undefined

Đọc Rap về lịch sử 4 triều đại, làm mô hình ảo về Chùa Một Cột: Học sinh Olympia học lịch sử “chất” như thế nào?

23 September, 2021

Lịch sử bước sang trang mới là khi lịch sử được thổi vào hơi thở của cuộc sống hiện đại dưới góc nhìn của những người trẻ, như cách học sinh lớp 10 trường PTLC Olympia thực hiện bài tập lớn cuối kỳ với chủ đề “Đi tìm dấu ấn Văn minh Đại Việt.”

 

Đổi mới phương pháp đánh giá kiểm tra là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của giáo dục Việt Nam và tại Olympia, câu chuyện trên cũng không phải ngoại lệ. Không còn phụ thuộc hoàn toàn vào những bài kiểm tra giấy truyền thống, việc triển khai đa dạng hình thức kiểm tra đã đem lại hiệu quả học tập cao hơn cho học sinh và tạo ra một môi trường học tập thú vị, đa dạng và giàu tính sáng tạo. 

 

Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên lịch sử, cho chúng tôi xem các tác phẩm cuối kỳ của học sinh với niềm tự hào vô cùng về học sinh mình. Lịch sử luôn là một môn học “khó nhằn” trong mắt lũ trẻ nhưng đó cũng là “đất diễn” cho những tài năng sáng tạo vì mọi thứ còn quá mới mẻ để khai thác với học sinh. Văn minh Đại Việt là một chủ đề rộng, xuyên suốt nhiều triều đại lớn của Việt Nam. Nhận một đề tài lớn như vậy vừa có cái khó nhưng cũng có cái dễ với học sinh. Tư tưởng khai phóng trong giáo dục của thầy cô mở đường cho những sáng tạo của trò, để các em thể hiện những nét cá tính riêng biệt, thế mạnh, sở thích, quan điểm nhân sinh quan khác nhau trong mỗi sáng phẩm, làm sao để không xa rời lịch sử nhưng cũng chuyên chở các giá trị xưa cũ gần với hiện tại. 

 

Tôn giáo - tín ngưỡng, giáo dục - khoa cử, kinh tế, văn học - nghệ thuật và khoa học - kỹ thuật là 5 nhóm chủ đề lớn các nhóm học sinh sẽ phải tìm hiểu. Học sinh sẽ có thời gian chuẩn bị, nộp sản phẩm và báo cáo sản phẩm. Không bó buộc trong những chủ đề nhỏ cụ thể, học sinh được thỏa sức tìm tòi khám phá. Kết quả ra đời là những sản phẩm gây ấn tượng cho cả cô lẫn trò, xuất sắc từ giá trị nội dung đến khía cạnh thẩm mỹ, sáng tạo. Phong phú về đề tài, đa dạng về hình thức, duy mĩ và cuốn hút, là những gì có thể thấy ở các tác phẩm của học sinh. 

 

Hát Rap về Lịch sử

 

Một thế hệ trẻ say mê với nhạc Rap, một thế hệ gen Z trò chuyện với nhau bằng những câu đọc Rap cho ra đời những sản phẩm Rap trong môn lịch sử. Chính vì thế, Rap đã được 2 nhóm học sinh lựa chọn cho đề tài của mình với các thành tựu trong lĩnh vực Văn học – nghệ thuật, Kinh tế qua các thời kỳ Lý – Trần – Lê Sơ – Nguyễn. Phải lắng nghe những bản Rap của học sinh mới thấy sự sáng tạo rất lớn của các em. Không chỉ truyền tải những thông điệp và nội dung chính xác, các bản Rap được phối trên nền nhạc bắt tai khiến người nghe dễ nhớ giai điệu và thông tin. Không gò bó trong câu từ hay khiên cưỡng về giai điệu, lời bài Rap được thể hiện mượt mà, ăn nhập với nhịp điệu của nội dung và tiến trình lịch sử. 

