻ đa dạng hướng đến những trải nghiệm phong phú và góc nhìn thực tế cho học sinh trong giai đoạn dịch bệnh. 

 

Theo kế hoạch, khi tình hình dịch bệnh diễn biến tốt hơn và an toàn hơn, học sinh Khối 10 sẽ được tham quan trải nghiệm và học tập tại các doanh nghiệp (dự kiến diễn ra vào tháng 2). Tại đây, học sinh sẽ trình bày với chủ doanh nghiệp những tìm hiểu và ý tưởng của mình cho một số khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp. Học sinh Khối 11 sẽ có hoạt động tham quan và trải nghiệm học tập tại một số trường Đại học Việt Nam trên địa bàn Hà Nội. Chuyến đi giúp học sinh nhận diện được những điều cần cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn các trường Đại học để nộp hồ sơ vào bên cạnh giúp học sinh tiếp cận thêm những lựa chọn cho kế hoạch sau THPT của bản thân.

#learnsmart #beagile

 

Share:

Related post