Đồng hành cùng con sử dụng Internet an toàn (12-15 tuổi)
21 September, 2021
An toàn Internet, hay An toàn trực tuyến, được coi là kiến thức tối đa hóa an toàn cá nhân của người dùng về thông tin cá nhân, tài sản liên quan đến việc sử dụng internet và tự bảo vệ khỏi các rủi ro và tổn hại trên mạng nói chung.
Để có thể đồng hành và bảo vệ con an toàn trên mạng Internet, cha mẹ nên nhớ một số các nguyên tắc sau:
Tôn trọng và công nhận trẻ có quyền
Hãy nhớ rằng cấm đoán không mang lại kết quả, và thực tế, việc cấm đoán đôi khi cũng vi phạm quyền trẻ em, bởi vì:
Bắt đầu đồng hành cùng trẻ sử dụng Internet an toàn càng sớm càng tốt. Trẻ em trong thời đại công nghệ số thường sẽ tiếp xúc với Internet rất sớm, trực tiếp hoặc gián tiếp, chính vì thế, bắt đầu đặt vấn đề và đồng hành cùng con ngay từ “BÂY GIỜ”, “KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ SỚM VÀ KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ MUỘN”.
Để sử dụng Internet an toàn, trẻ và cha mẹ cần nắm vững 6 đặc tính của Internet đã đề cập ở trên và cách thức tư duy để giảm rủi ro khi gặp các trường hợp khác nhau.
Chính vì thế, hãy để cho trẻ em biết rằng:
- Cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi chia sẻ, dù là thông tin của mình hay thông tin của người khác. Nếu con không muốn người khác làm điều gì đó với mình thì cũng đừng làm điều đó với người khác. Cũng giống như bạn bảo con mình hãy nhìn cẩn thận cả hai phía trước khi qua đường hoặc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, hãy dặn các con suy nghĩ trước khi chia sẻ trên mạng.
- Hãy để trẻ biết rằng các quy tắc áp dụng trong cuộc sống thực cũng áp dụng trên mạng.
Lưu ý với mỗi độ tuổi của trẻ, cách đặt vấn đề của cha mẹ sẽ khác nhau theo đặc điểm lứa tuổi, tâm sinh lý của trẻ.
Độ tuổi 12 – 15 tuổi:
Bước sang độ tuổi này (thiếu niên), trẻ có nhu cầu khẳng định bản thân, ý thức bản thân được coi là một bước biến chuyển. Bước biến chuyển này giúp thiếu niên nhận thức, đánh giá được bản thân. Dựa vào những tiêu chuẩn đánh giá của mọi người thiếu niên sẽ xem xét hành vi và hoạt động của mình có phù hợp với yêu cầu của gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, giai đoạn này thiếu niên cũng rất nhạy cảm với những đánh giá của mọi người xung quanh. Do đó đôi khi chỉ là những thành công nhỏ được người khác quá chú ý cũng dễ tạo cho các em cảm giác tự cao, đánh giá quá cao bản thân của mình. Trái lại những thất bại nhỏ nếu bị dè biểu cũng có thể gây cho các em sự rụt rè, tự ti. Sự ổn định hình thành nhân cách trước đây sẽ bị phá vỡ, tạo nên sự thay đổi cấu trúc nhân cách, từ trẻ em sang người lớn trưởng thành.
Quan hệ xã hội của các em từ mối quan hệ cha mẹ chuyển sang mối quan hệ bạn bè. Trong gia đình cha mẹ tạo điều kiện cho các em nhiều quyền độc lập hơn và những yêu cầu cao hơn. Thiếu niên thường không muốn sự chăm sóc quá tỉ mỉ, quan tâm quá mức của cha mẹ. Trong gia đình các em mong muốn cha mẹ tôn trọng ý kiến của các em hơn là chiều chuộng. Thường các em chưa nhận thức được mặt tốt và mặt xấu ở ngoài xã hội trong khi đây là lứa tuổi hay tìm kiếm, thực nghiệm và chống đối. Vì vậy các em cần có sự quan tâm hỗ trợ, dìu dắt hướng dẫn của người lớn. Các em từng bước tự chủ trong học tập và công việc. Vì vậy, các em cần có chỗ dựa tình cảm của người thân để tâm sự và chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm... Sau một thời gian các em sẽ đánh giá, xác định cho bản thân nhân cách mới, nhân cách trưởng thành.
Trẻ có nhu cầu độc lập trong sử dụng và tìm kiếm thông tin trên Internet, bắt đầu có các phản ứng nếu bị can thiệp vào sự độc lập và riêng tư. Tuy nhiên, trẻ vẫn sẵn sàng dành thời gian cho cha mẹ nhưng hạn chế hơn. Trẻ có nhu cầu độc lập và tương tác xã hội rất lớn, bắt đầu có nhu cầu và quan tâm tới các vấn đề liên quan đến tình dục. Trẻ bắt đầu ưa thích và có khả năng nghiện Internet, tương tác trên Internet nhiều hơn ngoài đời thực.
Đây là giai đoạn trẻ có thể phát triển kỹ năng vượt trội khi sử dụng internet, do đó cha mẹ cần tỏ thái độ sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ trẻ. Trẻ cũng có thể sử dụng các ngôn ngữ và ký tự lạ, cha mẹ nên bắt đầu thích nghi và tìm hiểu ngôn ngữ mà con sử dụng trên mạng. Tiếp tục thoả thuận với con về thời gian sử dụng Internet mà không ảnh hưởng đến thời gian vui chơi và tương tác bên ngoài. Thời gian sử dụng các thiết bị tổng trong ngày không quá 2h bao gồm cả thời gian con dùng các thiết bị cho việc học tập.
Nói chuyện với con về các trang web con sử dụng và các bạn con kết bạn, đảm bảo rằng bạn hỏi con không phải để cấm đoán hay xâm phạm riêng tư mà để có thể giúp con nếu cần thiết. Nếu bạn cho rằng có trang nào đó con không nên vào, hãy giải thích rõ ràng với con.
Tham khảo cách đồng hành với con ở những lứa tuổi khác tại đây.
** Bài viết được lược trích từ Cẩm nang cha mẹ thời đại số đồng hành cùng con sử dụng Internet an toàn của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Việt Nam).