undefined

Tuổi dậy thì: Giúp con vượt qua áp lực đồng trang lứa

30 October, 2022

Ở tuổi dậy thì, áp lực đồng trang lứa là điều các bạn trẻ hay phải đối mặt. Áp lực này vừa có thể là tích cực, khiến con trở nên quyết đoán hơn, tích cực tham gia nhiều hoạt động ở trường và sẵn sàng thử các dự án mới. Nhưng áp lực đồng trang lứa cũng có thể là tiêu cực khi khiến con lựa chọn làm những điều mà bản thân không mong muốn chỉ để được bạn bè chấp nhận, như hút vape, vi phạm quy tắc…

Giúp con ứng phó với áp lực đồng trang lứa, là điều rất quan trọng các bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm, bởi vai trò của bố mẹ trong việc này là rất lớn đấy.

Vậy bằng cách nào bố mẹ có thể hỗ trợ được con? Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc này, chính là giúp con hình thành được giá trị của bản thân, đưa ra được những lựa chọn phù hợp và cân bằng được việc là chính mình với việc hòa nhập cùng bè bạn.

Dưới đây là một vài gợi ý đến từ Phòng Tâm lý học đường Olympia, bố mẹ cùng tham khảo nhé!

 

Ảnh minh họa.

1. Xây dựng cho con sự tự tin

Sự tự tin giúp con có khả năng chống lại những ảnh hưởng tiêu cực, đưa ra được các quyết định an toàn - sáng suốt để tránh những người và tình huống không phù hợp với mình.
Bố mẹ có thể xây dựng sự tự tin của con bằng cách ghi nhận và khen ngợi những cố gắng của con; khuyến khích con thử sức với những điều mới có thể mang lại thành công; và động viên con tiếp tục cố gắng ngay cả khi mọi thứ đang thật khó khăn.

Vừa chỉ cho con cách thể hiện sự tự tin của bản thân, bố mẹ cũng đừng quên trở thành hình mẫu cho sự tự tin để con có thể học hỏi nhé!

2. Giúp con tạo dựng lòng trắc ẩn với bản thân

Lòng trắc ẩn với bản thân chính là đối xử với chính mình một cách ấm áp, quan tâm, bao dung và thấu hiểu. Khi trẻ có lòng trắc ẩn với chính mình sẽ dễ dàng hơn để các bạn ấy xử lý những lo âu, căng thẳng liên quan đến áp lực đồng trang lứa.

Việc bố mẹ giúp các bạn trẻ cảm thấy rằng mình luôn được yêu thương, chấp nhận và an toàn, là rất quan trọng và là yếu tố then chốt để con hình thành nên lòng trắc ẩn với bản thân.

3. Duy trì kết nối với con

Bố mẹ duy trì kết nối thông qua những cuộc trò chuyện cởi mở, khách quan, giúp con cảm thấy mình có thể tìm đến bố mẹ để nói chuyện, tâm sự và tìm sự giúp đỡ bất cứ lúc nào con cảm thấy không ổn.
Nếu có lúc bố mẹ cảm thấy lo lắng về việc bạn bè có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con, thay vì chỉ trích hay tỏ ra không thích người bạn đó, bố mẹ nên tập trung chia sẻ hành vi của con mà bố mẹ không thích khi con ở bên người bạn kia, như: con thường đánh nhau, con hay nói bậy… Cách trao đổi này sẽ giúp hạn chế sự phản kháng ở con và tạo cơ hội để bố mẹ có thể tiếp tục những cuộc nói chuyện khác, giúp con hiểu được ảnh hưởng tiêu cực mà nhóm bạn đang tác động tới mình.

4. Hướng dẫn con cách từ chối và tìm hỗ trợ

Trong nhiều tình huống, con sẽ cần nói “không” khi cảm thấy bị áp lực bởi phải làm điều mà mình không muốn. Bố mẹ có thể hướng dẫn con một vài cách từ chối, như: khi bạn khuyến khích con thử hút thuốc lá, thay vì nói đơn giản “Tớ không hút”, con có thể nói “không, tớ không thích mùi của nó bám trên cơ thể”, “không, nó không tốt cho sức khỏe của tớ”...
Bố mẹ cũng cần hướng dẫn con tìm sự trợ giúp nếu gặp phải trường hợp không an toàn, con cảm thấy mình đang ở tình huống rủi ro, có nguy cơ cao. Một vài thông điệp mã hóa giữa bố mẹ với con, để con sử dụng - gọi điện cứu trợ, mà không cảm thấy xấu hổ trước mặt bạn bè, là điều các phụ huynh có thể thử làm. Nhưng điều quan trọng trong việc tìm trợ giúp này, là các bố mẹ cần đảm bảo và cho con hiểu rằng, con sẽ không gặp thêm rắc rối nào sau khi được hỗ trợ. Các giải pháp trợ giúp của bố mẹ nên mang tính tích cực, để có thể thực sự giúp con giải tỏa áp lực và hòa đồng với bạn bè về sau.

5. Khuyến khích con mở rộng mạng lưới xã hội tích cực

Có bạn bè và cảm thấy được kết nối với một nhóm bạn, sẽ mang lại cho con cảm giác thuộc về và được đánh giá cao. Điều này giúp con phát triển sự tự tin cùng các kỹ năng xã hội cần thiết khác. Vì thế, ngoài bạn bè ở trường học, bố mẹ có thể giúp con mở rộng mạng lưới xã hội tích cực, bằng cách để con tham gia vào các câu lạc bộ bên ngoài, các chương trình thể thao, hoạt động gia đình, thiện nguyện… Khi đó, con chắc chắn sẽ có nhiều lựa chọn và nguồn hỗ trợ nếu tình bạn ở đâu đó gặp trục trặc.

Chúc các bố mẹ đồng hành thành công với con trong tuổi dậy thì thường gặp nhiều vấn đề về áp lực đồng trang lứa nhé!

Phòng Tâm lý học đường Olympia 

Share:

Related post