 

 

 

Mô hình chùa Một Cột 3D

 

Bên cạnh đó Rap, các mô hình phỏng dựng 3D cũng được các bạn học sinh sử dụng để thể hiện nội dung bài học. Mô hình ảo về Chùa Một Cột của nhóm Sỹ Cường – Thành Việt – Đức Sơn thiết kế trên phần mềm Roblox Studio giúp mọi người có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp kiến trúc của chùa Một Cột trên không gian ảo. Để thiết kế được mô hình ảo, nhóm học sinh phải tìm kiếm các sử liệu với mô tả về kiến trúc của ngôi chùa, điểm độc đáo trong kiến trúc. Việc chuyển hoá những tư liệu đó sang dạng mô hình ảo cũng đòi hỏi học sinh phải sử dụng tốt nền tảng công nghệ thông tin, vượt ra ngoài khuôn khổ kiến thức của một môn học duy nhất là lịch sử. Sau đó, các bạn sẽ tiếp tục lồng tiếng theo đúng chiều tham quan mô hình chùa Một Cột: lịch sử hình thành, đặc điểm, nét độc đáo về kiến trúc, ảnh hưởng của ngôi chùa với đời sống văn hoá tín ngưỡng của nhân dân ta xưa và nay. Sản phẩm hoàn thiện chính là phần video có hình ảnh 3D của chùa Một Cột kèm phụ đề và lồng tiếng.

 

 

Các sản phẩm tạp chí - truyện tranh

 

Bên cạnh đó, tạp chí về các thành tựu Giáo dục – khoa cử của Xuân An – Nguyễn Lê Khánh Linh được thiết kế trên phần mềm Canva đã cho người đọc có cái nhìn tổng quan về sự phát triển của giáo dục – khoa cử qua các thời kỳ Lý – Trần – Lê Sơ – Nguyễn. Hay sản phẩm truyện tranh về Lý Chiêu Hoàng của nhóm Hà Trang – Lê Nguyên đã khiến người đọc có một cái nhìn về tư tưởng trọng nam khinh nữ thời phong kiến và những thông điệp tác giả gửi gắm qua câu chuyện đến xã hội trong thời đại hiện nay.

 

 

Chia sẻ về bài tập lớn cuối kì, Đặng Ngọc Hoàng Anh – học sinh lớp 10SS2, trưởng câu lạc bộ Rap Club cho biết:  “Để có cơ hội làm bài tập lớn cho sản phẩm cuối năm là một vinh dự lớn, hơn nữa con còn có có hội thể hiện khả năng của mình qua bài tập lớn này, con cùng với bạn Nguyễn Trần Khánh Linh đã cùng nhau xây dựng nên một track rap về Văn học và nghệ thuật của các thời Lý – Trần – Lê Sơ – Nguyễn. Cho dù dịch bệnh là chướng ngại vật rất lớn nhưng chúng con cũng đã cố gắng vượt qua trở ngại này để viết thành một bài rap đầy đủ kiến thức và năng lượng tại nhà. Cho dù bằng điện thoại chất lượng không thể như mong muốn, nhưng chúng con vẫn ấp ủ giấc mơ có thể đến thu âm lại và có một sản phẩm đầu ra tuyệt vời hơn. Con muốn gửi lời cảm ơn đến giáo viên bộ môn Lịch sử vì đã cho chúng con cơ hội để học và làm bài tập lớn với điểm mạnh của mình, tạo ra một lớp học không những đáng nhớ mà còn rất thú vị!”

 

Những hình thức học tập, kiểm tra mới mẻ này mang đến cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn cả cơ hội khám phá bản thân và khả năng trong nhiều lĩnh vực. Vượt ngoài khuôn khổ môn lịch sử, học sinh đã tiếp cận thêm với âm nhạc, hội họa, công nghệ thông tin, được vận dụng nhiều kỹ năng mềm trong làm việc nhóm, quản lý thời gian, thuyết trình… Với những thế mạnh vượt trội như vậy, các bài kiểm tra sáng tạo, phù hợp với phương pháp mới và nền giáo dục hiện đại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh tại Olympia. 

 

 

 

Share:

Related post